22.600 tỷ đồng gia hạn thuế GTGT

Hằng Hà 11/03/2020 04:30

Tổng số tiền gia hạn dự kiến lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng với thời gian gia hạn nộp thuế trong vòng 5 tháng. Trong đó, gia hạn thuế GTGT nhiều nhất, với 22.600 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Dự thảo được lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ ban hành.

nhằm kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19

Gia hạn nộp thuế nhằm kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của dịch COVID -19.

Theo Bộ Tài chính, diễn biến dịch bệnh COVID -19 hiện nay hết sức phức tạp, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng gián tiếp đến toàn bộ nền kinh tế. Có rất nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh.

Để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 thì cần thiết phải có giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

Dự kiến sẽ có 3 nhóm đối tượng gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Cụ thể:

Thứ nhất, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt, sản xuất trang phục, sản xuất giày dép, sản xuất sản phẩm từ cao su, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống).

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tục gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế do ảnh hưởng COVID -19

    Thủ tục gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế do ảnh hưởng COVID -19

    16:55, 10/03/2020

  • [COVID-19] Ngành thuế đề xuất giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp

    [COVID-19] Ngành thuế đề xuất giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp

    05:15, 10/03/2020

  • Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn do ảnh hưởng COVID-19 khoảng 30.000 tỷ đồng

    Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn do ảnh hưởng COVID-19 khoảng 30.000 tỷ đồng

    17:21, 06/03/2020

  • Đề nghị miễn, giảm thuế phí tham quan du lịch Sa Pa

    Đề nghị miễn, giảm thuế phí tham quan du lịch Sa Pa

    02:13, 03/03/2020

  • COVID-19 khiến ngân sách thất thu 150 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu mỗi ngày

    COVID-19 khiến ngân sách thất thu 150 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu mỗi ngày

    02:00, 03/03/2020

  • [SARS-CoV-2] Nên miễn giảm thuế cho doanh nghiệp

    [SARS-CoV-2] Nên miễn giảm thuế cho doanh nghiệp

    00:00, 28/02/2020

Thứ hai, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế: vận tải đường sắt, vận tải đường bộ, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Thứ ba, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Trong đó, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 của các doanh nghiệp, tổ chức đang thực hiện kê khai thuế GTGT phải nộp theo tháng.

Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của quý I và quý II/2020 của các doanh nghiệp, tổ chức đang thực hiện kê khai thuế GTGT phải nộp theo quý. Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số thuế GTGT phải nộp và hồ sơ khai bổ sung gửi đến cơ quan thuế trước thời hạn nộp thuế được gia hạn, thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020. Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 4 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020. Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 5 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020. Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 6 năm 2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020. Thời hạn nộp thuế GTGT quý I/2020 chậm nhất là ngày 30/9/2020. Thời hạn nộp thuế GTGT quý II/2020 chậm nhất là ngày 30/12/2020.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu NSNN của các tháng đó giảm khoảng 22.600 tỷ đồng. Trong đó, số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế: 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỷ đồng.

Riêng đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này trước ngày 15/12/2020. Trên cơ sở số thuế phát sinh phải nộp năm 2019 của nhóm được gia hạn này là khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đối với tiền thuê đất, theo quy định hiện nay, thời hạn nộp tiền thuê đất hàng năm là 2 kỳ (kỳ 1, doanh nghiệp phải thực hiện nộp trước ngày 31/5; kỳ 2, doanh nghiệp phải nộp trước ngày 31/10 hàng năm). Để thống nhất thời gian gia hạn về thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất 5 tháng kể từ ngày phải nộp tiền thuê đất của kỳ 1.

Cụ thể: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thuộc các ngành kinh tế thuộc diện gia hạn nộp thuế. Theo Bộ Tài chính, dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do các trường hợp được gia hạn thuế và tiền thuê đất đều thực hiện nộp NSNN vào thời điểm tháng 10 và tháng 12/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
22.600 tỷ đồng gia hạn thuế GTGT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO