Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế
Ngành thuế đặt mục tiêu trở thành đối tác của mọi doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện pháp luật thuế, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nước đứng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực.
Thời gian qua, cơ quan thuế đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian của doanh nghiệp, người nộp thuế.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công điện tử để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế của mình kể từ khâu: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc truy cập, sử dụng hệ thống Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế một cách tập trung, thống nhất, đồng bộ, việc hoàn thành triển khai hệ thống Dịch vụ thuế điện tử (eTax) trong năm 2019 cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người nộp thuế, cán bộ thuế thuộc 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (riêng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh triển khai trong quý I/2020).
Hệ thống Dịch vụ thuế điện tử tiếp tục duy trì được hiệu quả trong việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử cho doanh nghiệp, cụ thể là 99,87% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,15% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 93,62 % doanh nghiệp đề nghị hoàn xuất khẩu, hoàn dự án đầu tư có sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 93% doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế
01:00, 12/03/2020
22.600 tỷ đồng gia hạn thuế GTGT
04:30, 11/03/2020
Thủ tục gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế do ảnh hưởng COVID -19
16:55, 10/03/2020
[COVID-19] Ngành thuế đề xuất giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp
05:15, 10/03/2020
Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn do ảnh hưởng COVID-19 khoảng 30.000 tỷ đồng
17:21, 06/03/2020
Ngoài ra, hệ thống Dịch vụ thuế điện tử bổ sung thêm một số dịch vụ điện tử mới cho người nộp thuế, bao gồm: Tra cứu nghĩa vụ thuế, hỏi đáp, tiếp nhận và trả kết quả đối với hồ sơ đăng ký thuế, đề nghị xác nhận số thuế đã nộp Ngân sách nhà nước, các tờ khai cá nhân... Đây cũng là tiền đề cho hệ thống thuế điện tử một cửa tập trung cung cấp toàn bộ các dịch vụ về giao dịch thuế điện tử cho doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước và tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian tới.
Đặc biệt để hiện thực hóa mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ngành thuế tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp” trên phạm vi cả nước nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các thông tin hỗ trợ thông qua các kênh hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp như lập các điểm hỗ trợ trực tiếp, bố trí số điện thoại, địa chỉ email hỗ trợ.
Đồng thời, tiến hành kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như: các đại lý thuế, tổ chức T-VAN, doanh nghiệp cung cấp phần mềm kế toán, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thư số... để có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong năm đầu mới thành lập. Ngành thuế cũng đã xây dựng và duy trì thường xuyên chức năng tra cứu thông tin NNT 24/24 trên trang website Tổng cục Thuế;
Nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế trong thực hiện chính sách pháp luật đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ cao của người dân và doanh nghiệp. Kết quả đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp do VCCI thực hiện năm 2019 là 78%, tăng 3% so với năm 2016. Chỉ số liên quan đến thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh (DB2020) của Ngân hàng Thế giới cũng được ghi nhận tăng tăng 22 bậc.
Bà Lê Thị Chinh, Phó Vụ trưởng, Phó ban Cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới, ngành thuế đặt mục tiêu trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nước đứng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực.
Để thực hiện được mục tiêu này, Chiến lược cải cách giai đoạn 2021-2030 sẽ được xây dựng dựa trên một số định hướng lớn đó là: hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách về thuế đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, công bằng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhằm bao quát các nguồn thu mới phát sinh từ nền kinh tế số, phù hợp với yêu cầu chính phủ điện tử, đảm bảo cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế nội địa và thuế quốc tế.
Công tác đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và kế toán thuế được cải cách theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện. Cơ quan thuế giám sát, giải trình đầy đủ số thuế thu được và các khoản hoàn thuế hợp lệ được thanh toán kịp thời, đảm bảo sự toàn vẹn các khoản thu thuế của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá các dòng tài chính xuyên biên giới. Ngành thuế cũng sẽ phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý có tính liên kết, tự động hóa cao, gắn với cải cách TTHC và áp dụng thuế điện tử...
Theo bà Chinh, cùng với cải cách quản lý thuế, trong giai đoạn 2021-2030, ngành thuế sẽ xây dựng bộ máy cơ quan thuế có đủ nhiệm vụ và quyền hạn để thực thi pháp luật thuế theo mô hình hiện đại, hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn và thực hiện mô hình quản lý thuế kết hợp quản lý theo chức năng với theo đối tượng; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 90/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính và công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực.
Trong đó nêu rõ, cùng với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá, đổi mới cơ chế quản lý theo tinh thần hợp tác, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đã cắt giảm 2.189 đầu mối trung gian; hợp nhất 565 chi cục thuế để thành lập 269 chi cục thuế khu vực, đưa số Chi cục Thuế từ 711 xuống còn 415 Chi cục Thuế; số cán bộ thuế phục vụ gián tiếp giảm trên 850 người.
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; đồng thời nghiên cứu, rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.