Thuế thu nhập cá nhân – Đã đến lúc cần điều chỉnh
Trong khi tình hình kinh tế, mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ đã có nhiều thay đổi nhưng chính sách thuế thu nhập cá nhân đã duy trì gần 10 năm, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần điều chỉnh…
>> Thuế thu nhập cá nhân – Chờ hơn 3 năm nữa, liệu có phù hợp?
Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 9 tháng năm 2023 đạt 121.200 tỷ đồng, thấp hơn 7.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm 6%. Con số này cũng chỉ mới đạt được 78% dự thu ngân sách năm 2023 (154.652 tỷ đồng), trong 10 năm qua, đây là năm đầu tiên số thu thuế TNCN trong 3 quý của năm tăng trưởng âm.
Mặc dù số thu của sắc thuế này giảm nhưng số thu thuế TNCN hiện nay vẫn cao gấp 3,2 lần so với năm 2013. Theo đó, năm 2013, số thu thuế TNCN đạt 46.458 tỷ đồng thì đến năm 2022, ngành thuế ghi nhận số thu thuế TNCN ở mức kỷ lục, vào khoảng 153.258 tỷ đồng (tăng 24,6% so với năm 2021). Tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của sắc thuế này ngày càng tăng cao, chiếm khoảng 10,5% tổng thu do ngành thuế quản lý và tương đương 11% tổng thu nội địa của ngành này.
Chia sẻ về thực tế đã nêu, một số ý kiến cho rằng, thuế TNCN bản chất là thuế đánh vào thu nhập của người lao động và thu nhập của công dân từ chuyển nhượng tài sản, như là chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, trúng thưởng xổ số,… việc giảm thuế TNCN phản ánh bức tranh của nền kinh tế trong năm qua, doanh nghiệp khó khăn, thu nhập của người lao động giảm sút.
Ngoài những nguyên nhân khách quan dẫn đến số thu sụt giảm, theo chuyên gia, còn có nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý thuế. Cụ thể, trong một vài năm trở lại đây, kinh tế tăng trưởng dương nên số thu thuế nói chung, thuế TNCN nói riêng tăng lên là đương nhiên. Thế nhưng khi kinh tế tăng trưởng dương mà số thu thuế lại giảm thì cần phải xem lại.
>> Thuế thu nhập cá nhân – Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh
Đặc biệt, trong thuế TNCN có 10 nguồn thu tính thuế nhưng đóng góp lớn nhất vẫn đến từ tiền công, tiền lương của người lao động, chiếm tỷ trọng hơn 70%. Đáng nói, tình trạng lạc hậu của chính sách thuế này đã được đề cập rất nhiều nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/người/tháng đối với người đóng thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc; điều kiện xem xét người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được xem là người phụ thuộc, hay mức thu nhập vãng lai 2 triệu đồng phải khấu trừ thuế 10%... đều hết sức lạc hậu, thậm chí vô lý.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, những bất cập nói trên cần được sửa đổi càng nhanh càng tốt. Trước mắt, để giải quyết nhanh chỉ cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 20 triệu đồng/người/tháng, người phụ thuộc lên 10 triệu đồng/người/tháng là cơ bản giải quyết phần nào bất cập.
“Điều chỉnh này chỉ cần một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có thể triển khai ngay. Sự thay đổi này sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, người tiêu dùng có thu nhập tăng thêm sức mua, từ đó doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh trong nước. Cần có những chính sách khoan sức dân trong giai đoạn này mới có thể thúc đẩy được kinh tế tăng trưởng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Thực tế, những vấn đề bất cập, tồn tại của thuế TNCN không phải là câu chuyện mới mà là vấn đề “nóng” gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua, trong đó, phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh; thay đổi khởi điểm chịu thuế là yêu cầu cấp thiết và được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại các Kỳ họp Quốc hội gần đây.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, các quy định trong tính thuế TNCN như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát.
“Có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. Đây là bất cập lớn”, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng kỳ vọng, Luật này cần được sửa đổi sớm, chứ không nên chờ tới năm 2025 mới đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026) như dự kiến hiện nay.
Liên quan đến câu chuyện thuế TNCN, thông tin với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cho biết, so với thế giới, chỉ số tính thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam so với lương cơ sở đang cao hơn 2,4 lần, ngưỡng chịu thuế bình quân chung ở nước ngoài chỉ tính từ 0,5 - 1 lần so với lương cơ sở.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh so với lương cơ sở như vậy là cao, nhưng đang thấp hơn mức sống đô thị của người dân. Đặc biệt, thu nhập 12 triệu đồng/tháng ở đô thị “không đủ sống” nhưng 11 triệu đồng đã phải nộp thuế.
“Dự Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) chưa được bổ sung vào chương trình làm Luật trong thời gian tới. Sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2024, trên cơ sở đó sẽ tính thu nhập gốc, tính mức bình quân tăng lương mỗi năm là 7 - 8% để làm căn cứ tính ra thu nhập bình quân chịu thuế”, Bộ trưởng Phớc chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN hiện thấp so với cuộc sống tại các đô thị và sẽ tăng mức này khi sửa Luật. Bộ Tài chính đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào chương trình sửa đổi, để điều chỉnh các quy định tính thuế thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Thuế thu nhập cá nhân – Chờ hơn 3 năm nữa, liệu có phù hợp?
04:00, 08/09/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh
04:00, 07/08/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Cần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế
04:00, 31/07/2023
Thuế thu nhập cá nhân - “Thước đo” CPI tăng 20% đã lỗi thời
11:00, 24/07/2023
Thuế thu nhập cá nhân - Điều chỉnh thế nào để khuyến khích người lao động?
04:00, 20/07/2023