Xoay quanh các vấn đề bất cập của thuế thu nhập cá nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lấy CPI làm cơ sở điều chỉnh mức tính thuế, giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh hiện nay là không phù hợp…
>> Thuế thu nhập cá nhân - Điều chỉnh thế nào để khuyến khích người lao động?
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2022, thu thuế thu nhập cá nhân đạt 166.733 tỷ đồng, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, số lượng người nộp thuế thu nhập cá nhân không ngừng tăng qua các năm. Đáng nói, nộp thuế thu nhập cá nhân được cho sẽ là niềm tự hào nếu người nộp thuế có mức sống dư giả, tuy nhiên, thực tế cho thấy, cuộc sống của không ít người người nộp thuế hiện nay vẫn ở trong tình trạng khó khăn. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này xuất phát từ việc chính sách thuế lạc hậu, không thay đổi kịp thời, không theo kịp với trượt giá…
Trước thực tế đã nêu, Dự thảo về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đã nhắc tới việc sửa đổi chính sách thuế với người làm công ăn lương, tuy nhiên lại không đề cập việc nghiên cứu thay đổi phương pháp xây dựng giảm trừ gia cảnh - vốn đang được người dân và chuyên gia cho là bất cập.
Thay vào đó, đến năm 2026, nếu Luật Thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực, mới “có thể nghiên cứu” nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp mức sống. Bởi theo cơ quan soạn thảo, cơ sở xác định mức giảm gia cảnh 11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng từ năm 2020 được tính toán bằng cách lấy mức giảm trừ gia cảnh cũ nhân với tốc độ lạm phát qua các năm. Việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh chỉ được thực hiện khi biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luỹ kế qua các năm trên 20%.
Đánh giá về vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, tại sao phải chờ CPI tăng tới 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh? Trong khi thu nhập, chi tiêu của người dân và lạm phát tăng lên hàng năm nhưng mức giảm trừ gia cảnh chỉ điều chỉnh hai lần trong hơn 15 năm qua…
>> Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”
Thực tế cho thấy, nếu lấy 2007 là năm gốc (thời điểm ban hành Luật Thuế Thu nhập cá nhân), mức giảm trừ gia cảnh qua các năm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của mức chi tiêu bình quân đầu người và lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, theo khảo sát của Tổng cục thống kê, nếu năm 2008, mỗi người bình quân chi tiêu khoảng 792.000 đồng thì tới năm 2020, con số này tăng 3,6 lần, lên gần 2,9 triệu đồng. Trong khi mức chi tiêu mỗi người dân gấp khoảng 4 lần so với thời điểm 2007, mức giảm trừ gia cảnh chưa bằng ba lần. Còn nếu so với tốc độ tăng lương tối thiểu, mức điều chỉnh gia cảnh cũng trở nên lỗi thời, khi lương tối thiểu vùng 1 tới nay đã bằng ít nhất 5,5 lần, mức giảm trừ gia cảnh chỉ bằng 2,8 lần.
Trước thực tế đã nêu, nhiều chuyên gia cho rằng, việc quy định mốc thời điểm CPI thay đổi 20% sẽ phải mất tới 5-7 năm mức giảm trừ gia cảnh mới được đổi một lần, với độ trễ lớn của chính sách thì người nộp thuế sẽ luôn chịu thiệt. Vì vậy, việc lấy CPI làm cơ sở điều chỉnh mức tính thuế, giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh hiện nay là không phù hợp.
Thông tin với báo chí về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc quy định mốc thời điểm CPI thay đổi 20% khiến phải mất tới 5-7 năm thậm chí 10 năm mức giảm trừ gia cảnh mới được đổi một lần. Chính sách có độ trễ lớn nên người dân phải chịu thiệt thòi.
“Một trong những nội dung cần sửa đổi của Luật Thuế thu nhập cá nhân là phải linh hoạt điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Việc thay đổi này có thể thực hiện hàng năm và có thể gắn nó với sự thay đổi của CPI. Ví dụ, sau mỗi năm chỉ số giá tiêu dùng tăng 5% thì mức giảm trừ gia cảnh phải tự động tăng 5% thì mới phù hợp với thực tiễn”, PGS.TS Phạm Thế Anh đề xuất.
Đồng quan điểm đã nêu, bà Andrea Godfrey - Thành viên điều hành, Phụ trách bộ phận tư vấn và tuân thủ thuế thu nhập cá nhân KPMG Việt Nam cũng nhận định, mức giảm trừ không phản ánh kịp thời những thay đổi của giá cả sinh hoạt của người dân.
Theo bà Andrea Godfrey, thời gian giữa các lần điều chỉnh quá dài và không theo kịp mức tăng chi tiêu thực tế của người dân, làm tăng gánh nặng thuế và giảm thu nhập thực tế của họ trong bối cảnh giá cả biến động.
Do vậy, vị chuyên gia này đề nghị lấy mốc biến động CPI 5-10% thay vì 20% như hiện nay để làm căn cứ điều chỉnh, giúp phản ánh sát sao và kịp thời mức chi tiêu của người dân.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, trước đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, chờ CPI tăng 20% theo quy định hiện hành là quá lâu, sẽ thiệt thòi cho người người nộp thuế. Do đó, cần sửa quy định này, bởi, với những người làm công ăn lương, giá cả chỉ cần biến động 10% đã ảnh hưởng rất nhiều đến chi tiêu hàng ngày, vì chủ yếu chi cho nhu cầu thiết yếu, mà hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thường tăng cao hơn so với mặt bằng giá cả.
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất, cần thiết kế một quy trình tối ưu hóa để khi CPI chạm ngưỡng biến động trên 5%, 10% hoặc một tỷ lệ ấn định nào đó thì mức giảm trừ gia cảnh kỳ gần nhất sẽ điều chỉnh tự động theo các mức được ấn định tương ứng và áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Như vậy, sẽ bảo đảm sự công bằng hợp lý, tiết kiệm nguồn lực cho các cơ quan, không cần thiết phải thực hiện quy trình soạn thảo văn bản và họp để quyết định vì áp dụng kết quả đã được luật hóa.
Có thể bạn quan tâm
Thuế thu nhập cá nhân - Điều chỉnh thế nào để khuyến khích người lao động?
04:00, 20/07/2023
Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”
04:00, 17/07/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Cần công bằng với người nộp thuế
04:00, 05/07/2023
Điểm sáng hỗ trợ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
05:30, 08/06/2023
Thuế thu nhập cá nhân - Phải điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế
05:00, 07/06/2023