Sự cố nước nhiễm dầu thải "cuốn trôi" hơn 127 tỷ đồng vốn hóa Nước sạch Sông Đà
Sau bê bối nước nhiễm dầu thải, mã chứng khoán VCW của Viwasupco lao dốc mạnh trong ngày giao dịch 16/10 khiến giá trị vốn hóa bị thổi bay hơn 127 tỷ đồng.
Cổ phiếu VCW của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Nước sạch Sông Đà - Viwasupco) khép lại ngày giao dịch 16/10 đứng mức 33.000 đồng, giảm 4,9%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 1.700 đồng. Với 75 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Nước sạch Sông Đà bị cuốn trôi 127,5 tỷ đồng.
Trong 12 ngày giao dịch của tháng 10, với diễn biến không mấy lạc quan của thị trường cộng luồng thông tin tiêu cực liên quan đến sự cố nước nhiễm dầu, cổ phiếu VCW đã mất 5,7%, tương ứng mất 2.000 mỗi cổ phiếu.
Mã VCW dù có giá khá cao song đang gặp vấn đề thanh khoản, nhiều phiên liên tiếp không có giao dịch. Trong 7 ngày gần đây, khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày của cổ phiếu Viwasupco chỉ khoảng 940 đơn vị. Con số này giảm còn 482 đơn vị nếu tính trong 30 ngày gần nhất.
Với nhu cầu dùng nước liên tục tăng, đi cùng với quá trình đô thị hóa và quy mô dân số mở rộng, chỉ sau 6 năm, doanh thu của công ty này tăng 65% với lợi nhuận gấp gần 4 lần. Năm 2018, doanh thu cấp nước của Nước sạch Sông Đà đạt 469 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm trước, với biên lợi nhuận gộp từ hoạt động cấp nước hơn 57%. Lợi nhuận trước thuế duy trì đà tăng gấp 2 doanh thu và đạt hơn 230 tỷ đồng.
Với tổng tài sản hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 1.000 tỷ đồng, cổ phiếu Nước sạch Sông Đà thuộc nhóm tăng trưởng đầu thị trường chứng khoán.
Có thể bạn quan tâm
Bất an với nguồn nước sạch, dân Hà Nội đổ xô mua nước đóng chai
00:15, 17/10/2019
Ai là "ông chủ" của Nước sạch Sông Đà?
15:47, 16/10/2019
Khu vực nào của Hà Nội đang chịu ảnh hưởng trực tiếp khi nước sạch sông Đà nhiễm dầu?
11:16, 16/10/2019
Viwasupco thiếu trách nhiệm: "Trăm dâu đổ đầu dân"
19:34, 15/10/2019
Tổng Công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 60% cổ phần của Nước sạch Sông Đà cổ phiếu giảm 1,8%. Cổ đông lớn thứ 2 là CTCP Cơ Điện Lạnh (chiếm 35,95%) cổ phiếu giảm gần 2%.
Đáng nói, dù dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình nhưng Viwasupco vẫn là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm…
Theo báo cáo thường niên, năm 2018, trung bình mỗi ngày đêm, Viwasupco cung cấp gần 250.000 m3 nước cho thị trường. Tổng quy mô cung cấp nước cả năm đạt hơn 91 triệu m3, tương đương 101% kế hoạch.
Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao vụ việc nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Viwasupco cung cấp có mùi khét, nhờn nhớt.
Đại diện công ty sau đó đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguồn nước sạch sông Đà cung cấp cho khu vực phía Tây TP Hà Nội bị nhiễm dầu. Hiện công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện các biện pháp xử lý, làm sạch nguồn nước đồng thời có những biện pháp tạm thời nhằm duy trì cung cấp nước sạch của người dân.
Đây không phải là lần đầu Viwasupco vướng phải những “lùm xùm” gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn Hà Nội.
Trước đó, từ năm 2012 – 2016, Viwasupco cũng “vật vã” khi đường ống dẫn nước sông Đà vỡ 21 lần, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố. Sự việc này gây nhức nhối trong dư luận trong suốt thời gian dài và khiến ban lãnh đạo của công ty bị truy tố.