Vinalines với gánh nặng nợ “thật - ảo” cảng Vân Phong

Theo Báo đầu tư 02/09/2019 21:35

Gần 10 năm kể từ khi dừng triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Dự án cảng Vân Phong), Vinalines vẫn chưa dứt hẳn được gánh nặng tài chính từ công trình tai tiếng này.

Dự án ra đi

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 7408/VPCP - DMDD đề nghị các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; UBND tỉnh Khánh Hòa cho ý kiến về đề xuất mới đây của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc xử lý tồn tại liên quan đến Dự án cảng Vân Phong - giai đoạn khởi động, do Vinalines làm chủ đầu tư.

Trước đó, vào giữa tháng 8/2019, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinalines được loại trừ giá trị đầu tư Dự án cảng Vân Phong khỏi giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Vinalines tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần và chuyển giao cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để thực hiện thanh lý tài sản không cần dùng theo đúng chức năng nhiệm vụ của DATC.

Dự ánh cảng Vân Phong trơ đống cọc thép đóng dở.

Dự ánh cảng Vân Phong trơ đống cọc thép đóng dở.

“Chúng tôi khá bất ngờ đối với đề xuất này, vì Dự án cảng Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện từ năm 2012 và Vinalines cũng đã chuyển giao Dự án về Cục Hàng hải Việt Nam”, một chuyên viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết.

Dự án cảng Vân Phong được xây dựng tại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là công trình được kỳ vọng là cảng trung chuyển nước sâu có thứ hạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với diện tích 750 ha, gồm 37 bến, chiều dài toàn bến khoảng 12.564 m, công suất thiết kế khoảng 17,5 triệu TEU/năm, có tổng mức đầu tư 3,6 tỷ USD.

Trong giai đoạn khởi động, Dự án sẽ xây dựng 2 bến với tổng chiều dài mép bến là 690 m, quy mô sử dụng đất là 42 ha, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, công suất thiết kế là 710.000 TEU/năm, có thể tiếp nhận tàu container có sức chở lên đến 9.000 TEU, thời gian thực hiện trong 20 tháng.

Công trình này được Bộ GTVT phê duyệt năm 2007 và giao Vinalines làm chủ đầu tư nhằm tạo thế và lực cho ông lớn ngành hàng hải trong việc sớm định vị vị thế hàng đầu trong phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Sau khi hoàn tất các thủ tục, cân đối nguồn vốn tự có, Dự án đã được Vinalines triển khai thực hiện từ năm 2009.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Vinalines, quá trình triển khai Dự án do có những tác động từ cuộc khủng hoảng kép kinh tế thế giới giai đoạn 2008, làm ảnh hưởng đến mục tiêu ban đầu của Dự án, nên được sự đồng ý của Chính phủ, năm 2012, Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines dừng thực hiện Dự án và bàn giao sang Cục Hàng hải Việt Nam.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng công trình đường thủy (Vinawaco) - một trong 2 nhà thầu thi công chính tại cảng Vân Phong, không phải đợi đến năm 2012, khi Chính phủ cho phép dừng thi công, việc thi công trên hiện trường này chỉ sôi động trong năm 2009, sau đó bặt tiếng máy, trơ các cọc thép đóng dang dở từ đó đến nay.

“Nguyên nhân chính là Vinalines không thu xếp nổi vốn để triển khai công trình, cộng với tính khả thi rất thấp, nên việc dừng công trình là điều tất yếu”, ông Lưu Đình Tiến, nguyên Tổng giám đốc Vinawaco cho biết.

Để việc “đóng gói” chuyển giao thuận lợi, Bộ GTVT đã có nhiều công văn hướng dẫn Vinalines dừng thực hiện Dự án, triển khai các công tác nghiệm thu, thống kê khối lượng. Đến tháng 3/2014, Cục Hàng hải Việt Nam, Vinalines và các bên liên quan đã hoàn tất việc giao nhận mặt bằng và nguyên trạng tài sản tại hiện trường Dự án cảng Vân Phong.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines, tại thời điểm tháng 9/2018, Tổng công ty đã hoàn thành toàn bộ việc thanh toán, quyết toán hợp đồng với các nhà thầu của Dự án cảng Vân Phong và đã tiến hành kiểm toán giá trị đầu tư Dự án là 213 tỷ đồng.

Vào cuối tháng 10/2018, Vinalines và Cục Hàng hải Việt Nam đã ký Biên bản bàn giao dự án. Theo đó, Vinalines bàn giao toàn bộ khối lượng thi công và hồ sơ tài sản liên quan đến Dự án cảng Vân Phong sang Cục Hàng hải Việt Nam. Sau khi bàn giao, tài sản được hình thành của Dự án (bao gồm các cọc ống thép đã đóng và chưa đóng, cọc bê tông cốt thép, các công trình tạm phục vụ thi công…) đang được Cục Hàng hải Việt Nam trông giữ trên khu đất của Dự án trước đây.

Trên cơ sở này, vào tháng 3/2019, Hội đồng Thành viên Vinalines đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-HHVN về việc phê duyệt quyết toán vốn đầu tư Dự án cảng Vân Phong (giai đoạn khởi động) với giá trị quyết toán là 213 tỷ đồng, vốn đầu tư từ nguồn vốn tự có của Vinalines.

Điều đáng nói là, ngay từ năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hóa đã có Quyết định số 512/QĐ-UBND, thu hồi đất của Vinalines tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh từng được giao để phát triển Dự án. Như vậy, xét cả lý và tình, hiện Vinalines đã dứt hẳn trách nhiệm và nghĩa vụ tại Dự án cảng Vân Phong.

