Cử tri bức xúc tình trạng "tham nhũng vặt" và chạy chức, chạy quyền

Thy Hằng 09/05/2019 15:00

Trước phản ánh của cử tri về tình trạng "tham nhũng vặt", chạy chức quyền, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lượng hóa ý kiến đối với từng lĩnh vực, từng địa bàn để theo dõi, giám sát.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, có 1.915 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. 

Tình trạng “tham nhũng vặt” chưa được khắc phục

Trong đó, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề đang đặt ra và kiến nghị tới Quốc hội 5 nhóm vấn đề chủ yếu về kinh tế - xã hội, vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường, vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện và xử lý.

Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân vẫn phản ánh và cho rằng tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức… vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện và xử lý.

Cùng với đó, liên quan xử lý đấu tranh chống tham nhũng theo đúng chủ trương “không có vùng cấm”, các cử tri vẫn phản ánh, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; việc thu hồi tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế.

Tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền chưa được khắc phục.

“Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”, ông Mẫn nói.

Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, cử tri TP.HCM, Đà Nẵng,... phản ánh công tác quản lý, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ nhiều nơi còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm, xảy ra nhiều sai phạm.

Cử tri đề nghị cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, bố trí, tinh giản bộ máy theo hướng gọn nhẹ. Quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tăng cường công tác cải cách hành chính.

Cử tri các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Định,... đề nghị kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nếu phát hiện trường hợp kê khai không đúng với thực tế cần xác minh rõ ràng. Nếu là tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc đề nghị thu hồi toàn bộ và có biện pháp xử lý nghiêm khắc,...

Cử tri đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, có biện pháp hiệu quả thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ tăng giá điện

    Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ tăng giá điện

    19:30, 08/05/2019

  • Phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét 2 dự án luật sửa đổi

    Phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét 2 dự án luật sửa đổi

    14:57, 08/05/2019

  • Cử tri mong muốn đưa vụ việc khu đô thị mới Thủ Thiêm ra Quốc hội

    Cử tri mong muốn đưa vụ việc khu đô thị mới Thủ Thiêm ra Quốc hội

    16:00, 07/05/2019

  • Phân công chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

    Phân công chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

    18:40, 25/04/2019

Lượng hoá ý kiến và rà soát các vấn đề lớn

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được tổng hợp.

“Đây là những vấn đề lớn nổi lên trong đời sống xã hội thời gian qua được nhân dân và cử tri quan tâm. Có những vấn đề, nội dung đã được Quốc hội giám sát, nhiều nội dung liên quan đến các dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp sắp tới”, ông Tỵ nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục rà soát để đánh giá kỹ thêm đối với các vấn đề nổi lên như phát triển hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, quy hoạch đô thị, tái cơ cấu nông nghiệp, y tế, bảo hiểm y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chính sách đối với người nghèo…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị đánh giá kỹ, cụ thể các vấn đề liên quan đến vai trò của các cơ quan nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

"Nghiên cứu để lượng hóa được số lượng ý kiến đối với từng lĩnh vực, từng địa bàn, lĩnh vực nào được kiến nghị nhiều lần nhưng chưa chuyển biến để theo dõi, giám sát", ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Được biết, về công tác bổ nhiệm cán bộ, hiện Bộ Nội vụ đã cung cấp thông tin đến cử tri về công tác rà soát, hoàn thiện thể chế quy định về công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua, các giải pháp đã và đang thực hiện để tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ..., xem xét việc thực hiện thí điểm một số mô hình.

Điển hình như kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

Hay như việc hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện,...

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng thông tin đến cử tri tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng,... về giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tại nơi sắp xếp, sáp nhập…

Thy Hằng