Vinalines sẽ được đầu tư bao nhiêu trong năm 2020?
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN giới hạn số vốn đầu tư của Công ty mẹ - Vinalines không quá 390 tỷ đồng trong năm 2020.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban quản lý vốn) vừa ký Quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư của Công ty mẹ - Tổng công ty tối đa không quá 390 tỷ đồng. Mức giới hạn này được nhích lên so với năm 2019 (245 tỷ đồng). Mục tiêu doanh thu là 1.555 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế là 51 tỷ đồng.
Tại Quyết định này, Ủy ban quản lý vốn cũng đề nghị Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải VN tiếp tục triển khai các thủ tục cần thiết để hoàn tất việc chuyển DN thành công ty cổ phần. Hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản lý DN dưới mô hình công ty cổ phần hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.
“Công ty mẹ - Tổng công ty cũng phải cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư để tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trong đó ưu tiên các dự án phát triển hệ thống cảng biển tại khu vực Lạch Huyện (Hải Phòng), Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cái Mép - Thị Vải; nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics/ICD tạo vai trò kết nối và khép kín chuỗi dịch vụ; liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, từng bước cung ứng cho khách hành các giải pháp dịch vụ trọn gói, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty và vốn đầu tư của Tổng công ty tại các DN khác”, Ủy ban Quản lý vốn yêu cầu.
Đại diện Vinalines cho rằng hạn mức 390 tỉ đồng là số tiền đầu tư nhỏ như khoản đầu tư tăng vốn của Tổng công ty tại các đơn vị thành viên, sửa chữa văn phòng, nâng cấp trang thiết bị, hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm công nghệ thông tin... trong khi đó, kế hoạch vốn đầu tư hợp nhất của Vinalines rất lớn.
Nửa đầu năm 2019, Vinalines đã tiếp quản trở lại cảng Quy Nhơn với hơn 30,3 triệu cổ phần (tương ứng 75,01% vốn điều lệ) từ Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành với tổng trị giá 404 tỉ đồng. Đây cũng là mức giá Vinalines chuyển nhượng cảng Quy Nhơn cho Hợp Thành cách đây 5 năm vào giai đoạn 2013-2015.
Có thể bạn quan tâm
Cảng Quy Nhơn kinh doanh ra sao sau nửa năm về tay Vinalines?
16:20, 17/02/2020
Vinalines tiếp tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp thành viên
11:47, 15/11/2019
Vinalines với gánh nặng nợ “thật - ảo” cảng Vân Phong
21:35, 02/09/2019
Vì sao Vinalines mang nợ "đầm đìa"?
04:35, 11/08/2019
Vinalines nợ đầm đìa
01:35, 11/08/2019
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Vinalines ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết là 30,5 tỉ đồng. Trong khi đó, các khoản chi phí khác (chủ yếu là chi phí thanh lý tài sản cố định) của Vinalines tăng đột biến từ mức 61 tỉ đồng lên 456 tỉ đồng và khoản lợi nhuận khác cũng âm 379 tỉ đồng.
Theo đó, trong nửa năm 2019, tổng công ty vẫn lỗ hơn 423 tỉ đồng, tăng hơn 316 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ lũy kế của Vinalines tính đến thời điểm ngày 30.6 vừa qua tăng lên hơn 3.600 tỉ đồng.
Vinalines cho biết nguyên nhân lỗ trong 6 tháng đầu năm là do khoản mục chi phí khác chênh lệch tăng do thực hiện việc thanh lý tài sản (bán tàu) và tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.
Mặc dù tái cơ cấu mạnh mẽ, song Vinalines hiện vẫn đang có 20 công ty con và 27 công ty liên doanh, liên kết. Tính đến cuối quý 2/2019, Vinalines ghi nhận 2.056 tỉ đồng và vật phẩm tương đương tiền, Công ty còn đầu tư nắm giữ ngắn hạn 3.450 tỉ đồng. Ngược lại, tổng dư nợ vay ghi nhận lên đến 8.101 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng (ngắn và dài hạn) hơn 5.361 tỉ đồng.
Tính tại ngày 30.6.2019, Vinalines đang có khoản nợ 17.292 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 10.033 tỉ đồng và nợ dài hạn là 7.259 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 8.748 tỉ đồng, tương đương chỉ bằng nửa khoản nợ phải trả.