Suất đầu tư sân bay Long Thành tương đương thế giới, ACV nói gì?
Lãnh đạo ACV khẳng định suất đầu tư sân bay Long Thành tương đương sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) và Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Quy mô Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm 4 đường cất hạ cánh (tức 2 cặp đường cất hạ cánh), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hoá/năm. Chủ trương này đã được Quốc hội thông qua và là cơ sở để Chính phủ triển khai nghiên cứu và thực hiện.
Tuy nhiên, thảo luận tại Nghị trường Quốc hội mới đây về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành giai đoạn 1 Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) trong phiên thảo luận đã dẫn số liệu tổng mức đầu tư 2 sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh – Trung Quốc) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Cụ thể theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, so sánh tổng mức đầu tư 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng - Bắc Kinh, diện tích 4.700 hecta tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỷ. Sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD, so với Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa và vốn đầu tư là 16 tỷ USD.
Đồng quan điểm, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng suất đầu tư tại sân bay Long Thành đang rất cao. Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) có tổng đầu tư 5 tỷ USD vào năm 2006 cho 100 triệu hành khách/năm (bình quân là 50 triệu USD cho 1 triệu hành khách). Sân bay Sydney ở Australia có công suất 82 triệu hành khách được đầu tư là 3,8 tỷ USD cho 10 năm tới.
“Đây là con số chúng ta cần tham khảo. Nếu như tình hình gần đây giá cả có thể tăng lên nhưng nhất thiết phải bảo đảm hiệu quả. Do đó phải nghiên cứu lấy ý kiến các chuyên gia”, ông nói.
Trả lời trên VNExpress về việc tổng vốn đầu tư sân bay Long Thành chênh lệch so với các sân bay cùng quy mô trên thế giới, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành) cho biết, cảng hàng không là một công trình phức hợp, nên mục tiêu, quy mô, thời điểm đầu tư, công nghệ, chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia là khác nhau, nên tổng mức đầu tư sẽ khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tư 16 tỷ USD cho sân bay Long Thành: “Chênh lệch” lớn, có cần phải xem xét lại?
00:27, 15/11/2019
Triển khai dự án sân bay Long Thành: Vừa mừng vừa lo!
12:03, 12/11/2019
Dự án sân bay Long Thành: Khả năng huy động hàng tỷ USD thế nào?
10:46, 12/11/2019
Đại biểu đoàn Đồng Nai nói gì về việc chậm tiến độ dự án sân bay Long Thành?
10:24, 12/11/2019
Dự án sân bay Long Thành: Đại biểu lo không kịp tiến độ
09:05, 12/11/2019
Tuy nhiên, theo ông Bình, suất đầu tư sân bay Long Thành khoảng 16 tỷ USD là tương đương với sân bay Đại Hưng (Trung Quốc). Sân bay này đã khai thác từ tháng 9/2019 với công suất 72 triệu hành khách một năm, có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD, tức khoảng 16 tỷ USD cho 100 triệu hành khách.
Tương tự, sân bay New Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đã hoạt động, có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho công suất 90 triệu hành khách một năm, tức khoảng 14,9 tỷ USD cho công suất 100 triệu hành khách.
Cụ thể hơn, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đang được Chính phủ trình Quốc hội gồm một nhà ga hành khách, một đường cất hạ cánh công suất 25 triệu hành khách với tổng vốn đầu tư 4,779 tỷ USD.
Suất đầu tư này là tương đương các cảng hàng không lớn trên thế giới, như sân bay Frankfurt (Đức) giai đoạn 3 (khởi công tháng 4/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD cho công suất 21 triệu hành khách, tức khoảng 5,3 tỷ USD cho 25 triệu hành khách; sân bay Incheon (Hàn Quốc) giai đoạn 3 khai thác từ tháng 1/2018, có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách một năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD cho 25 triệu hành khách.
Phó tổng giám đốc ACV giải thích thêm, tổng mức đầu tư sân bay Long Thành được tính toán chi tiết dựa trên bản vẽ thiết kế cơ sở, đơn giá vật tư tại địa phương, báo giá của các nhà cung cấp, suất đầu tư của các công trình có tính chất tương tự.
Giai đoạn 2 và 3 chưa được triển khai nên phải tính bao gồm khối lượng dự phòng và trượt giá sau nhiều năm nữa là 4,779 tỷ USD.
Trao đổi trên Báo Giao thông, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho rằng, nếu quy đổi với công suất hành khách 100 triệu thì tổng mức đầu tư sẽ là 13,33 tỷ USD. Nếu tính thêm trượt giá (tỷ lệ trượt giá 2%/năm theo nghiên cứu của IMF áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1) chi phí đầu tư sân bay Istanbul tại thời điểm năm 2019 là 14,93 tỷ USD.
Đáng nói hơn, số liệu về trượt giá thu thập từ nguồn IMF, tỷ lệ trượt giá trung bình của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2013-2018 là 9,48%/năm, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trượt giá 2% được dùng trong các tính toán nêu trên.
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 được thiết kế với quy mô bao gồm 1 nhà ga hành khách, 1 đường cất hạ cánh và các hạng mục công trình phụ trợ đáp ứng công suất thiết kế phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá với các giải pháp xây dựng và công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới đang được áp dụng tại Changi T4, Incheon T2, New Istanbul, Charles de Gaulle; đảm bảo khả năng mở rộng, nâng cấp và kết nối đồng bộ với giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Với mục tiêu đầu tư như vậy, tổng mức đầu tư được tính toán chi tiết dựa trên bản vẽ thiết kế cơ sở, đơn giá vật tư tại địa phương, báo giá của các nhà cung cấp, suất đầu tư của các công trình có tính chất tương tự, đã bao gồm dự phòng khối lượng và dự phòng trượt giá...theo quy định của pháp luật Việt Nam về lập tổng mức đầu tư là 4,779 tỷ USD.