COVID-19 kéo theo việc mua sắm trực tiếp có xu hướng thu hẹp, người tiêu dùng tìm đến những cách mua sắm phi truyền thống qua kênh online.
Trong khảo sát của Nielsen Việt Nam và Infocus Mekong Mobile Panel, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm online và giảm các hoạt động mua sắm trực tiếp.
Số lượng đơn hàng tăng cao
Thương mại điện tử sẽ là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Việc kết nối "các nhà" thông qua thương mại điện tử cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Có thể thấy, sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử… đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử ngày càng tăng cao.
Theo Bộ Công Thương, do lo ngại dịch bệnh COVID-19, trong khi doanh thu tại các chợ tại Hà Nội đã giảm 50 - 80% thì ngược lại, doanh thu từ mua sắm online qua các kênh thương mại điện tử của một số doanh nghiệp đã tăng từ 20 - 30% từ đầu mùa dịch đến nay.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Saigon Co.op cho biết kênh mua sắm qua điện thoại, qua website của doanh nghiệp này đã tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Ước tính đơn hàng giao dịch thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày thường.
Cũng bận rộn không kém là sàn Tiki, khi đơn hàng trên sàn này trong hai tháng đầu năm tăng trưởng mạnh. Ngoài sách là sản phẩm chủ lực của sàn được ghi nhận tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng mạnh không kém.
"Trong những thời gian cao điểm, ước tính sàn phát sinh 3.000-4.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục" - đại diện Tiki nói và cho biết các sản phẩm được mua sắm nhiều nhất là khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... những mặt hàng giúp người tiêu dùng an tâm trong vùng dịch.
Đại diện Lotte Mart, nhà quản lý trang TMĐT SpeedL, cũng cho biết hệ thống đang tập trung mở rộng mua sắm online trong mùa cao điểm. Số lượng đơn hàng của sàn này tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn hàng hệ thống siêu thị Lotte Mart phân bổ cho trang online tăng gấp đôi. Nhà bán lẻ cũng phải cắt cử thêm nhân sự lo bán online.
Sức mua tăng cao, nhiều công ty bắt đầu có điều chỉnh đón đầu thị trường. Chẳng hạn Lazada vừa tung ra gian hàng online chuyên mặt hàng sữa bột với các cam kết về chất lượng và giá cả với người tiêu dùng.
Theo bà Kaya Qin - giám đốc vận hành Lazada Việt Nam, ngoài mặt hàng sữa, sàn cũng đang tính toán có thêm nhiều thương hiệu cùng chung tay cam kết chất lượng, bán đúng giá gốc.
Tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với các tập đoàn kinh tế tư nhân mới đây, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết, dịch bệnh đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi, thúc đẩy thương mại điện tử. Tập đoàn đang có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà vẫn được phục vụ mà không cần trực tiếp đến siêu thị.
Thực tế là nhiều DN cũng đã nhận thấy được cơ hội này để phát triển thương mại điện tử, đưa ra nhiều tiện ích trong mua sắm, tiêu dùng.
Chỉ "hưởng lợi" ở một số mảng nhất định
Trái ngược với nhịp điệu hối hả của Tiki hay Lotte, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam lại đánh giá: "Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ mối liên kết trực tiếp nào giữa tình hình bùng nổ dịch bệnh và sự gia tăng sức mua sắm trực tuyến".
Số liệu thống kê trong 2 tháng đầu năm 2020 của SimilarWeb cho thấy, lượt truy cập vào 4 sàn lớn nhất thị trường là Shopee, Tiki, Lazada và Sendo giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 30/03/2020
11:00, 17/03/2020
11:00, 16/03/2020
00:26, 15/03/2020
13:00, 11/03/2020
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng quan tâm hơn trong mùa dịch nhưng chỉ với mặt hàng thiết yếu chứ không phải tăng trưởng toàn ngành. Về tổng thể, sức mua chung của nền kinh tế đang suy giảm nên nhiều nhóm hàng trên thương mại điện tử cũng giảm như bán trực tiếp, do xu hướng thắt chặt chi tiêu thời dịch bệnh.
Chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, đánh giá những tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế có thể còn kéo dài hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Thị trường biến động kéo theo nhiều thiệt hại, bất lợi nhưng cũng mở ra cơ hội cho một số ngành nghề, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến.
Các dịch vụ giao nhận trực tuyến không chỉ mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng mà còn giúp các hệ thống đối tác nhà hàng, quán ăn có được doanh thu, nguồn tiền cầm cự trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, người dùng không chỉ thay đổi thói quen mua hàng mà còn thay đổi cả thói quen thanh toán. Hạn chế tiếp xúc, hạn chế sử dụng tiền mặt, đây là cơ hội để vận động người dân, phát triển thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.
“Nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, cho ra đời các sản phẩm mới thì đây rõ ràng là cơ hội để tạo ra đột phá cho thị trường TMĐT Việt Nam. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chất lượng, dịch vụ. Nếu có cơ hội quảng bá nhưng lại quảng bá cho người dùng dịch vụ không tốt, chất lượng tệ thì lại trở thành phản tác dụng, hết dịch là họ sẽ không sử dụng nữa”, vị này lưu ý.