Lừa đảo kiếm tiền online - Bài cuối: Tránh “bẫy” cách nào?
Thời gian qua, lừa đảo kiếm tiền online luôn là chủ đề “nóng” trong xã hội, đáng chú ý, thực trạng này vẫn tiếp tục gia tăng với những phương thức, thủ đoạn mới thách thức các cơ quan quản lý…
>>Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 4: “Bẫy tâm lý” lừa tiền tỉ
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về vấn nạn lừa đảo kiếm tiền online bùng phát, tuy nhiên nhiều người vẫn mắc bẫy do kẻ gian liên tục thay đổi cách thức, chiêu trò.
Thậm chí, có rất nhiều thủ đoạn lừa đảo đã được cảnh báo nhiều lần nhưng số nạn nhân vẫn không hề giảm. Nhiều hình thức lừa đảo vô cùng dễ phát hiện nhưng nhiều người vẫn sập bẫy một cách dễ dàng. Theo các chuyên gia, dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phải thừa nhận rằng mấu chốt của những chiêu trò lừa đảo là việc “thao túng tâm lý”, đánh vào lòng tham của nhiều người, cũng như sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự cho biết, một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy ở các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội nói chung như thế này, đó là công việc đơn giản, dễ thực hiện; lãi suất, hoa hồng cao hoặc có thể nói là béo bở để dụ dỗ, lôi kéo người dân sập bẫy.
Cũng theo luật sư Nhung, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tin tức về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo trên kênh truyền hình, báo chí chính thống, trang mạng xã hội để trang bị kiến thức, hiểu biết và chủ động nhận biết, phòng tránh. Bên cạnh đó, mỗi người cần tuyên truyền, chia sẻ cho gia đình, bạn bè, nhưng người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh cho họ.
“Đặc biệt, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an khi phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để cơ quan công an nhanh chóng nắm bắt thông tin, xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật và có thông báo, cảnh báo tới người dân về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo mới”, luật sư Nhung nói.
Từ góc độ ngân hàng, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho biết, tội phạm trên không gian mạng tồn tại rất nhiều năm qua và liên tục biến hóa, tần suất và quy mô liên tục tăng, thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Theo thông tin mà ACB thu thập được thì trong một quý có khoảng 1,2 triệu trường hợp bị lừa, 23% trong đó liên quan đến tài khoản ngân hàng và thẻ ngân hàng.
Để ngăn chặn người dân tránh bẫy lừa của nhóm tội phạm này, ông Từ Tiến Phát cho rằng, trước tiên phía khách hàng là cần nâng cao tinh thần cảnh giác, áp dụng "ba không" để hạn chế tối đa lừa đảo qua không gian mạng: thứ nhất, không click vào các link gửi đến; thứ hai, không tải app nếu không có trên kho ứng dụng Google Play hay App Store; thứ ba, không nghe theo những gì liên quan đến tư vấn tài chính qua điện thoại, mạng xã hội vì đa phần là lừa đảo, quấy rối.
“Khách hàng nên đọc, tìm hiểu những thông báo, cảnh báo lừa đảo qua các kênh chính thống như báo chí, thông tin từ ngân hàng để phòng tránh lừa đảo; đồng thời, khách hàng nên chậm lại vài giây để đọc những thông tin gửi về điện thoại để hiểu kỹ nội dung trước khi quyết định giao dịch”, ông Phát khuyến nghị.
>>Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 1: “Thiếu” hiểu biết... “thừa” lòng tham
Dưới góc nhìn từ cơ quan quản lý, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng cho biết, thời gian qua, lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính.
Để bảo vệ tài khoản ngân hàng của người dùng, ông Lê Anh Dũng cho biết: Cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng; làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể là sẽ sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, tới đây sẽ quy định hạn mức giao dịch phải xác thực bằng sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) để xác định người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một.
“Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp để xây dựng quy trình phối hợp và thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật từ công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, có kết nối liên thông với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để hạn chế tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ, phục vụ ngăn chặn sớm dòng tiền vi phạm pháp luật”, ông Dũng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 4: “Bẫy tâm lý” lừa tiền tỉ
03:20, 16/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 3: Chiêu trò “bổn cũ soạn lại”
11:00, 15/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 2: Ăn “bánh vẽ”…thành nạn nhân
03:30, 14/11/2023
Lừa đảo kiếm tiền online - Bài 1: “Thiếu” hiểu biết... “thừa” lòng tham
03:30, 13/11/2023