Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 4: “Bẫy tâm lý” lừa tiền tỉ
Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng luôn sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi với nhiều kịch bản khó lường, hầu hết nạn nhân đều bị “thao túng tâm lý” để rồi sập bẫy…
>>Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 3: Chiêu trò “bổn cũ soạn lại”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, cơ quan chức năng mới đây tiếp tục có khuyến cáo trước các thủ đoạn, kịch bản của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có những chiêu trò mới nhằm thao túng, đánh vào tâm lý hám lợi, nhu cầu, sự háo danh… của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, những kịch bản lừa đảo phổ biến trên mạng đó là các đối tượng dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các nhóm tư vấn đầu tư, kiếm tiền online…
Với chiêu thức mới này, các đối tượng sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Telegram… quảng bá tuyển dụng cộng tác viên kiếm tiền online, việc nhẹ lương cao, bán hàng hưởng hoa hồng…
Các đối tượng đánh vào lòng tham của nạn nhân, từng bước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ để được trả công từ số tiền nhỏ tới số tiền lớn hơn. Nạn nhân “say mồi” và liên tiếp chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Với các nhóm chiêu dụ đầu tư tài chính cũng có cách thức tương tự như vậy.
Một chiêu thức lừa đảo khác mà hiện tại đang có rất nhiều người dính bẫy, đó là tuyển dụng, đào tạo người mẫu nhí chụp ảnh mẫu đại diện cho các hãng thời trang nổi tiếng, có thu nhập cao. Đối tượng lừa đảo đã đánh vào sự háo danh của cha mẹ dành cho con em. Khi những bậc cha mẹ tham gia vào các nhóm chát thì các đối tượng chiêu dụ họ trở thành cộng tác viên online để mua – bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nhằm hưởng hoa hồng cao và tăng khả năng trúng tuyển cho con mình.
Ban đầu, các bậc cha mẹ nhận tiền hoa hồng đều đặn nên tin tưởng và thấy việc kiếm tiền khá dễ dàng. Tuy nhiên khi đã “đầu tư” vào số tiền lớn thì các đối tượng lừa đảo lập tức xóa nạn nhân khỏi nhóm, chặn mọi liên lạc.
>>Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 1: “Thiếu” hiểu biết... “thừa” lòng tham
Từng tham gia tư vấn, hỗ trợ nhiều nạn nhân trong các vụ lừa đảo, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự cho biết, không khó để “nhận diện” thủ đoạn lừa đảo này. Các hình thức lừa đảo qua việc tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên xác nhận, vận đơn trên sàn thương mại điện tử đều sử dụng những trang web có tên miền lạ, khó nhớ với thiết kế giao diện tương đối giống với những “bản chính” nhằm đánh lừa những nạn nhân xấu số. Khi truy cập, chúng ta dễ dàng nhận ra website được xây dựng tạm bợ, nhiều lỗi font, nền, các giao dịch nạp và rút mập mờ, thông qua trung gian… Tuy nhiên không chỉ có những người kém hiểu biết hay hạn chế về thông tin mà ngày càng có rất nhiều nạn nhân là sinh viên, trí thức bị các chiêu trò này “che mắt” và đã có những thiệt hại lên tới cả tỉ đồng.
Cũng theo luật sư Nhung, điều đáng nói ở đây, có rất nhiều thủ đoạn lừa đảo đã được cảnh báo nhiều lần nhưng số nạn nhân không hề giảm. Nhiều hình thức lừa đảo vô cùng dễ phát hiện nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phải thừa nhận rằng mấu chốt của những chiêu trò lừa đảo là việc “thao túng tâm lý”, đánh vào lòng tham của nhiều người, cũng như sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác.
“Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo thì chính mỗi chúng ta cũng cần phải tự nâng cao sự cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh “sập bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hiện nay”, luật sư Nhung chia sẻ.
Phân tích về những tình huống bị thao túng tâm lý qua nhiều vụ lừa đảo đã xảy ra, nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa cho biết, thao túng tâm lý là một hình thức lạm dụng tâm lý, gây ra những ảnh hưởng quá mức tới người khác thông qua việc bóp méo tinh thần, bạo hành tâm lý và cảm xúc với mục đích chiếm lấy quyền lực, quyền kiểm soát, lợi ích hoặc một đặc quyền nào đó của nạn nhân. Đây được xem là hành vi kiểm soát tâm lý của người khác, buộc họ phải thuận theo suy nghĩ và mong muốn của mình. Thao túng tâm lý có thể xuất hiện ở bất kể môi trường nào, có thể xảy ra từ những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè... thậm chí cả những người xa lạ.
Vị chuyên gia cũng cho biết, trong cuộc sống luôn có những tình huống như mà đối với những người này thì rất dễ xử trí, song đối với những người khác thì lại khiến cho họ bấn loạn. Đơn cử như khi nhận được một cuộc gọi thông báo về việc vi phạm giao thông thì nhiều người ngay lập tức tìm ra những điều dối trá của kẻ lừa đảo. Song, cũng không ít người nghĩ rằng cuộc điện thoại trên là thật và cho rằng mình đã từng phạm lỗi. Từ đó họ đã có những hành động thiếu suy nghĩ để cho các đối tượng dắt mũi và cuối cùng là bị chiếm đoạt rất nhiều tiền.
“Những người bị thao túng, dẫn dắt tâm lý sẽ không còn nhận thức được hành vi, suy nghĩ của mình một cách khách quan. Họ bị phụ thuộc vào những đối tượng thực hiện hành vi thao túng. Nạn nhân sẽ không nhận định được đúng sai, không đưa ra được những quyết định độc lập liên quan đến cuộc sống của bản thân”, nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa chia sẻ.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm