[COVID-19] “Đi chợ hộ” bùng nổ
Slogan “đi chợ không sợ Cô – Vy” đang trở thành chiến lược mà một loạt doanh nghiệp theo đuổi hiện nay.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người dân và làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng Việt. Do đó, đi chợ online là giải pháp “cứu cánh” hữu hiệu nhất hiện nay.
Bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing Công ty Cổ Phần VinID cho biết, số lượng người mua sắm trực tuyến trên VinID trong mùa dịch đã tăng gấp ba lần so với bình thường. Có giai đoạn đỉnh nhất, tính năng Scan & Go (tính năng quét mã mua hàng tại các siêu thị VinMart, VinMart+) còn tăng gấp 15 lần.
“Cứu cánh” thoát dịch
Mới đây ứng dụng gọi Be đã ra mắt dịch vụ “be Đi chợ”, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian di chuyển và mua sắm, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện tại. Phía Be Group cho biết, dịch vụ sẽ ra mắt tại các tỉnh, thành phố gồm: TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Nha Trang.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Doanh nghiệp thương mại điện tử có thực sự hưởng lợi?
02:46, 31/03/2020
[COVID-19] “Làm sạch” sàn thương mại điện tử
11:00, 17/03/2020
Startup thương mại điện tử Leflair thất bại vì thiếu tiền
06:46, 17/03/2020
Tiki đang đứng ở đâu trong "làng" thương mại điện tử?
11:00, 16/03/2020
Quy trình “đi chợ hộ” cũng khá đơn giản. Khách hàng chọn điểm mua hàng, nhập món đồ cần thiết rồi đặt hàng. Tài xế Be sẽ liên hệ với khách để xác nhận sử dụng dịch vụ be Đi chợ và thực hiện chuyến đi. Còn theo thông tin từ Grab cho biết, ứng dụng này vừa triển khai thử nghiệm tính năng GrabMart tại TP.HCM. Tính năng này cho phép người dùng tìm kiếm, chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, nước uống đóng chai, rau củ quả... từ các cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ, siêu thị liên kết. Người dùng chỉ việc ở nhà đặt mua, đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các đơn vị liên kết. Tài xế chỉ việc nhận báo mã số đơn, nhận hàng và tiến hành giao mà không phải ghi nhớ đơn để mua hộ.
Hệ thống siêu thị LOTTE Mart cũng chia sẻ, số lượng đơn hàng qua website, ứng dụng Speed L hiện tăng từ 150-200% so với ngày thường, nguồn hàng phân bổ cho mảng online được tăng cường gấp đôi, gấp ba. Saigon Co.op cũng cho biết, đơn hàng mua sắm qua điện thoại, wesbite của siêu thị tăng gấp 10 lần so với ngày thường, thường xuyên “nghẽn” đơn hàng do khách quá đông.
Không bỏ lỡ thời cơ, chuyển phát nhanh Viettel cũng “rục rịch” tung dịch vụ “Đi chợ hộ” cho người dân tại các vùng dịch như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… Để sử dụng dịch vụ “Đi chợ hộ” của ViettelPost, sắp tới, người dùng chỉ cần tải app MyGo, lựa chọn hàng hóa trong hệ thống siêu thị có sẵn và đợi tài xế MyGo giao hàng.
Dịch vụ mới “Đi chợ hộ” sẽ được ViettelPost triển khai cung cấp, trên cơ sở tận dụng lợi thế mạng lưới rộng và 2 giải pháp công nghệ đã được đơn vị chính thức cho ra mắt từ tháng 7/2019 là nền tảng gọi xe và giao hàng trực tuyến MyGo và sàn thương mại điện tử VoSo.vn. Hiện kênh bán hàng online trên sàn VoSo.vn đã được ViettelPost phát triển theo mô hình đi chợ hộ khách hàng. Theo đó, khách hàng đặt mua nhu yếu phẩm online và ViettelPost sẽ thực hiện giao hàng tại nhà.
Các giải pháp đi chợ online này không chỉ giúp hạn chế tiếp xúc tại chốn đông người, giảm nguy cơ lây lan COVID-19 mà còn giúp “giải phóng” thời gian, không còn phải mất hàng giờ xếp hàng, thanh toán ở những cửa hàng tạp hóa khác nhau hay trong siêu thị. Và hơn hết, khi nhà nước khuyến khích hạn chế dùng tiền mặt để giảm nguy cơ lây nhiễm, tính năng này đem đến giải pháp thanh toán linh hoạt, giúp khách hàng có được trải nghiệm mua sắm thuận tiện, dễ dàng.
Lo an toàn thực phẩm
Hiện khá nhiều website có dịch vụ “đi chợ giúp” Lottemart, Satra, Coo.op Mart, Big C, Bách hóa Xanh, Đi Chợ Nhanh, Đi Chợ Dùm Bạn, Now Fresh… Nhiều cá nhân cũng đẩy mạnh bán hàng qua Facebook, Zalo, mở ứng dụng đi chợ, cung cấp bữa ăn tận nhà... Tuy nhiên, khách mua hàng chủ yếu là người quen, còn phần lớn người tiêu dùng chưa tin tưởng các kênh bán hàng nhỏ lẻ do chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm (ATTP), nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.
Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM, vẫn còn những rào cản trong hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam nói chung hay kinh doanh online nói riêng. Đó là do hàng hóa chưa đạt chuẩn, giữa hình ảnh sản phẩm quảng cáo và thực tế khi giao cho khách hàng không giống nhau khiến người mua lo lắng nên không lựa chọn mua hàng online.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM cho biết, trong quá trình kiểm tra, ban đã phát hiện một số cơ sở chế biến thực phẩm không có các giấy tờ theo quy định, không công bố chất lượng sản phẩm, không khám sức khỏe, cập nhật kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm... “Thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống đều phải có xuất xứ rõ ràng, có các giấy tờ thể hiện mua hàng ở đâu; nếu không có sẽ bị lực lượng chức năng tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hành chính. Đã là sản phẩm thực phẩm thì dù bán online hay trực tiếp đều phải chịu sự kiểm soát như nhau”, bà Lan nói.
Khi đặt mua hàng qua mạng, giao tận nơi, chúng ta phải biết đơn vị, cá nhân bán hàng là ai, ở đâu để khi gặp vấn đề còn có thể khiếu nại. Nên mua hàng ở những nơi bán hàng uy tín, công khai đầy đủ các giấy tờ theo quy định. “Trước khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng có thể kiểm tra lại thông tin đơn vị bán trên các website của cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Cục ATTP...”, bà Phong Lan khuyến cáo.