Sửa Luật Thủ đô: Cần có cơ chế, chính sách đột phá hơn
Để Thủ đô Hà Nội phát triển đúng tầm, đúng hướng trong tình hình mới, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, các cơ chế, chính sách cần đột phá hơn…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ phạm vi áp dụng
Theo đó, xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò, yêu cầu phát triển Thủ đô trong tình hình mới, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung, xem xét, cập nhật tính đồng bộ, tính phù hợp với các nội dung liên quan đến: đất đai, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa. Đặc biệt, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng được cho có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và thủ đô trong thời gian tới nói riêng…
Đáng nói, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng được cho có nhiều điểm mới với khoảng 10 nội dung quản lý ngành, lĩnh vực có quy định vượt trội so với quy định chung dành cho cả nước thuộc các lĩnh vực thiết yếu đối với sự phát triển của Thủ đô như: đầu tư công nghệ, y tế, nhân sự…
Nhìn nhận về các sửa đổi đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, những quy định này về cơ bản sát với nhu cầu của Hà Nội để có thêm sức bật về thể chế, tuy nhiên, một số nội dung được xem là vượt trội nhưng thực chất là những quy định có tính tháo gỡ quy định chung mà các địa phương nào cũng cần, không chỉ riêng Hà Nội. Do đó, cần thiết phải có những quy định mang tính đột phá hơn, gắn với đặc thù của Hà Nội.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), về cơ chế, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể các nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết do Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế. Do đó, lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế.
Cùng với các đề xuất đã nêu, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô phải đặt ra những yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài; phải quy định được vai trò, trách nhiệm quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của nước.
“Yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển”, vị đại biểu này bày tỏ.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, xây dựng phát triển quản lý bảo vệ Thủ đô phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô văn hiến, văn minh hiện đại và yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước. Các công trình kiến trúc xây dựng Thủ đô phải mang ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử; phải tạo những không gian để quy tụ những đặc trưng của các vùng miền hiện diện tại Thủ đô; việc quản lý phát triển toàn diện toàn bộ không gian lãnh thổ Thủ đô theo tiêu chuẩn quản lý của đô thị đặc biệt, gồm có đô thị trung tâm và các vùng nông thôn các vùng đô thị bên ngoài theo mô hình là thành phố thuộc Thủ đô.
Với mô hình thành phố thuộc Thủ đô, toàn bộ những không gian này, kể cả như vùng nông nghiệp phát triển nông nghiệp đô thị nông nghiệp trải nghiệm cũng cần phải được cho phép xây dựng các công trình dịch vụ du lịch; không gian phát triển công nghiệp làng nghề cần phải được xây dựng các công trình thương mại dịch vụ. Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, Luật nên phân cấp, trao quyền cụ thể cho cho HĐND và UBND thành phố. Việc trao thẩm quyền rõ ràng sẽ không sợ bị lạm quyền hay làm phá vỡ quy hoạch; đồng thời Luật cũng không nên quy định quá chi tiết sẽ vướng trong quá trình thực hiện.
“Với quy định phân quyền và trao quyền như trên, nhiệm vụ và khối lượng công việc chính quyền thành phố phải thực hiện sẽ nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn. Do vậy, cần phải có mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn với trao quyền này...”, vị đại biểu này nhấn mạnh.
Được biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi gồm 7 Chương, 59 Điều (tăng 3 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 Điều; quy định mới 38 Điều). Dự thảo dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ phạm vi áp dụng
04:00, 02/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể các nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô
04:00, 30/11/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết bổ sung quy định về quy hoạch đô thị ven sông
04:00, 28/11/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
04:00, 27/11/2023
Đánh giá toàn diện 10 năm thi hành Luật Thủ đô
00:06, 27/11/2023