Doanh nghiệp vận tải... thoát chết?
Nếu như trước đây mỗi lần giảm giá xăng, dầu, các doanh nghiệp vận tải đều khởi sắc trong kinh doanh, thì lần giảm giá này dù rất sâu vẫn chẳng cứu nổi phần lớn các doanh nghiệp vận tải.
Từ 15 giờ ngày 15/3, giá xăng dầu trong nước đồng loạt giảm từ trên 1,353 đến 2,315 nghìn đồng/lít. Đây được xem là mức giảm cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp vận tải, cho dù giá xăng dầu có giảm thế chứ giảm nữa, thậm chí nhà nước có cho không xăng dầu thì các doanh nghiệp vẫn... chết. Bởi, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30 – 35% chi phí vận tải. Giá xăng dầu giảm khoảng 10% như vậy, có nghĩa chỉ giảm được 3% chi phí.
COVID-19 chặn mọi ngả đường
Tuyến vận tải hành khách Hà Nội – Hải Phòng vốn được xem là “màu mỡ”. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện dịch cúm COVID-19 đến nay, doanh thu tuyến này cũng sụt giảm thê thảm. Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải – giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Vận tải Anh Huy – Đất Cảng, từ khi có bệnh nhân số 17, doanh số của tuyến Hà Nội – Hải Phòng của hãng này giảm đến 70%. “Trước đây, mỗi chuyến đều đặn có từ 30 – 40 khách, nhưng từ hôm Hà Nội có bệnh nhân cúm, lượng khách giam đi 2/3. Thậm chí, mấy hôm nay có chuyến chỉ 3 – 4 khách từ Hải Phòng đi Hà Nội” – một lái xe cho biết.
Ông Trần Quang Trường. – giám đốc công ty thương mại vận tải T.H (Hải Phòng) chuyên chạy hàng biên giới cho biết, thông thường mỗi tháng sau Tết chúng tôi chạy được 10 – 15 chuyến đi biên nhưng từ đầu năm 2020 đến nay hơn 30 xe phải nằm đắp chiếu. Hàng nội địa không có, và nếu có thì khách hàng cũng đã có những mối cố định từ trước. Nếu chỉ kéo dài thêm vài tháng nữa, hàng loạt doanh nghiệp vận tải sẽ phá sản.
Theo Phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hải Phòng, đến 31/12/2019, Hải Phòng có 270 xe sơ mi – romooc xin tạm dừng lưu hành (trả phù hiệu). Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp vận tải, đây chỉ là số rất ít trong tổng số hơn chục nghìn xe sơmi romooc trên địa bàn Hải Phòng đang nằm đắp chiếu. Thế nhưng, đắp chiếu vẫn chưa xong. Mỗi xe vẫn phải “ngốn” cả chục triệu đồng mỗi tháng các chi phí gửi xe, Phí bảo trì đường bộ, lãi suất ngân hàng, BHXH cho người lao động...
Vận tải hàng hóa “thở ôxy” nhưng vận tải hành khách cũng chẳng sáng sủa. Ông Hồ Xuân Mùi – giám đốc taxi Mai Linh (Hải Phòng) cho biết, doanh thu của đơn vị này đã giảm đến 60% trong tháng 3. Thậm chí, nhiều điểm đang phong tỏa dịch như Cát Bà, taxi Mai Linh gần như ngừng hoạt động.
Giảm chi phí tự cứu
Theo Hiệp hội vận tải hàng hàng hóa đường bộ Hải Phòng, để cứu các doanh nghiệp vận tải lúc này cần có chính sách thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ giảm Phí bảo trì đường bộ. “Có đến 90% các doanh nghiệp vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện. Để cứu doanh nghiệp vận tải, các ngân hàng nên có chính sách giảm lãi suất cho vay. Nếu chỉ giãn nợ thì không giải quyết được khó khăn cho chúng tôi lúc này” – một doanh nghiệp cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng dừng các tuyến vận tải hành khách từ vùng có dịch đi-đến thành phố
13:27, 28/03/2020
Quảng Ninh, Hải Dương tạm dừng vận tải khách đi Hà Nội và ngược lại
11:06, 28/03/2020
COVID-19: Doanh nghiệp vận tải ô tô kiến nghị giảm thuế có thời hạn
11:36, 26/03/2020
Thái Bình: Doanh nghiệp vận tải lao đao bởi xe khách trá hình
06:06, 26/03/2020
Tuy nhiên, những đòi hỏi trên có thể sẽ là thái quá. Bởi cả doanh nghiệp BOT và ngân hàng đều đang gồng mình trước dịch bệnh. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã phải tự cắt giảm các chi phí để tự cứu mình lúc này. Đại diện một đơn vị thuộc Công ty cổ phần conatiner Việt Nam cho biết, đơn vị đã phải cắt giảm chi phí khối văn phòng, chi phí vật tư, động viên CBCNV nghỉ phép luân phiên... để giảm bớt khó khăn.
“Giá xăng dầu giảm nhưng không có hàng chạy thì đồng nghĩa như không. Nếu doanh nghiệp nào có mối hàng nào chạy nội địa thì khách hàng lại đề nghị giảm giá cước theo hợp đồng. Như vậy chẳng phải “cấu đau hơn cào”?” – một doanh vận tải Hà An cho biết.n