Buộc ngư dân phải "nộp tô" (Hải Phòng): Tại sao không thể xử lý triệt để?

Lan Vũ 21/04/2020 05:10

Thông qua thương lái, một số đối tượng đã buộc ngư dân đóng từ 25 - 40% giá trị sản phẩm đánh bắt được.

Mặc dù tình trạng trên đã được các cơ quan chức năng TP Hải Phòng xử lý nhưng cứ giải quyết xong lại tái diễn. Nhóm đối tượng này bị xử lý lại xuất hiện nhóm bảo kê khác. Ngư dân vì quá sợ hãi đành phải "nộp tô" hoặc “treo tàu” để nên bờ làm thuê hoặc tìm đến ngư trường khác, đi xa hơn chấp nhận sản lượng khai thác ít đi.

Từ cuối tháng 2/2020, hàng chục ngư dân quận Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến Thụy… phát hiện một ngư trường ở khu vực ngoài khơi cách đảo Dấu (Hải Phòng) khoảng hơn 10km, có rất nhiều con nhám (loại nhuyễn thể don, dắt) nên họ đã tới đây khai thác.

Khi ngư dân ra khai thác, trên mặt biển khu vực này xuất hiện phao quây bãi. Một số đối tượng đi canô ra bảo đây là khu vực họ quây nuôi, ngư dân phải "nộp tô" để được vào khai thác. Thông qua thương lái, các đối tượng này buộc ngư dân đóng từ 25 - 40% giá trị sản phẩm đánh bắt được, mỗi tháng thu 2 lần. Số tiền này thương lái trừ vào tiền mua, giữ lại trả cho các đối tượng trên.

Ngư dân bắt don, dắt trên biển (Hải Phòng)

Ngư dân bắt don, dắt trên biển (Hải Phòng)

Không thể chấp nhận được việc phải "nộp tô", 15 ngư dân các phường Hòa Nghĩa, Hải Thành (Dương Kinh), Bàng La, Hợp Đức (Đồ Sơn) đã làm đơn kêu cứu gửi tới Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Hải Phòng và các cơ quan chức năng.

Qua xác minh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng đã có văn bản trả lời ngư dân. Theo đó, sự việc nêu trong đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp của 15 ngư dân là có thật. Các trường hợp Nguyễn Đức Hòa, phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn); Đặng Văn Bốn, phường Tân Thành (quận Dương Kinh); Nguyễn Đăng Kiên (Khánh), phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) đã tự thả phao nhận nuôi con don, dắt, nhám, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Việc thỏa thuận thu tiền theo tỷ lệ phần trăm của Bốn, Hòa, Kiên với các ngư dân khai thác don, dắt, nhám là sai quy định của pháp luật. Vì không thuộc thẩm quyền, Bộ đội Biên phòng đã hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, bàn giao cho Công an quận Đồ Sơn tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tình trạng cắm cọc, bảo kê bắt ngư dân nộp tô lại tái diễn trên cửa biển Hải Phòng (Hải Phòng)

Tình trạng cắm cọc, bảo kê bắt ngư dân "nộp tô" lại tái diễn trên cửa biển Hải Phòng (Hải Phòng)

Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn luật sư Hải Phòng, hành vi của nhóm đối tượng trên có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản bằng hành vi đe dọa dùng vũ lực. Mục đích của việc đe doạ này là làm cho ngư dân sợ và giao tài sản.

Theo Điều 170, Bộ Luật hình sự năm 2015, mức hình phạt của tội này được chia thành bốn khung. Cụ thể: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1- 5 năm; Phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai…, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu – 200 triệu đồng… thì bị phạt từ từ 3 – 10 năm; Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, lợi dụng thiên tại, dịch bệnh thì bị phạt từ từ 7 – 15 năm; Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, lợi dụng chiến tranh, trình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12 – 20 năm.

"Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản" – ông Thuận cho biết.

Được biết, đây không phải lần đầu trên địa bàn quận Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến Thụy… xuất hiện tình trạng quây bãi, thu tô của ngư dân. Nếu ngư dân nào không nộp sẽ không được khai thác. Nếu thuyền nào không chịu "nộp tô" mà vẫn cố tình đánh bắt thì sẽ bị đe dọa, thậm chí bị đánh đến sưng tím mặt mày.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến ngao - cát

    Cuộc chiến ngao - cát

    06:20, 21/10/2018

  • Bức xúc hoạt động bảo kê khai thác đá, sỏi trái phép

    Bức xúc hoạt động bảo kê khai thác đá, sỏi trái phép

    14:00, 09/05/2019

  • Hải Phòng: Một doanh nghiệp bị

    Hải Phòng: Một doanh nghiệp bị "xã hội đen" đòi tiền bảo kê khai thác

    08:30, 16/01/2019

Trước đó, năm 2015 tại cửa sông Văn Úc thuộc quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy đã xuất hiện thực trạng cắm cọc bảo kê bắt ngư dân nộp tô. Các đối tượng cắm cọc trên vùng biển thuộc quận Đồ Sơn, Dương Kinh và huyện Kiến Thụy để bảo kê và bắt các ngư dân  phải nộp “tô” mới được đánh bắt, cào ngao trên vùng biển này. Theo phản ánh của các ngư dân, họ phải nộp lại từ 30-40% sản lượng ngao cho các nhóm bảo kê, nếu không nộp sẽ bị các đối tượng đánh đập, không cho cào ngao tại đây. Sau đó, Giám đốc Công an TP.Hải Phòng đã chỉ đạo lập chuyên án 915C về việc đấu tranh với nhóm đối tượng hoạt động theo hình thức bảo kê, tàng trữ sử dụng vũ khí, cố ý gây thương tích tại khu vực bãi triều ven biển, bắt 4 đối tượng bảo kê...

Năm 2017, UBND TP Hải Phòng có văn bản chỉ đạo phân định tạm thời khu vực mốc giới biển giao cho các địa phương nhằm giải quyết những bất cập tình trạng “cha chung không ai khóc”. Sau nhiều động thái quyết liệt của chính quyền, những tưởng nạn cắm cọc, bảo kê sẽ chấm dứt, nhưng nay tình trạng này lại tiếp diễn.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Lan Vũ