Vinalines trước "sóng lớn" thoái vốn
Với việc đa số các doanh nghiệp thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu giao dịch với thanh khoản èo uột, khả năng thoái vốn thành công của Vinalines rất mịt mờ.
Theo kế hoạch được phê duyệt, trong năm 2020, Công ty mẹ - Tổng công ty sẽ tiến hành thoái vốn tại 13 doanh nghiệp thành viên trực thuộc. Trong đó, 10/13 doanh nghiệp mà Vinalines dự kiến thoái vốn trong năm 2020 đang được niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Sẽ thoái vốn 13 doanh nghiệp thành viên
Thông tin được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chia sẻ mới đây cho biết, các doanh nghiệp thành viên của Vinalines sẽ giảm tỷ lệ sở hữu, gồm Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco-VOS) giảm từ 51% xuống 49% (2,8 triệu cổ phần); Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship giảm từ 51% xuống 36% (3 triệu cổ phần); Công ty cổ phần Cảng Cái Lân giảm từ 56,58% xuống 51% (hơn 2 triệu cổ phần); Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao giảm từ 56% xuống 51%.
Cùng với đó, Vinalines cũng sẽ thoái vốn toàn bộ tại 7 doanh nghiệp, gồm Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (49%), Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (26,46%), Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài (24,9%), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại hàng hải (12,94%); Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô (48,97%), Công ty cổ phần Vận tải biển và thương mại Phương Đông (49%) và Công ty cổ phần Vinalines Nha Trang (98,34%).
Ngoài ra, Vinalines cũng dự kiến thoái 300.000 cổ phần tại Công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa và hơn 47.800 cổ phần tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec).
“Với kế hoạch thực hiện thoái vốn trên cộng với việc thanh lý tàu và ảnh hưởng giảm thị phần dịch vụ tạm nhập tái xuất của khách hàng nên năm 2020, dự kiến doanh thu hợp nhất của Tổng công ty khoảng 10.315 tỷ đồng, giảm 14,5% so với năm 2019,” đại diện Vinalines thông tin.
Theo Vinalines, tính từ năm 2013 (giai đoạn Vinalines bắt đầu tái cơ cấu), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thực hiện thoái vốn rất nhiều doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp của Vinalines giảm từ 73 doanh nghiệp xuống còn 35 doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, bao gồm cả Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn mới được Vinalines tiếp nhận lại từ tháng 6/2019.
Đặc biệt, vốn đầu tư tại các doanh nghiệp kinh doanh ngoài ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... cũng đã được Vinalines rút toàn bộ để tập trung trong 3 ngành nghề chính gồm cảng biển, vận tải biển và hoạt động dịch vụ hàng hải.
Việc thoái vốn tại doanh nghiệp thành viên kinh doanh kém hiệu quả đã góp phần đưa tổng số nợ phải trả của toàn Tổng công ty hàng hải Việt Nam giảm mạnh từ hơn 67.500 tỷ đồng (trước thời điểm tái cơ cấu) xuống còn hơn 17.000 tỷ đồng.
Thách thức kế hoạch thoái vốn
Trong số doanh nghiệp Vinalines dự kiến thoái vốn, có 10/13 doanh nghiệp đã niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán như VOS và TIP đang niêm yết trên HOSE; VNA, CPI, VST, SSG, ILC, DDM, NOS, PEG đang đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng có sóng thoái vốn, xuất phát từ thực tế hơn 3 năm qua, thoái vốn nhà nước luôn là thông tin hấp dẫn tạo sóng cho cổ phiếu và nhà đầu tư đã có khá nhiều “kinh nghiệm” tìm kiếm lợi nhuận nhờ ăn theo “hiệu ứng” thoái vốn tại VNM, SAB, BMP, VCG…
Đáng nói, nhiều doanh nghiệp trong danh sách dự kiến thoái vốn của Vinalines có vị thế đầu ngành vận tải biển, cùng tỷ lệ thoái vốn lớn, giúp nhà đầu tư quan tâm có thể tiến tới sở hữu chi phối.
Tuy nhiên, khả năng hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm nay cũng được đánh giá sẽ đối mặt không ít thách thức, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ăn theo cũng không dễ dàng khi đa số các doanh nghiệp trong nhóm này đều đang có hiệu quả kinh doanh yếu kém, cơ cấu tài chính mất cân đối nghiêm trọng, cổ phiếu trên thị trường giao dịch èo uột.
