"Con tàu đắm" Gỗ Trường Thành hiện giờ ra sao?

Nha Trang 28/04/2020 11:00

Mới đây, Gỗ Trường Thành (TTF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 trong bối cảnh lỗ lũy kế của tính đến 31/12/2020 tăng lên mức 3.019 tỷ đồng, suýt soát với tỷ trọng 97% vốn điều lệ.

“Đến nay chúng ta đã xử lý được tất cả những tồn đọng tại TTF. Nếu năm nay Công ty không có lời thì hãy đuổi chúng tôi đi. Nếu không tôi sẽ xin từ chức”, Chủ tịch Mai Hữu Tín khẳng định tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) diễn ra mới đây. Khẳng định đó thể hiện quyết tâm lớn của vị thuyền trưởng. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh đang chứng minh, chỉ nỗ lực thôi chưa đủ.

Gỗ Trường Thành không lãi năm 2020 sẽ từ chức

Gỗ Trường Thành từng là thương hiệu lớn trong ngành nội thất, nhưng do quản lý không tốt nên làm ăn thua lỗ. Trước khi ông Tín nhảy vào, Gỗ Trường Thành lỗ luỹ kế tới 1.768 tỷ đồng vào năm 2016 và âm vốn chủ sở hữu hơn 195 tỷ đồng.

Trở lại thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, khi Tân Liên Phát thoái vốn và không còn là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành thì xuất hiện Công ty CP Xây dựng U&I và mua gom cổ phiếu TTF. Ước tính, Xây dựng U&I đã chi hơn 232 tỷ đồng để sở hữu 29 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng với 20% vốn điều lệ.

Ông Tín tiếp nhận Gỗ Trường Thành khi doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt vấn đề. Đó không chỉ là lỗ luỹ kế lớn mà còn là nợ xấu với ngân hàng và các nhà cung cấp, số liệu tồn kho không chính xác và khó sử dụng; mất người giỏi, đầu tư phân tán và không hiệu quả, thiếu khách hàng tốt. Đặc biệt, vấn đề lớn nhất là quản trị kém.

Gỗ Trường Thành khi ấy như một cơ thể nhiều bệnh tật nên ông Tín cùng lúc phải xử lý hoàng loạt vấn đề, trong đó, ông Tín đặc biệt chú trọng vào câu chuyện cải thiện chất lượng quản trị, khâu yếu kém nhất khiến nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam rơi vào khủng hoảng và thua lỗ nặng nề.

“Những việc mà TTF đặt trọng tâm bao gồm tăng vốn, thanh lý hàng tồn không cần thiết và các khoản đầu tư không hiệu quả, tăng chất lượng con người và công tác quản trị, tập trung vào nơi mà TTF có thế mạnh lớn nhất là cung ứng hàng nội thất cho các dự án trong nước”, ông Tín nói.

Bên trong nhà máy sản xuất tủ bếp của TTF:

Bên trong nhà máy sản xuất tủ bếp của TTF:

Tuy nhiên, vấn đề làm ban lãnh đạo đau đầu là nên giữ lại thương hiệu Gỗ Trường Thành hay phát triển một thương hiệu mới. Cuối cùng, thương hiệu Total Furniture ra đời.

Ông Tín cho biết, việc thay đổi thương hiệu từ Gỗ Trường Thành sang Total Furniture là thay đổi thương hiệu doanh nghiệp chứ không phải một sản phẩm cụ thể nên xác định sẽ phải dành nguồn lực và thời gian để vực dậy.

