[VANG BÓNG MỘT THỜI] Cú ngã quỵ của Gỗ Trường Thành

Diendandoanhnghiep.vn Cùng với Sứ Thiên Thanh, ông Mai Hữu Tín tự tin khẳng định đang đưa thương hiệu "Gỗ Trường Thành" trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á dưới thương hiệu mới Total Furniture.

Gỗ Trường Thành được thành lập năm 1993 tại Đắk Lắk bởi doanh nhân Võ Trường Thành, ban đầu chỉ có vỏn vẹn 30 công nhân.

Trả giá vì sai lầm nối tiếp

Cái duyên đến với ngành gỗ của vị doanh nhân sinh năm 1958 này rất tình cờ. Ông từng là giáo viên dạy toán ở Bình Định nhưng tình thế thay đổi, cuộc sống ở quê trở nên khó khăn buộc ông phải vào Sài Gòn sinh sống rồi tham gia Thanh niên xung phong. Ở độ tuổi trẻ nhất, ông đã trở thành Giám đốc của lực lượng này. Nhưng không lâu sau đó, vì sự cố cá nhân, ông rời Thanh niên xung phong và bắt đầu khởi nghiệp.

Bằng số vốn ít ỏi trong tay nhưng may mắn gặp thời, ông mua được một công ty nhà nước thua lỗ với giá rất rẻ và phát triển nó thành doanh nghiệp ngành gỗ, lấy tên Gỗ Trường Thành.

Từng được coi là “Vua gỗ”, Gỗ Trường Thành đã trải qua nhiều thăng trầm, từng đứng bên bờ vực phá sản

Từng được coi là “Vua gỗ”, Gỗ Trường Thành đã trải qua nhiều thăng trầm, từng đứng bên bờ vực phá sản.

Năm 2000, ông Võ Trường Thành ghi dấu ấn khi khi mua lại nhà máy VINAPRIMART của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên của tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất đũa gỗ, để chuyển thành nhà máy chế biến ván sàn và đồ gia dụng nội – ngoại thất bằng gỗ cho thị trường xuất khẩu.

Sự nghiệp của vị doanh nhân họ Võ lên như diều gặp gió khi bắt đầu từ năm 2005, TTF liên tục đạt kết quả kinh doanh tốt. Cụ thể trong 3 năm, từ 2005 - 2007, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của TTF đều tăng trưởng mạnh và trở thành đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.

Không những thế, Gỗ Trường Thành còn vươn xa hơn khi hợp tác với OJI Paper - Tập đoàn sản xuất giấy hàng đầu Nhật Bản để thực hiện dự án trồng rừng có quy mô hơn 17 nghìn héc ta tại Phú Yên. Ông Thành từng cho biết đây là dự án rất lớn và khi đi vào thu hoạch có thể mang lại lợi nhuận cho TTF cả trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đang trên đà tăng trưởng lại nắm trong tay nhiều dự án được kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao, những tưởng Gỗ Trường Thành sẽ tiếp tục “phất” lên. Nhưng câu chuyện lại đi theo một chiều hướng khác khi sự hạn chế trong năng lực quản trị của lãnh đạo đã đẩy doanh nghiệp này nhanh chóng rơi vào khủng hoảng.

Việc dự trữ một lượng lớn những loại gỗ đắt tiền dành cho xuất khẩu khiến TTF chịu mất mát khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến vào năm 2008. Khách hàng không còn chuộng sản phẩm đắt đỏ, mà quay sang lựa chọn các dòng rẻ tiền hơn, khiến TTF bị chôn vốn, không có tiền để chuyển sang những mặt hàng rẻ hơn phục vụ thị trường, và sau đó phải bán lỗ số gỗ quý.

Với Trường Thành, vấn đề không dừng lại ở đó, mà còn là hàng trăm tỷ đồng đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực bất động sản, y tế, thủy sản... trong năm 2008 và đều đặn chi tiền tỷ để đầu tư vào kênh này trong những năm tiếp theo.