Đơn cử trường hợp của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS). Đây là doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển Việt Nam, không chỉ về bề dày kinh nghiệm hoạt động 50 năm mà còn bởi quy mô tài sản, nguồn vốn và năng lực vận tải với đội tàu 14 chiếc, bao gồm 10 tàu hàng khô và hàng rời chuyên dụng, 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container, chưa kể tàu thuê ngoài.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh chính của VOS những năm qua liên tục thua lỗ, lợi nhuận phụ thuộc vào thu nhập khác như thanh lý tàu, xóa, giảm lãi vay…
Báo cáo tài chính quý IV/2019, trong kỳ, Công ty đạt 194 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lũy kế cả năm đạt 51,4 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương năm 2018. Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận, đây rõ ràng là kết quả tích cực. Tuy nhiên, đi sâu vào bức tranh tài chính của VOS, có thể thấy tình hình kinh doanh của Công ty vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, đóng góp chủ yếu vào con số 194 tỷ đồng lợi nhuận trong quý vừa qua là khoản thu nhập khác lên đến 247,5 tỷ đồng (chi tiết chưa được thuyết minh).
Đối với hoạt động kinh doanh chính, doanh thu thuần quý IV/2019 giảm 18,4% so với cùng kỳ 2018, đạt 371 tỷ đồng, lợi nhuận gộp thu về vỏn vẹn 18,9 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính lên đến hơn 30,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng là 9,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp là 22,7 tỷ đồng.
Nếu không tính thu nhập khác, hoạt động kinh doanh của VOS sẽ lỗ hơn 44 tỷ đồng trong quý này. Tương tự là bức tranh kinh doanh cả năm lỗ khoảng 185 tỷ đồng, thay vì lãi như báo cáo. Đội tàu đã giảm đến 50% trong 3 năm qua. Tính đến cuối năm 2019, lỗ lũy kế của VOS vẫn còn 722,1 tỷ đồng, chiếm hơn 50% vốn điều lệ.
Tương tự tại NOS, riêng năm 2019 đã lỗ 273,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2019 lên tới 4.167 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty chỉ 300 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, lợi nhuận âm, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ cũng là tình hình ghi nhận tại VST và DDM khi lỗ lần lượt 272,4 tỷ đồng và 41,6 tỷ đồng trong năm 2019. Lỗ lũy kế đến cuối năm của hai công ty này lần lượt là 2.053 tỷ đồng và 877 tỷ đồng.
Đây cũng là tình trạng tại nhiều doanh nghiệp khác trong nhóm Vinalines đang dự kiến thoái vốn năm nay.
Khó khăn của ngành vận tải biển trong những năm qua là không thể phủ nhận trong xu hướng giá cước vận tải các cỡ tàu, các loại hàng hóa ở mức thấp so với giai đoạn đầu tư, khối lượng công việc không ổn định.
Tuy vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn có được lợi nhuận thì việc nhóm công ty thuộc Vinalines liên tục lỗ lớn nhiều năm không khỏi khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về năng lực hoạt động, điều hành tại các doanh nghiệp này.
Có thể bạn quan tâm
Cảng Quy Nhơn kinh doanh ra sao sau nửa năm về tay Vinalines?
16:20, 17/02/2020
Vinalines sẽ được đầu tư bao nhiêu trong năm 2020?
17:15, 05/02/2020
Vinalines tiếp tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp thành viên
11:47, 15/11/2019
Vinalines với gánh nặng nợ “thật - ảo” cảng Vân Phong
21:35, 02/09/2019
Bước sang năm 2020, triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này nhất là các công ty có tỷ lệ doanh thu cao từ vận tải biển vẫn chưa sáng hơn khi gặp khó về chi phí phát sinh cho nhiên liệu khi triển khai quy định mới của Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) yêu cầu các tàu phải sử dụng nhiên liệu hàng hải với hàm lượng lưu huỳnh tối đa 0,5% so với mức giới hạn 3,5% trước đây.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp vận tải biển chia sẻ, để tuân thủ theo quy định của IMO, doanh nghiệp đã chuyển đổi sử dụng nhiên liệu mới có giá cao hơn và thay thế phụ tùng, linh kiện máy móc phù hợp.
Dù đã phụ thu phí nhiên liệu nhưng mức phụ thu này chỉ là chia sẻ với hãng tàu, chứ chưa đủ bù đắp chi phí hoạt động tăng thêm.
Thêm vào đó, việc dịch bệnh Covid- 19 lan rộng trên toàn cầu trong những tháng đầu năm cũng dẫn đến lo ngại lượng hàng và giá cước giảm mạnh, ảnh hưởng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, cảng biển, dịch vụ hàng hải.
Với tình hình này, kịch bản thua lỗ tại các doanh nghiệp nói trên được dự báo có thể tiếp tục lặp lại. Khi triển vọng kinh doanh chưa được cải thiện, rõ ràng, sẽ rất khó để thuyết phục nhà đầu tư mua cổ phần thoái vốn.