Total Furniture dưới thời ông Tín đang dồn sức cho sản xuất. Hiện nay, nhà máy có thể sản xuất hầu như tất cả các mặt hàng nội thất bằng gỗ tự nhiên và ván công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Được coi là doanh nhân mát tay khi giải cứu thành công Giấy Sài Gòn và đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn và làm ăn có lãi trở lại từ năm 2015, nhưng diễn biến kinh doanh của Total Furniture sau ba năm dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Mai Hữu Tín vẫn chưa thể nhanh chóng đột phá như kỳ vọng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, công ty đạt doanh thu 1.045 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch. Tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 lên hơn 2.122 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu theo đó chỉ còn chưa đến 20 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2019 của gỗ Trường Thành cho thấy mức lỗ ròng 1.003 tỉ đồng, tăng thêm 121 tỉ đồng so với báo cáo tự lập. Doanh thu thuần đạt 721 tỉ đồng, giảm 17 tỉ đồng.

Về cơ bản, kết quả hoạt động kinh doanh chính của Gỗ Trường Thành không có sự thay đổi đáng kể; vấn đề nằm ở khoản mục hoạt động kinh doanh khác khi doanh thu sau kiểm toán tăng từ 8 tỉ đồng lên 20 tỉ đồng, còn chi phí tăng mạnh từ 9 tỉ đồng lên tới 134 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến mức lỗ của Gỗ Trường Thành tăng thêm 14%.

Tại báo cáo kiểm toán, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2019 lên tới 3.019 tỉ đồng. Cũng tại thời điểm này, tổng nợ phải trả và nợ phải trả ngắn hạn của Gỗ Trường Thành và các công ty con đã vượt tổng tài sản và tài sản ngắn hạn lần lượt 632 tỉ đồng và 811 tỉ đồng. Công ty cũng trình bày các khoản vay ngân hàng và bên thứ ba quá hạn thanh toán số tiền hơn 130 tỉ đồng.

Tổng tài sản của Gỗ Trường Thành kết thúc năm 2019 giảm về 2.146 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu âm 632 tỉ đồng.

Doanh thu bán hàng trong năm 2019 của TTF chỉ thực hiện được 56% kế hoạch, nguyên nhân theo ban lãnh đạo do dự án lớn trong nước đều chững lại, kéo theo thị phần của Công ty giảm. Cùng với đó, TTF cho biết cũng chủ động chia tay với nhiều khách hàng không hiệu quả, tập trung xử lí dứt điểm các vấn đề tồn đọng của Công ty.

Đi cùng việc trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi (418 tỷ), giảm giá hàng tồn kho (693 tỷ), TTF báo lỗ sau thuế hơn 1.000 tỷ, tăng gấp đối con số thua lỗ kế hoạch 558 tỷ đồng.

Theo vị Chủ tịch TTF, ngành gỗ Việt Nam đang cố gắng vươn lên vị trí thứ hai từ vị trí thứ năm, sau Trung Quốc, Đức, Ý và Malaysia. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu khó khăn trong bối cảnh của năm 2020. Tất cả thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam đã đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Tại Bình Dương có gần 20 nhà máy đã đóng cửa.

Dù vậy, “TTF chưa phải dừng hoạt động bất kỳ nhà máy nào”, ông Tín khẳng định.

Nhà máy tủ bếp vừa khánh thành cuối năm 2019 đã chạy liên tục trong mùa dịch và có đủ đơn hàng đến cuối 2020. Nhà máy TTF có nhiều đơn hàng nhất nếu so với các đơn vị cùng quy mô tại khu vực, ông Tín chia sẻ.

Bên cạnh đó, TTF đã thành lập liên doanh Casadora chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất có giá trị cao. Nhà thiết kế chính của Casadora là hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Milan, Ý.

Vài tháng nữa TTF sẽ tiếp tục thông tin chính thức rằng nhà máy sofa của Công ty sẽ là nhà sản xuất cho thương hiệu sofa số một thế giới. “Chúng tôi xin phép chưa nêu chi tiết”, ông Tín nói.

Về khoản lỗ khổng lồ trong năm 2019, ông Tín chia sẻ rằng "chúng là những con số cực kỳ xấu nhưng đó là điều chúng ta đã tính trước. Thay vì nhìn vào những báo cáo đó, chúng ta đã đi thăm các nhà máy để thấy tận mắt những việc TTF đang làm".