Nợ trăm tỷ đọng lại

Do Bộ GTVT chưa có quyết định chuyển chủ đầu tư chính thức sang Cục Hàng hải Việt Nam, nên trên sổ sách kế toán của Vinalines vẫn phải ghi nhận giá trị của Dự án với số tiền là 213 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư Dự án cảng Vân Phong chỉ được hạch toán giảm khi Vinalines bàn giao dự án/tài sản sang Cục Hàng hải Việt Nam với mốc tiến độ cần phải thực hiện là trước thời điểm Công ty mẹ - Vinalines chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Vinalines mang nợ

    Vì sao Vinalines mang nợ "đầm đìa"?

    04:35, 11/08/2019

  • Vinalines nợ đầm đìa

    Vinalines nợ đầm đìa

    01:35, 11/08/2019

  • Vinalines thanh lý tàu già để cắt lỗ

    Vinalines thanh lý tàu già để cắt lỗ

    00:00, 29/07/2019

  • Vinalines chính thức giành lại quyền kiểm soát cảng Quy Nhơn

    Vinalines chính thức giành lại quyền kiểm soát cảng Quy Nhơn

    23:24, 29/06/2019

Cần phải nói thêm rằng, thực hiện kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty mẹ - Vinalines đã xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tại thời điểm ngày 31/12/2016.

Theo hướng dẫn tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Vinalines đã thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản đang quản lý, sử dụng để báo cáo Bộ GTVT xem xét, phê duyệt những tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, chờ thanh lý chưa được xử lý. Đối với Dự án cảng Vân Phong được xác định là phải loại ra khỏi sổ sách trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Vinalines, thực chất, tại thời điểm ngày 31/12/2016, Dự án cảng Vân Phong là dự án dở dang, không thể tiếp tục đầu tư đưa vào sử dụng, nhưng do đang trong quá trình bàn giao sang Cục Hàng hải Việt Nam (đến 30/7/2014 đã bàn giao phần “khối lượng” bao gồm mặt bằng, nguyên trạng tài sản tại hiện trường, đang chờ quyết toán để bàn giao “giá trị” dự án) nên tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, theo quy định, toàn bộ giá trị đầu tư của Dự án cảng Vân Phong vẫn ghi nhận trên chi phí xây dựng cơ bản dở dang (số tiền tạm tính là 150,23 tỷ đồng) và được tính vào giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ - Vinalines theo Quyết định số 3402/QĐ-BGTVT ngày 8/12/2017 của Bộ GTVT.

Đặc biệt, tại Phương án cổ phần hóa của Vinalines được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018, trong danh mục các dự án tiếp tục/dự kiến đầu tư của “ông lớn” ngành hàng hải giai đoạn hậu cổ phần hóa cũng không bao gồm dự án này. Đồng thời, Bản công bố thông tin bán cổ phần lần đầu của Công ty mẹ - Vinalines gửi các nhà đầu tư, liên quan đến Dự án cảng Vân Phong, cũng đã công bố việc dừng triển khai thực hiện Dự án và đang thực hiện quyết toán, bàn giao Dự án cho Cục Hàng hải Việt Nam.

Lãnh đạo Vinalines cho biết, hiện Dự án cảng Vân Phong đã không còn nguyên trạng như trước khi Vinalines bàn giao sang Cục Hàng hải Việt Nam, đặc biệt là phần đất cấp thực hiện công trình đã bị thu hồi. Mặt khác, Dự án cảng Vân Phong là công trình dở dang, vật tư, vật liệu của Dự án chủ yếu là các cọc (một số đã đóng, một số còn lưu giữ trên bãi), các công trình tạm phục vụ thi công… chưa đủ điều kiện ghi nhận tài sản, Vinalines không thể tiếp tục đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng.

“Nếu việc bàn giao Dự án cảng Vân Phong bị tạm dừng hoặc chưa hoàn thành trước thời điểm Công ty mẹ - Vinalines chính thức chuyển sang công ty cổ phần (dự kiến từ tháng 9/2019), thì toàn bộ chi phí đã đầu tư trị giá 213 tỷ đồng, dù là “vốn ảo” sẽ vẫn được tính vào giá trị doanh nghiệp, khiến tình hình tài chính của Vinalines không lành mạnh”, ông Tĩnh nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT rằng, về bản chất, chi phí dở dang của Dự án cảng Vân Phong đã được quyết toán, bàn giao hiện nay có tính chất tương tự những tài sản không cần dùng, không có giá trị sử dụng, được phép loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines và thực hiện bàn giao sang DATC. Những tài sản nêu trên, DATC có chức năng tiếp nhận từ doanh nghiệp nhà nước để tiếp tục xử lý.

Theo một chuyên gia trong ngành, việc Vinalines phải tiếp tục giữ lại Dự án cảng Vân Phong sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của tất cả các cổ đông cũng như kết quả kinh doanh của Tổng công ty khi thực hiện thanh lý tài sản của Dự án.

“Đây sẽ là một gánh nặng tài chính lớn cho Vinalines trong bối cảnh đơn vị đang thực hiện tái cơ cấu tài chính và tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng vận tải biển kéo dài chưa tìm thấy lối thoát khả dĩ”, vị chuyên gia này cho biết.

Tại Công văn số 6881/VPCP-KTN ngày 4/9/2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc dừng thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - giai đoạn khởi động do Vinalines làm chủ đầu tư như đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn Vinalines thực hiện việc dừng Dự án theo quy định của pháp luật.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng phương án huy động các nguồn vốn đầu tư, chủ động kêu gọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng Dự án cảng Vân Phong dưới các hình thức hợp lý, theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, việc khởi động lại Dự án vẫn không thể thực hiện được do không còn tính khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vinalines với gánh nặng nợ “thật - ảo” cảng Vân Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO