Nguy cơ thả lỏng thị trường bán lẻ đã hiện hữu
Đó là quan điểm của LS. Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM khi trao đổi với DĐDN xung quanh vấn đề cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay.
Theo LS. Phạm Ngọc Hưng, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn đang là một thị trường đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Và sự cạnh tranh trên thị trường hiện nay cũng đang nghiêng về phía các nhà đầu tư nước ngoài.
Chúng ta đã bỏ qua lợi thế thương mại của WTO
- Việc Auchan vừa rút lui khỏi thị trường Việt Nam cũng như vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt như Vinmart+ liệu có phải là tín hiệu để chúng ta hy vọng vào việc thay đổi cục diện của doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ, thưa ông?
Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Trong khi đó, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Sài Gòn Co.op, Vingroup… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Có một điều mà chúng ta cần phải biết, đó là khi Việt Nam gia nhập WTO, có một nguyên tắc dành riêng cho thị trường bán lẻ được gọi là nguyên tắc INZ (lợi thế thương mại của Việt Nam). Theo nguyên tắc này, các nhà bán lẻ khi vào Việt Nam chỉ được phép mở một điểm bán lẻ tại một địa phương, nếu muốn mở điểm thứ hai thì phải xin phép địa phương đó. Căn cứ vào các yếu tố lợi và hại mà các địa phương có cho phép họ mở điểm bán lẻ thứ hai hay không.
Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở hệ thống bán lẻ, với một điều kiện là các doanh nghiệp này phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ đưa sản phẩm của họ vào hệ thống và làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Quy định như vậy với mục đích nhằm hạn chế các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài vào mở các điểm bán lẻ để tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống bán lẻ của mình. Đây có thể coi là một cái nhìn rất xa, rất thấu của các nhà đàm phán của chúng ta khi đàm phán gia nhập WTO. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng như các địa phương đã thả lỏng vấn đề này, họ xin bao nhiêu cũng cho.
- Ở chiều ngược lại, các Hiệp định FTAs cũng mở cửa thị trường bán lẻ Việt, thưa ông?
Đến thời điểm hiện nay có trên 50% các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam chỉ có một số ít như Co.op Mart, SatraMart, Happro và gần đây là VinMart và Điện Máy Xanh. Tuy nhiên, cả về quy mô lẫn công nghệ thì các doanh nghiệp của Việt Nam thua xa các nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
[CUỘC CHIẾN THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ]: Doanh nghiệp sản xuất... rủi may nhờ phân phối?
16:57, 03/07/2019
Phát triển thị trường bán lẻ trực tuyến trong bối cảnh mới
07:45, 29/05/2019
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Thị trường bán lẻ không “ngon ăn”
11:15, 24/03/2019
Thị trường bán lẻ hiện đại: Doanh nghiệp Việt chiếm thế thượng phong
15:53, 04/03/2019
Mặt khác, khi các nước ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, theo lộ trình thuế suất sẽ bằng 0, nắm bắt lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam và tham gia vào thị trường bán lẻ. Khi chúng ta có Hiệp định Thương mại với Asean thì ngay lập tức các nhà đầu tư Thái Lan đã nhắm vào thị trường này, họ mua lại Big C, MegaMart và mở ra hàng loạt các điểm bán lẻ khác.
Tương tự với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vậy, một loạt các đại siêu thị lớn cũng như các cửa hàng tiện ích có mặt trên hầu hết các thành phố lớn của chúng ta. Và điều đương nhiên là họ sẽ ưu tiên bán hàng của họ ở trong những hệ thống này, họ sẽ ưu tiên những vị trí đẹp, những vị trí đắc địa nhất để trưng bày các sản phẩm của họ. Tôi cho rằng, ai nắm được hệ thống phân phối thì người đó sẽ chi phối được thị trường sản xuất, vì nếu sản xuất ra hàng hóa mà không tiêu thụ được, không có hệ thống phân phối thì sớm muộn gì anh cũng sẽ chết.
Cần chính sách ưu đãi doanh nghiệp bán lẻ nội
- Vậy theo ông chúng ta cần làm gì để các doanh nghiệp bán lẻ nội đủ sức cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài?
Theo tôi, Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Công thương cần phải có những chính sách ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ.
Vissan là một trong số ít những doanh nghiệp Việt cố gắng để tự xây dựng hệ thống bán lẻ riêng của mình với hơn 150 cửa hàng phân phối sản phẩm trên cả nước. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng kinh doanh hiệu quả và có lãi.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp mở các hệ thống bán lẻ, với một điều kiện là các doanh nghiệp này phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ đưa sản phẩm của họ vào hệ thống phân phối và làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đây cũng là việc mở một con đường đi cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ.
Một vấn đề nữa mà chúng ta cũng phải quan tâm là hiện nay chúng ta đã có Luật cạnh tranh. Trong Luật cạnh tranh nghiêm cấm các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Qua sự việc của Big C, cần thiết phải đặt ra câu hỏi: Liệu đã có sự thỏa thuận nào giữa các siêu thị với các doanh nghiệp của nước họ để nhằm hạn chế sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt hay không? Và nếu có thì cơ quan nào và ai là người yêu cầu họ phải giải trình?
- Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất đang cần một hệ thống phân phối nội địa, họ phải làm gì để tự tìm lối thoát cho mình?
Để tự tìm lối thoát cho mình, theo tôi, ngoài các kênh phân phối hiện đại ra, các doanh cần phải quan tâm đầu tư và mở rộng mạng lưới phân phối online, đây là một kênh phân phối đang rất có hiệu quả.
Hiện nay, hệ thống bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 25% của thị trường, 75% còn lại là thuộc về các cửa hàng bán lẻ nhỏ và ở các chợ truyền thống. Tuy nhiên, xét về độ tiện lợi thì các kênh phân phối hiện đại như vẫn mang lại sự tiện lợi nhất cả cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
- Xin cảm ơn ông!