Trong khi cuộc sống của người nộp thuế còn nhiều khó khăn, bất cập của chính sách cũng được chỉ rõ, thế nhưng, việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn cần chờ hơn 3 năm nữa, liệu có phù hợp?
>> Thuế thu nhập cá nhân – Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh
Gửi tham luận tới Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV mới đây, bên cạnh báo cáo về việc đã triển khai xây dựng các Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Bộ Tài chính cũng cho biết, Chính phủ đã có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đề xuất xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), đồng thời, đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026.
Nếu mốc thời gian sửa luật này vẫn được ấn định theo đúng lộ trình đã nêu thì hơn 3 năm nữa những bất cập của chính sách và “gánh nặng” của người nộp thuế mới được giải quyết, liệu có phù hợp?
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI, Luật Thuế thu nhập cá nhân là ảnh hưởng đến toàn dân nên càng quan trọng hơn một số luật khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, thời gian xem xét không kịp thì phải ưu tiên trình sửa luật Thuế thu nhập cá nhân trước các luật khác.
“Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều người lao động đã bị giảm mạnh thu nhập, đời sống vô cùng khó khăn. Những bất hợp lý, lạc hậu trong quy định về thuế thu nhập cá nhân như mức giảm trừ gia cảnh, các bậc thuế lũy tiến chưa hợp lý đáng lẽ ra cần phải được ưu tiên sửa đổi sớm hơn vì tác động đến toàn dân. Việc thay đổi này mới thể hiện được sự tiếp thu, lắng nghe ý kiến cũng như đồng hành cùng người dân trong việc thực hiện các chính sách”, Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.
Thực tế, những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân không phải câu chuyện mới, mà trong nhiều năm qua, hàng loạt các chuyên gia, cũng như các đại biểu Quốc hội đã không ít lần đề cập đến các điểm bất hợp lý, lạc hậu của sắc thuế này. Đáng nói, hàng loạt các quy định đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội sau hơn 10 năm áp dụng.
>> Thuế thu nhập cá nhân – Cần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế
Cụ thể, thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng gồm 7 bậc lũy tiến với mức thuế từ 5 - 35% với khoảng cách giữa các bậc thuế ở mức thấp, làm tăng đối tượng phải nộp thuế. Số liệu của Tổng cục Thuế năm 2022 đã cho thấy, thu thuế thu nhập cá nhân đạt 166.733 tỷ đồng, mức cao kỷ lục từ trước tới nay và trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần.
Cùng với đó là mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, dù đã được sửa đổi lần gần đây nhất vào tháng 7/2020 (Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14), thì mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng vẫn được cho đã quá lạc hậu, không đảm bảo cuộc sống bình thường ở các đô thị cho người lao động.
Chưa kể, một số quy định bất cập khác như: người có thu nhập trên 1 triệu đồng vẫn không được tính là người phụ thuộc; thu nhập vãng lai từ mức 2 triệu đồng phải nộp thuế vẫn tồn tại… trong khi hiện nay, quy định tiêu chí hộ nghèo của cả nước ở khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng, thế nhưng, nhiều người dù thu nhập dưới chuẩn nghèo, không đủ sống nhưng vẫn không được tính vào người phụ thuộc.
Ngoài ra, việc sử dụng thước đó CPI tăng 20% làm cơ sở điều chỉnh mức tính thuế, giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh hiện nay cũng được cho là không phù hợp.
Liên quan đến những bất cập của thuế thu nhập cá nhân và dự kiến lộ trình sửa luật, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng, có thể đến năm 2027 sắc thuế này mới được sửa toàn diện, nếu đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 thì cũng chỉ rút ngắn được 1 năm so với lộ trình dự kiến. Trong khi đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh có thể điều chỉnh không phụ thuộc vào việc sửa luật, bởi theo quy định hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số CPI tăng 20%.
Từ năm 2020 đến nay, chỉ số CPI theo Tổng cục Thống kê chưa vượt qua mức 20%, thế nhưng, 3 năm qua có những diễn biến khá đặc thù. Đó là dịch COVID-19 kéo dài, thêm vào đó căng thẳng quân sự tại Ukraine - Nga, tỷ giá tăng, lãi suất cũng lên cao,… tất cả làm cho giá nguyên vật liệu, đặc biệt hàng hóa thiết yếu tăng lên khá nhiều. Trong đó, giá thực phẩm, học phí, viện phí… tăng lên nhiều, có hàng hóa vượt qua con số 20%.
“Mấu chốt gây ra sự lạc hậu đó là những quy định về con số tuyệt đối, chẳng hạn như mức giảm trừ gia cảnh, thu nhập vãng lai, hộ kinh doanh… nếu như chờ đến năm 2026 mới đưa ra sửa thì người nộp thuế sẽ chịu thiệt thòi “kép” trong bối cảnh hiện nay.
Những người có thu nhập cao là những lao động có chất lượng, mà tiền thuế càng cao thì tác động họ càng lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể ra một Nghị quyết bất thường điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sớm hơn để giải quyết những tồn tại mà người nộp thuế hiện nay đang chịu, đồng thời cũng còn thời gian sửa luật hoàn chỉnh trong 3 - 4 năm tới. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 20 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc 10 triệu đồng/tháng”, vị chuyên gia này đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Thuế thu nhập cá nhân – Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh
04:00, 07/08/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Cần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế
04:00, 31/07/2023
Thuế thu nhập cá nhân - “Thước đo” CPI tăng 20% đã lỗi thời
11:00, 24/07/2023
Thuế thu nhập cá nhân - Điều chỉnh thế nào để khuyến khích người lao động?
04:00, 20/07/2023
Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”
04:00, 17/07/2023