[NGÀNH GỖ VƯỢT “BÃO” COVID-19] Lấp “khoảng trống” thị trường nội địa
Bán hàng online, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa... là những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp ngành gỗ giảm thiểu tác động từ dịch COVID-19.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và các hiệp hội gỗ, các doanh nghiệp đã thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị để quay trở lại sau dịch.
Chuyển đổi cơ cấu mặt hàng
Một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề, với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online.
Ví dụ, Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) hiện nay đã thành lập nhóm trên zalo, viber và facebook gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên đang tham gia vào các nhóm bán hàng này. Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ các mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu…
Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu tại thị trường nội địa. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam phục vụ tiêu dùng nội địa đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này tại thị trường nội địa. Một số cơ sở sản xuất, bao gồm các hộ tại các làng nghề, nắm bắt cơ hội thị trường này, thực hiện chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm của mình, nhằm sản xuất ra các sản phẩm lấp chỗ trống thị trường trong nước.
Điển hình là Công ty TNHH Hoàng Phát đang nghiên cứu về các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… trước đó Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện công ty đang có hướng chuyển đổi loại hình sản phẩm để sản xuất các sản phẩm này cung ứng cho thị trường nội địa, đồng thời tạo công việc cho lao động trong bối cảnh này.
Cùng với việc thay đổi phương thức bán hàng, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, một số doanh nghiệp gỗ tranh thủ cơ hội trong giai đoạn giảm quy mô hoạt động để tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương - Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2 cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh “chùng xuống” trong giai đoạn này bên cạnh những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, thì cũng có lợi thế là tạo ra khoảng thời gian để doanh nghiệp nhìn nhận lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tìm ra các khía cạnh, khâu chưa hiệu quả, từ đó đưa ra phương án cải thiện để nâng cao hiệu qủa sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Tập trung 4 giải pháp
Đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ phải tập trung 4 giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, dứt khoát cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay vẫn phải dùng 25 – 26 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 13 triệu tấn dăm mà chỉ làm kim ngạch xuất khẩu 1,5 – 1,6 tỷ USD. Con số này rất thấp, chỉ chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi lượng nguyên liệu chiếm 60%.
Cơ cấu sản phẩm gỗ cũng phải thay đổi. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU là bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm chiếm 60% kim ngạch, trong khi đồ ngoại thất, văn phòng chỉ chiếm 40%, đây là dư địa lớn.
Đồng thời cơ cấu cho cả chuỗi, từ trồng rừng gỗ lớn, cải tiến về giống, đưa giống tốt có thâm canh, đẩy nhanh việc quản lý rừng bền vừng, thực hiện các cam kết trong Hiệp định đối tác tự nguyện giữa về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản với EU.
Thứ hai, làm mạnh mẽ hơn liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung nước ngoài. Hiện nguyên liệu trong nước đã chủ động được 80%, nhưng trong cơ cấu đồ mộc, tỷ trọng nguyên liệu nhập vẫn còn cao. Để thay đổi được, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc sản xuất phụ liệu trong nước, 80% vẫn nhập khẩu, sản xuất trong nước giá thành cao. Hiện đang là điều kiện để phát triển sản xuất phụ liệu trong nước nhờ quy mô sản xuất của ngành lớn, nhu cầu cao. Vai trò của hiệp hội rất quan trọng, nhưng hiện có nhiều hiệp hội/hội kể cả ở các địa phương. Ngành này cần có một “nhạc trưởng” để có những hoạt động có sự liên kết chặt chẽ hơn.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Doanh nghiệp ngành gỗ - nội thất “ngấm đòn" vì thị trường hướng ngoại
01:56, 09/04/2020
Ngành gỗ Việt Nam: Trong “nguy” có “cơ”
04:00, 02/03/2020
Doanh nghiệp ngành gỗ Việt bị phá giá từ Trung Quốc
05:00, 19/07/2019
EVFTA và cơ hội cho ngành gỗ Việt
05:06, 13/07/2019
Thứ ba, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chuỗi, từ ứng dụng giống đến chế biến, bán hàng online; đổi mới thiết kế, tạo ra mặt hàng phối trộn gỗ với sác sản phẩm khác để phù hợp nhu cầu với thị trường. Đây là điều doanh nghiệp bắt buộc phải làm.
Thứ tư, đối với tiêu thụ trong nước đã quan trọng giờ càng quan trọng hơn, thị trường này có trị giá 3 tỷ USD và sẽ tăng lên vì người dân đã có điều kiện sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao. Các doanh nghiệp phải hướng vào thị trường này. Ngoài ra, ngành gỗ phải chú trọng xuất khẩu tại chỗ. Đó là nhiều doanh nghiệp FDI làm công trình khách sạn, công sở chất lượng cao trong nước, đã có doanh nghiệp trong nước như Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA đã chiếm lĩnh được một góc của thị trường này. Các doanh nghiệp FDI dù có phục vụ nhu cầu trong nước thì các doanh nghiệp Việt cũng có thể tham gia vào chuỗi cung cho họ.