Doanh nghiệp vận tải “bó phanh” vì COVID-19
Cũng như nhiều ngành nghề khác, các doanh nghiệp vận tải đang “ngấm đòn” bởi đại dịch COVID-19 gây ra.
Từ 6h ngày 13/3, UBND tỉnh Ninh Bình đã tạm dừng đón khách du lịch tham quan. Việc các điểm du lịch tạm ngừng đón khách đã gây ảnh hưởng đến ngành vận tải, nhiều doanh nghiệp đã giảm công suất từ 30-70%.
Ông Lê Xuân Lâm, Quản lý Bình Minh limousine cho biết, Công ty hiện có 11 đầu xe chạy tuyến cố định Ninh Bình - Hà Nội, bắt đầu mỗi ngày từ 5 giờ sáng cho đến 18 giờ tối, tần suất 1 tiếng/chuyến.
“Cùng kỳ năm trước, chúng tôi luôn trong tình trạng “cháy” xe vì không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Song từ sau tết Nguyên đán đến nay, lượng khách giảm đến 2/3, thậm chí có chuyến xe chỉ có 4 - 5 khách, dẫn tới doanh thu của hãng giảm đáng kể”.
“Đặc biệt là kể từ khi các điểm du lịch tạm ngừng đón khách (từ ngày 13/3), lượng khách lại càng sụt giảm thêm. Ước tính lượng khách đi xe của hãng giảm đến 80%, bởi vậy nên trong số 11 đầu xe hiện có thì chỉ có 2-3 đầu xe hoạt động”, ông Lâm than thở.
Bên cạnh đó, hãng cũng không thể đảm bảo tần suất 1 tiếng/chuyến được nữa, mà phải tiến hành gom khách vào cùng một chuyến. Ông Lâm cũng chia sẻ thêm, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong "cơn bão" do dịch bệnh Covid-19 gây ra khiến lượng khách du lịch giảm quá lớn, dẫn đến doanh thu của hãng sụt giảm.
Trong khi đó hãng xe còn phải đối với mặt nhiều khó khăn về tài chính. "Xe nằm bến, lái xe không có việc làm nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì trả lương cho nhân viên. Mặc dù không có khách, nhiều chuyến đi phải bù lỗ nhưng các xe vẫn phải duy trì hoạt động", ông Lâm cho biết.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nhà xe trên toàn quốc. Bà Đỗ Thị Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Du lịch Tân Phương, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) cho biết, gần 2 tháng nay, hơn 20 xe du lịch từ 16-47 chỗ của doanh nghiệp đều không có khách thuê. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đặt xe từ trong năm để đi vãn cảnh chùa song khi dịch COVID -19 bùng phát đều hủy. Mặc dù xe không chạy nhưng đơn vị vẫn trả lương cho lái xe theo hợp đồng đã ký nên gặp nhiều khó khăn. Mỗi tháng xe không hoạt động, doanh nghiệp thất thu hàng tỷ đồng”.
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hoàng Long, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hàng chục xe du lịch của doanh nghiệp đều “bó phanh” thất thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Được biết, trước thực trạng trên, để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, cá nhân, một số ngân hàng thương mại tại Bắc Giang đang rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của các đơn vị, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn để cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; miễn, giảm phí các giao dịch ngân hàng điện tử cho khách hàng.
Các hàng Taxi cũng thê thảm không kém, anh Trần Trọng lái xe Taxi tại Hạ Long, Quảng Ninh chia sẻ, kể từ khi tỉnh phát hiện có ca dương tính, rồi lệnh tạm đón khách tại một số điểm du lịch, cánh taxi chúng tôi gần như “án binh bất động” bởi không có một bóng khách du lịch. Khách địa phương cũng không có vì nhiều người e ngại đi taxi sợ dịch bệnh. “Nếu như doanh thu thời điểm sau Tết dương lịch có thể đạt 30 đến 40 triệu một xe thì năm nay gần như là “0 đồng” , anh Trọng buồn rầu nói.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp vận tải đường sắt “thấm đòn” vì COVID-19
02:39, 19/03/2020
[COVID-19] Hải Phòng lập danh sách hành khách trên từng chuyến vận tải
14:12, 16/03/2020
Bộ Giao thông Vận tải quyết định đặt thêm trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy
19:33, 25/02/2020
Doanh nghiệp vận tải bất bình với xe khách trá hình: Luẩn quẩn chuyện “cấm” hay “quản”
11:32, 10/10/2019
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng các doanh nghiệp vận tải tại Ninh Bình, Quảng Ninh cho rằng, việc tạm dừng mở cửa các điểm du lịch trên địa bàn là một quyết sách đúng đắn. "Xe "bó phanh" sửa lại sẽ lại bon bon thôi, chúng tôi sẽ đồng lòng, quyết tâm trụ vững trong thời điểm này. Hy vọng rằng, dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi", anh Trọng hi vọng.
Chính phủ và các Bộ ngành vẫn đang nỗ lực đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế và sức khỏe của người dân. Tinh thần trên cũng chính là điều mà Chính phủ mong muốn ở mỗi doanh nghiệp mỗi người dân trong cuộc chiến đầy cam go với đại dịch COVID-19.