Chiến lược “tay ngang” của VTP

Hà Phương 14/07/2019 16:30

Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) mới đây đã chính thức “lấn sân” sang 2 lĩnh vực mới là ứng dụng gọi xe MyGo và thương mại điện tử (TMĐT) Voso.vn.

Mặc dù 2 lĩnh vực nói trên được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng VTP sẽ phải đối mặt khá nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trong lĩnh vực gọi xe, như Grab, Go-Viet, Be,… hay TMĐT, như Lazada, Tiki, Sendo, Adayroi…

p/Số điểm giao dịch của VTP

Số điểm giao dịch của VTP

“Đốt tiền” cho Vỏ Sò

Ngành TMĐT Việt Nam vẫn còn rất non trẻ nên các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều cho quảng cáo, hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực… nhằm định vị tên tuổi của mình trên thị trường. Hiện nay trên cả nước có 3 ông lớn TMĐT vẫn báo lỗ đều đặn hàng năm. Tổng giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015-2018 là 9.400 tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia VNDIRECT, một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần TMĐT từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam. Đây sẽ là một trong những thách thức lớn với VTP khi bước chân vào thị trường này.

Có thể bạn quan tâm

  • VTP: Phong độ hay đẳng cấp?

    VTP: Phong độ hay đẳng cấp?

    11:45, 30/11/2018

  • Được - mất với Mygo và Vỏ sò

    Được - mất với Mygo và Vỏ sò

    11:06, 03/07/2019

  • Bộ Giao thông Vận tải

    Bộ Giao thông Vận tải "yêu cầu" MyGo tuân thủ đúng quy định

    22:16, 01/07/2019

  • MyGo đấu với Grab, Go-Viet

    MyGo đấu với Grab, Go-Viet

    11:38, 20/06/2019

  • Lợi thế của

    Lợi thế của "tân binh" Vỏ sò trên chiến trường thương mại điện tử?

    01:49, 19/06/2019

Trên thực tế, VTP có lợi thế cạnh tranh từ mạng lưới chuyển phát nhanh toàn quốc đã được đầu tư rất lớn về công nghệ lẫn hệ thống logistics. Đặc biệt, VTP cũng có thế mạnh trong việc tích hợp các dịch vụ khác trong hệ sinh thái Viettel. Theo đó, VTP có thể thu hút người bán mở gian hàng trên nền tảng Vỏ Sò với 60 triệu khách hàng sẵn có của Viettel. Thêm vào đó, VTP có thể tích hợp ứng dụng ví điện tử Viettel Pay của Viettel Telecom vào trong nền tảng Vỏ Sò, cho phép khách hàng có thêm lựa chọn thanh toán điện tử, thậm chí cung cấp khoản vay cho khách hàng.

Ưu thế của MyGo

Thị trường ứng dụng gọi xe ở Việt Nam phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2014-2018 với tốc độ tăng trưởng kép ấn tượng 36%. Giá trị thị trường này ước tính đạt 500 triệu USD vào năm 2018 (chỉ tính vận chuyển hành khách và gọi đồ ăn) và ước tính sẽ đạt quy mô 2 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng kép trong giai đoạn 2018- 2025 là 22%.

Grab hiện nắm giữ khoảng 92% thị phần gọi xe công nghệ sau khi nhận sáp nhập Uber năm 2018. Dù vậy, việc Uber rời Việt Nam mở ra cơ hội cho những startup khác tham gia vào thị trường, như Go-Viet, Be…
Đến nay, những doanh nghiệp này tuyên bố sẽ cung cấp nhiều dịch vụ tài chính online. Thậm chí, Grab tuyên bố tham vọng lấn sân sang lĩnh vực chuyển phát nhanh truyền thống khi mới đây đã đầu tư vào một doanh nghiệp startup đang hoạt động ở Việt Nam là NinjaVan, đồng nghĩa với việc sẽ cạnh tranh trực tiếp với VTP.
Trước mắt, My Go tập trung vào mảng gọi xe hai bánh, mà chưa khai thác mảng gọi xe ô tô. Do đó, My Go có thể sẽ chưa phải là mối đe dọa với Grab, Be… trong tương lai gần. Nhưng có một phân khúc đặc biệt, mà các đối thủ của MyGo chưa thể vươn tới, đó là tập trung khai thác khoảng trống trong chuỗi vận chuyển giao nhận và nhu cầu gọi xe ở những thành phố nhỏ nhờ mạng lưới hoạt động rộng lớn của VTP. Trong thời gian trước mắt, các đối thủ của MyGo chưa thể cung ứng được dịch vụ này do thiếu sự tin tưởng của khách hàng, cũng như bất đồng giữa các chủ cửa hàng và lái xe.