Đầu tư ngoài ngành với số tiền lớn trong nhiều năm nhưng chưa thể ghi nhận nguồn thu, Gỗ Trường Thành rơi vào cảnh nợ bủa vây và mất khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn.

Vào giữa năm 2013, lượng tiền mặt của công ty lúc ấy chỉ còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng nhưng phải chịu áp lực từ nhiều phía, trong đó có áp lực biến động tăng gấp 2 thậm chí là gấp 3 lần của lãi suất tiền vay từ các ngân hàng. Đến năm 2014, tình hình tại TTF phần nào ổn định hơn, với nỗi lo về dòng tiền cơ bản được khắc phục.

2014-2015 là giai đoạn trở lại hoàng kim của Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) khi đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất về lĩnh vực xuất khẩu gỗ. Năm 2015, doanh thu của TTF tăng gần gấp đôi so với cùng kì lên 2.752 tỷ đồng, lãi ròng tăng gấp ba lên mức kỉ lục gần 189 tỷ đồng.

Niềm vui còn nhân đôi khi Gỗ Trường Thành nhận được tin có thể trở thành công ty con của một tập đoàn kinh tế lớn trong nước và được bao tiêu 30% doanh thu, cũng như nhận được nguồn lực mạnh mẽ để nâng cấp, mở rộng kinh doanh.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, Gỗ Trường Thành đã quyết định phát hành 69,7 triệu cổ phần cho công ty con của Tập đoàn này nhằm mục đích chuyển đổi khoản vay trị giá trên 1.200 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2016, công ty con nói trên đã chi ra 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn Gỗ Trường Thành. Tuy nhiên, sau đó, họ đã phát hiện ra một số sai lệch rất nghiêm trọng về số lượng hàng tồn kho tại báo cáo tài chính của “vua gỗ” nên đã tạm ngưng chuyển đổi khoản nợ này.

Ngay khi thông tin này được công bố, cổ phiếu TTF đã có chuỗi giảm sàn kỉ lục tới 24 phiên liên tiếp, bốc hơi hơn 80% giá trị từ 43.600 đồng xuống 8.100 đồng. Sau đó, khi công bố BCTC quý 2/2016, Gỗ Trường Thành đã giáng một đòn choáng váng vào các cổ đông với khoản lỗ bất ngờ lên đến 1.081 tỷ đồng.

Vấn đề khiến nhà đầu tư “chết lặng” là việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong giá vốn hàng bán, khiến cho giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng – cao gấp đôi doanh thu. Đó là chưa kể đến hàng loạt những giao dịch với các công ty có liên quan bị nghi ngờ để tạo doanh thu khống và doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi.

Kết thúc năm 2016 “kinh hoàng”, Gỗ Trường Thành báo lỗ ròng 1.271 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên đến 3.453 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu còn vỏn vẹn 132 tỷ đồng.

Cổ phiếu TTF đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, cha con người sáng lập – ông Võ Trường Thành – đã phải đắng cay từ nhiệm sự nghiệp cả đời của mình và đối mặt với việc đền bù thiệt hại đã gây ra cho công ty.

Ba chìm bảy nổi, bao giờ mới yên?

Vào giữa năm 2017, CTCP Xây dựng U&I của đại gia Mai Hữu Tín bắt đầu gom cổ phiếu TTF. Vị trí Tổng giám đốc sau đó được ông Mai Hữu Tín đảm nhiệm, còn Chủ tịch HĐQT do ông Hồ Anh Dũng thay thế.

Sau đấy đến cuối năm 2017, CTCP SAM Holdings chi 147 tỷ đồng mua vào 20,8 triệu cổ phiếu TFF và trở thành cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau U&I. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn SAM Holdings lại nhanh chóng rút lui khi bán đi lượng lớn cổ phần vào tháng 4/2018.