Bước sang năm 2020, TTF tự tin đặt kế hoạch doanh thu hơn 2.427 tỷ đồng, gấp 3,7 lần kết quả đạt được trong năm 2019; kỳ vọng chính thức có lợi nhuận trở lại với chỉ tiêu LNTT gần 70 tỷ đồng.

Nói thêm con số tham vọng này, ông Tín cho hay: "Cổ đông đừng nhìn con số doanh thu, tôi có thể làm con số đó lớn hơn. Cái cam kết của chúng ta là năm nay phải có lãi, đây mới là vấn đề quan trọng. Anh em chúng tôi sống chết để năm nay có lãi, nếu không tôi xin từ chức, tôi không làm nữa.

Anh em chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy tháng đầu năm. Bây giờ nếu quý vị hỏi chúng tôi dịch COVID-19 ảnh hưởng bao nhiêu đến 2.000 tỷ đồng doanh thu đó, tôi không trả lời được. Khi nào thị trường Mỹ mở cửa trở lại, theo dự kiến từ 1/6 thì mới ước tính được, tới lúc đó không có gì chúng ta mất tự tin cả".

Được biết, kế hoạch kinh doanh TTF được xây dựng giữa bối cảnh có nhiều rủi ro, thách thức; đặc biệt trước mắt là dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành gỗ và chế biến gỗ.

Hiện, dịch bệnh đang tác động đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Ý, châu Âu… Theo ban lãnh đạo, một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch. Dự kiến, đơn hàng mới sẽ phải ký kết chậm 3-6 tháng.

Trong năm 2020, TTF sẽ chủ động đàm phán với khách hàng truyền thống và đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó tích cực nâng cao hợp đồng trung và dài hạn tại các thị trường như Mỹ, Ý, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các kênh bán lẻ.

Khó khăn xóa nợ

Một trong những điểm nóng tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Gỗ Trường Thành là vấn đề phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ xấu tại ngân hàng Đông Á. Chủ tịch HĐQT TTF thẳng thắn nhìn nhận, "không còn cách nào khác".

Theo BCTC năm 2019 đã kiểm toán của TTF, khoản nợ đã phát sinh theo hồ sơ tín dụng tại ngân hàng Đông Á tính đến ngày 31/3/2020 trên 123 tỉ đồng.

Do vậy, nhằm tái cấu trúc khoản nợ này, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chào bán riêng lẻ trên 57,9 triệu cp, tương đương tổng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá hơn 579 tỉ đồng. Theo đó, nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của TTF sẽ tăng lên 3.691 tỉ đồng.

Cụ thể về phương án phát hành, giá phát hành và tỉ lệ hoán đổi dự kiến 2.128 đồng/cp, tức 2.128 đồng nợ được hoán đổi một cổ phần phát hành thêm. Tỉ lệ hoán đổi này do tổ chức thẩm định giá độc lập là Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định VASKA thực hiện vào ngày 13/4/2020.

Cổ phiếu hoán đổi sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Trường hợp khi hoán đổi nợ thành cổ phần xong, giá trị nợ còn lại không đủ để hoán đổi một cổ phần sẽ được trả bằng tiền. Thời gian hoán đổi sẽ được thực hiện trong năm 2020.

Động thái này trước hết giúp TTF giảm bớt nợ vay và đồng thời giúp công ty tăng vốn điều lệ nhằm thoát khỏi nguy cơ hủy niêm yết. Tại thời điểm 31/12/2019, TTF lỗ lũy kế 3.019 tỉ đồng, tương đương 97% vốn điều lệ.

Nói về việc lựa chọn phương án để xóa nợ, Chủ tịch TTF thẳng thắn cho biết, "không còn cách nào khác để mà làm."

Có thể bạn quan tâm

  • [VANG BÓNG MỘT THỜI] Cú ngã quỵ của Gỗ Trường Thành

    [VANG BÓNG MỘT THỜI] Cú ngã quỵ của Gỗ Trường Thành

    03:07, 25/02/2020

  • Xóa thương hiệu Gỗ Trường Thành: “Người hiểu” việc mới biết được “ý đồ”

    Xóa thương hiệu Gỗ Trường Thành: “Người hiểu” việc mới biết được “ý đồ”

    11:04, 12/08/2019

  • Đằng sau câu chuyện

    Đằng sau câu chuyện "khai tử" thương hiệu Gỗ Trường Thành

    00:57, 08/08/2019

  • Điều gì đằng sau dự kiến lỗ gần 600 tỷ năm 2019 của Gỗ Trường Thành?

    Điều gì đằng sau dự kiến lỗ gần 600 tỷ năm 2019 của Gỗ Trường Thành?

    06:00, 25/06/2019

  • TTF đã lọt khe cửa hẹp?

    TTF đã lọt khe cửa hẹp?

    10:22, 02/03/2018

Cụ thể, ông Tín cho biết: "TTF không thể nào vay ngân hàng, từ khi tôi tiếp nhận công ty. Đơn giản vì khoản vay cũ tại ngân hàng Đông Á là nợ xấu, chưa có điều kiện để trả dứt điểm. Giữa chúng ta với Đông Á có ít nhất vài chục lần làm việc, thậm chí ngân hàng đã khởi kiện công ty. Khi di dời nhà máy để xây tủ bếp, chúng tôi mới phát hiện chất lượng số hàng thế chấp tại Đông Á và thực tế khác nhau, giá sản phẩm bên ngoài thấp hơn trên hợp đồng thế chấp".

Chủ tịch TTF cũng cho biết thêm, ban lãnh đạo công ty đang cố gắng rất nhiều bởi tòa đã tuyên bố ngân hàng Đông Á thắng kiện. Theo đó, ngân hàng có thể nhìn vào tài sản khác của TTF, dòng tiền của TTF để thi hành án, nhất là những nhà máy hiện hữu.

Ông Tín cũng cho hay, toàn bộ tiền đầu tư vào nhà máy mới đều là tiền tiết kiệm của công ty, tiền từ thanh lí hàng chứ không vay ở đâu được. Nếu xóa sạch khoản này, TTF hoàn toàn sạch nợ vay ngân hàng và có cơ hội để phát triển.

"Nhưng thực tế, chúng ta bị ngăn cản ở việc không thể đi vay và cũng không thể nào xóa nợ xấu cũ tại ngân hàng Đông Á. Đây cũng là khoản vay duy nhất còn lại ở ngân hàng của TTF. Nếu xóa sạch khoản này, chúng ta hoàn toàn sạch nợ vay ngân hàng và thực tế chỉ còn nợ Vingroup", Chủ tịch TTF thông tin.

"Đó là câu chuyện hôm nay chúng tôi trình cổ đông thông qua phương án phát hành để xóa nợ. Vì sao chọn cách phát hành? Vì còn cách nào khác nữa đâu mà làm. Nhìn thực tế, phát hành riêng lẻ thì sẽ bị pha loãng 15%, cổ đông bị thiệt thòi. Tuy nhiên, điều này có thể giúp TTF có đủ điều kiện đi vay, phát triển lành mạnh, rất đáng để chúng ta làm", ông Tín kết luận.

DongABank cũng đang bị kiểm soát đặc biệt và bản thân HĐQT cũng không có quyền quyết định mà phải trình lên ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng này không có quyền đầu tư, do đó Gỗ Trường Thành sẽ phải bán nợ cho công ty mua bán nợ. Ông Mai Hữu Tín tiết lộ đã có cân nhắc vài đối tác cân nhắc nhưng chưa chốt được danh sách, khả năng cao là tổ chức.

Nha Trang