Cuộc chiến ngao - cát

Thu Hà 21/10/2018 06:20

Thời gian qua người dân Kiến Thụy, Hải Phòng ngư dân nuôi ngao kêu cứu vì nạn khai thác cát và bất bình trước sự lạnh lùng của chính quyền địa phương.

Nạn khai thác cát nơi cửa sông Văn Úc (giáp ranh giữa huyện Tiên Lãng và Kiến Thụy - TP. Hải Phòng) đang là nỗi ám ảnh của hàng trăm ngư dân nuôi ngao và hàng nghìn người dân “bám biển” kiếm sống. Nhiều năm qua, người dân đã gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng nhưng đến nay chính quyền chưa giải quyết được dứt điểm.

p/Nhiều tàu xông vào bãi nuôi ngao của người dân ở khu vực Gồ Đông, cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy thò

Nhiều tàu xông vào bãi nuôi ngao của người dân ở khu vực Gồ Đông, cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy thò "vòi rồng" xuống hút cát

Cát... “sát” ngao

Các hộ dân nuôi ngao ở đây phải bỏ hàng tỷ đồng, có những hộ vay vốn ngân hàng hàng chục tỷ ra để mua ngao để thả, nếu bị nạn cát tặc gây ảnh hưởng môi trường nguồn nước thì người dân không biết làm gì để trả nợ số tiền lớn kia.

Người dân cho biết bắt đầu từ tháng 12/2016 ngày nào cũng xuất hiện tàu khai thác cát trái phép có tàu hút cát to tới 800 m3, tàu nhỏ cũng 600 m3. Có lúc họ mang cả tàu cuốc 1.200 m3 ra nổ máy hút 24/24 giờ chạy quanh cửa sông Văn Úc và ngoài biển, làm ảnh hưởng đến hàng trăm diện tích nuôi ngao ở đây.

Anh Tuân một người dân cho chia sẻ thêm “tình trạng tàu hút cát ở quanh khu vực bãi ngao tạo nên những hố sâu gần 10m dưới lòng sông. Khi hút các vòi rồng này cũng khuấy đảo lớp bùn non kèm nhiều độc chất. Lớp bùn này theo dòng hải lưu chảy vào bãi ngao, theo chúng tôi đây mới chính là nguyên nhân khiến ngao chết hàng loạt”. Điển hình sáng 8/10, phát hiện nhiều tàu hút cát xông vào bãi nuôi ngao của người dân ở khu vực Gồ Đông, cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy thò "vòi rồng" xuống hút cát, người dân nuôi ngao cùng hô hoán nhau truy đuổi.

Lúc này, người dân dùng chai lọ ném đuổi tàu cát để bảo vệ các vựa ngao, còn các đối tượng trên tàu cát huy động người ra boong tàu ném trả bằng gạch đá, dùng dao, tuýp sắt lao vào đâm chém. Rất nhiều lần, khi phát hiện tàu khai thác cát vào sâu trong bãi ngao, người nuôi ngao đã phối hợp bắt giữ tàu, rồi giao cho Trạm Biên phòng xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, kết quả xử lý như thế nào người dân hoàn toàn không hay biết, chỉ biết rằng, sau thời gian ngắn, các tàu hút cát trái phép này lại được thả ra.

Quy hoạch... chơi

Trao đổi với PV DDĐN, ông Đào Văn Tuân, Phó Phòng nông nghiệp huyện Kiến Thụy cho biết: Trước đây toàn bộ diện tích nuôi ngao và khu vực quy hoạch khai thác khoáng sản huyện không quản lý, chính thức đến ngày 13/10/2017 mới nhận quyết định tạm giao của UBND thành phố Hải Phòng.

Năm 2011, người dân tự phát nuôi ngao từ đó nảy sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ, giữa các ngư dân truyền thống. Đồng thời, nạn khai thác cát tặc hoành hành, gây mất trật tự khó quản lý.

Chính vì vậy để ổn định cho người dân nuôi ngao UBND huyện Kiến Thụy đã ban hành Quyết định 635 quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao vùng ven biển đến 2015 định hướng 2030. Diện tích quy hoạch 750 ha phân chia khoảng hơn 100 lô, trên cơ sở đó huyện sẽ hướng dẫn cho các hộ có nhu cầu nuôi ngao đăng ký, vào khu vực quy hoạch, ông Tuân cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cát tặc”: Bao giờ hết lộng hành?

    “Cát tặc”: Bao giờ hết lộng hành?

    11:30, 10/07/2018

  • Cát tặc lộng hành tại Khánh Hòa

    Cát tặc lộng hành tại Khánh Hòa

    14:00, 02/04/2018

Điều đáng nói, diện tích được huyện Kiến Thụy phê duyệt quy hoạch nuôi ngao lại nằm nhiều ở khu vực lòng sông và bãi sình lầy, không thích hợp cho việc nuôi ngao bởi con ngao chỉ sống và phát triển trên gồ cát. Việc quy hoạch này đã gây ra nhiều tranh cãi, rất nhiều lần người nuôi ngao đã lên gặp lãnh đạo huyện Kiến Thụy yêu cầu giải thích rõ, tuy nhiên, đến nay chưa có câu trả lời rõ ràng.

Được biết, hiện nay thành phố cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong khu vực này gồm Cty Hoàng Sơn, Thiên Quý, Đông Kinh, Thành Trang. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để được khai thác. Vì vậy chưa có đơn vị nào được phép khai thác cát ở đây.

Qua đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền để giải quyết dứt điểm tình trạng cát tặc, bảo vệ cho người dân nuôi ngao và hàng nghìn người dân “bám biển” kiếm sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc chiến ngao - cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO