Vấn nạn sách giả, sách lậu (Bài 1): Nỗi đau của doanh nghiệp…
Nhiều năm trở lại đây, vấn nạn sách giả sách lậu luôn là chủ đề nhức nhối, không chỉ “vấy bẩn” tri thức, sách giả, sách lậu còn khiến các doanh nghiệp,… “nhói lòng” vì đứa con tinh thần bị xâm hại.
Sách giả, sách lậu bấy lâu nay như một câu chuyện nói đi, nói lại, thế nhưng cuối cùng, đâu vẫn hoàn đó,… càng chống sách giả, sách lậu thì sách giả, sách lậu càng hoành hành. Trên thực tế, việc chống sách giả, sách lậu hiện nay như việc bỏ cây chỉ chặt ngọn, chưa thể đào bới tận gốc rễ để giải quyết được vấn đề một cách triệt để, vấn nạn sách giả, sách lậu còn, không chỉ ảnh hưởng đến việc phổ cập tri thức cho xã hội vì sai lệch thông tin, mà còn muôn vàn hệ lụy khiến tác giả, doanh nghiệp, Nhà xuất bản âm ỉ một nỗi đau khó trải lòng…
“Vấy bẩn” tri thức
Sách nói chung, là tri thức của nhân loại, các tác giả, doanh nghiệp, Nhà xuất bản thông qua sách góp phần xây dựng xã hội, định hướng con người tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, không chỉ riêng việc phổ cập tri thức tới cộng đồng, sách giáo khoa, nền tảng giáo dục con người từ tiểu học tới phổ thông cũng đã và đang bị “vấy bẩn” bởi vấn nạn sách giả, sách lậu hoành hành.
Chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp về thực trạng vấn nạn sách giả, sách lậu hiện nay, ông Lê Thành Anh – Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết: Việc sử dụng sách giả, sách lậu là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là sách giáo dục bởi đây là loại sách phổ cập sử dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, cho nên, những sai sót trong quy trình thực hiện sách giả, sách lậu sẽ ảnh hưởng đến nền tảng kiến thức của các thế hệ học sinh.
“Đặc biệt, liên quan đến sách bản đồ càng là vấn đề đáng quan ngại khi những hệ lụy từ sai sót của sách giả, sách lậu sẽ dễ đến các sai lệch, không đồng nhất của kiến thức được phổ cập. Sách về ngoại ngữ còn đáng lo ngại hơn, khi vấn nạn sách giả, sách lậu tồn tại đã gây ra nhiều ảnh hưởng cho Nhà xuất bản, từ vấn đề bản quyền cho tới bức xúc của các đối tác phối hợp thực hiện”, ông Thành Anh nói.
Cũng theo ông Thành Anh, để đối phó với vấn nạn sách giả, sách lậu, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã có những bước tiên phong trong công tác đấu tranh như tổ chức tọa đàm, hội thảo, tuyên truyền,… trên các kênh truyền thông, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý khi có thông tin về sách giả, sách lậu. Nhưng để có thể xử lý triệt để vấn nạn này cũng mong có những hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn, đồng bộ với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, không thể để những “đứa con tinh thần”, tri thức bị “vấy bẩn”.
Còn đó nhiều… “nỗi đau”
Trong hệ thống xuất bản, in ấn, phát hành sách hiện nay, ngoài các Nhà xuất bản, Nhà in, còn có đội ngũ các doanh nghiệp tham gia vào mặt trận văn hóa này. Sách giả, sách lậu hoành hành không chỉ đem đến những nỗi đau về nền tảng tri thức bị “vấy bẩn” khi những “đứa con tinh thần” bị xâm hại, mà còn là những nỗi đau về kinh tế, uy tín, danh dự… Tiền nong đầu tư, có thể thua lỗ ở đầu sách này hay đầu sách khác nhưng ngoài chuyện tiền nong, kinh tế thì hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp cũng bị “méo mó” theo, bởi vấn nạn sách giả, sách lậu.
Ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc, Công ty TNHH Văn Hóa Sáng Tạo First News - Trí Việt bức xúc: 26 năm hoạt động trong ngành sách, chúng tôi luôn muốn mang đến những giá trị tri thức cho người đọc, không ngại khi phải bỏ số tiền lớn ra mua bản quyền những cuốn sách hay, đầu tư đội ngũ biên tập trau chuốt,… Nhưng 1000 đầu sách mà First News ấn hành thì hơn 600 đầu sách bị in lậu. Vậy lợi nhuận của doanh nghiệp còn đâu? Đau hơn cả là những “đứa con tinh thần” bị xâm hại và hình hài tri thức tới người đọc bị “méo mó”.
Cũng theo ông Phước, thực tế hiện nay 99% người đọc mua phải sách giả, sách lậu mà không phân biệt được, trong khi đó, sách giả, sách lậu không phải đóng thuế, không mất chi phí đầu tư nội dung,… nhưng vẫn nghiễm nhiên thu lời, thử hỏi những doanh nghiệp hoạt động chân chính sẽ sống thế nào?
“Làm ra được một cuốn sách đến tay người đọc biết bao nhiêu khâu đoạn vất vả, cùng với đó là chi phí đầu tư nhưng đến khi bị xâm hại, ảnh hướng đến uy tín, danh dự, kinh tế, thì doanh nghiệp vẫn chưa được bảo vệ một cách thỏa đáng, đằng sau vấn nạn sách giả, sách lậu vẫn còn tình trạng bảo kê, hành lang pháp lý chưa đủ sức răn đe,… nên doanh nghiệp còn nhiều cái “thiệt” – ông Phước cho hay.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Có thể bạn quan tâm