475,29
tỷ đồng là kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2019 của VTP, tăng 35,78% so với lợi nhuận trước thuế năm 2018.

Những thách thức ở phía trước

Báo cáo quý 1/2019 cho thấy, doanh thu thuần của VTP đạt gần 1.340 tỷ đồng, tăng 53%, và lợi nhuận sau thuế đạt 76,8 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương EPS đạt 1.673 đồng/cp. Theo đó, kết thúc quý 1/2019, VTP đã hoàn thành được 20% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Được biết năm 2019, VTP đặt kế hoạch tổng doanh thu bán hàng 6.723 tỷ đồng, tăng 36,58% và lợi nhuận trước thuế đạt 475,29 tỷ đồng, tăng 35,78% so với năm 2018. Tổng tài sản của VTP dự kiến tăng 34,25% lên 3.804,9 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Cổ phiếu VTP chính thức giao dịch trên UPCoM từ ngày 23/11/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 68.000 đồng/cp. Cho đến thời điểm này, giá cổ phiếu VTP đã gần gấp 2 lần giá chào sàn, ở mức 137.000 đồng/cp.

Có thể nói, với việc vận hành MyGo và Vỏ Sò, VTP đã chuyển mình từ một doanh nghiệp chuyển phát truyền thống thành một doanh nghiệp vận tải hiện đại, với mảnh ghép mới là những lĩnh vực công nghệ nền tảng. Sự dịch chuyển này cũng chính là tham vọng của VTP muốn mức định giá cao hơn của thị trường giành cho cổ phiếu VTP vì mức định giá của startup công nghệ luôn cao hơn so với các doanh nghiệp chuyển phát truyền thống.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển MyGo và Vỏ Sò đòi hỏi VTP đầu tư ban đầu rất lớn, có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VTP trong tương lai gần.

Áp lực cạnh tranh khốc liệt

Thị trường TMĐT được dự báo tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn 2018- 2025, với tốc độ tăng trưởng kép 27% nhờ sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh cùng với thế hệ người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ hơn. Thế hệ Millennials (thế hệ Y) sẽ là động lực thúc đẩy cho sự phát triển nhanh chóng của TMĐT ở Việt Nam với thói quen dành thời gian mua sắm trực tuyến hơn là đến các cửa hàng vật lý. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy các dịch vụ hậu cần, như kho bãi, xử lý đơn hàng, vận chuyển…

Trong khi đó, thị trường chuyển phát nhanh sẽ chứng kiến sự biến mất của các doanh nghiệp nhỏ vì sự thôn tính của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp đã được đầu tư và mở rộng quy mô với tiềm lực tài chính tốt, như DHL, Ninjavan, J&T… Các doanh nghiệp TMĐT nước ngoài như Amazon, Alibaba, JD.com triển khai kinh doanh tại Việt Nam sẽ kéo theo các doanh nghiệp chuyển phát nhanh vào thị trường. Điều này tạo lên sự cạnh tranh “nảy lửa” trong lĩnh vực này.

Sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực TMĐT và chuyển phát nhanh sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận ngành giảm so với những năm trước. Đặc biệt, khách hàng cũng khắt khe hơn, đặt ra nhiều yêu cầu hơn, đặc biệt về giá và trải nghiệm dịch vụ trong việc lựa chọn hàng hóa trên sàn TMĐT, cũng như dịch vụ chuyển phát.

Hà Phương