Cơ cấu cổ đông của TTF tiếp tục có sự thay đổi sau khi công ty này hoàn tất đợt phát hành 96,6 triệu cổ phiếu hoán đổi cho Công ty Sứ Thiên Thanh vào ngày 20/5/2019. Sau động thái này, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 2.146 tỷ đồng lên 3.112 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến thời điểm hiện tại.

Được biết, Sứ Thiên Thanh là công ty thuộc CTCP Đồng Tâm do ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng) làm Chủ tịch HĐQT. Như vậy, sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của Đồng Tâm Group tại Gỗ Trường Thành đạt gần 14,6% và trở thành cổ đông lớn nhất, xếp thứ hai là U&I với tỷ lệ nắm giữ 9,32%.

Sau động thái này, Ban quản trị công ty cũng có sự thay đổi khi ông Mai Hữu Tín được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và ông Võ Quốc Lợi (con trai Bầu Thắng) được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT công ty.

Cùng với Sứ Thiên Thanh, ông Tín tự tin khẳng định đang đưa thương hiệu "Gỗ Trường Thành" trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á dưới thương hiệu mới Total Furniture.

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, và Công ty tiếp tục phải thua lỗ, ông Mai Hữu Tín chủ trì ĐHĐCĐ thường niên 2019 với tâm thế phấn khởi hơn, đảm nhận ghế Chủ tịch và bày tỏ niềm tin hoàn toàn vào tương lai sắp đến của doanh nghiệp.

"Sở dĩ phải "giết chết" Gỗ Trường Thành bởi thương hiệu này mặc dù đã tồn tại trên thị trường một thời gian dài nhưng lại có nhiều vấn đề, nhiều lỗi và nếu giữ lại sẽ ảnh hưởng không tốt đến cổ đông cũng như doanh nghiệp sau khi M&A", ông Tín phân trần.

Thế nhưng, "đống đổ nát" ở TTF vẫn còn rất ngổn ngang khi năm 2019, Gỗ Trường Thành tiếp tục lỗ nặng, vốn chủ sở hữu âm hơn 500 tỷ đồng và đối mặt với án hủy niêm yết bắt buộc từ Sở GDCK TP.HCM theo Điều 60, Nghị đinh 58/2012/NĐ-CP...

Quý IV/2019, TTF ghi nhận doanh thu thuần đạt 315 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Do ghi nhận doanh thu thấp hơn giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp tiếp tục ghi nhận âm hơn 274 tỷ đồng. Thêm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, TTF tiếp tục báo lỗ 384 tỷ đồng đồng trong Quý IV/2019.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, doanh thu giảm do sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, đồng thời, công ty trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi ở các công ty con là 147,5 tỷ đồng và dự phòng giảm giá hàng tồn kho 168,9 tỷ đồng.

Cả năm 2019, TTF chỉ đạt 738 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương giảm 29% so với năm 2018. Doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ thêm 881 tỷ đồng, kéo theo vốn chủ sở hữu âm 511 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc năm 2019. TTF sẽ đối mặt với án phạt Hủy niêm yết bắt buộc từ Sở GDCK TP.HCM theo Điều 60, Nghị đinh 58/2012/NĐ-CP quy định về số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Tổng tài sản của TTF đến cuối 2019 đạt 2.204 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với số đầu năm, trong đó hàng tồn kho và khoản phải thu giảm phân nửa, còn 401 tỷ đồng và 596 tỷ đồng do trích lập dự phòng. Tài sản cố định chiếm 1/4 tài sản dài hạn, giá trị sổ sách còn lại 220 tỷ đồng, ¾ còn lại đến từ lợi thế thương mại 290 tỷ và tài sản dài hạn khác. Trong khi đó, TTF vẫn đang có 473 tỷ đồng dư nợ ngắn và dài hạn, chưa kể khoản mục Người mua trả tiền trước của VinGroup vẫn còn hơn 1.200 tỷ trong bảng cân đối kế toán cuối kỳ.

Hiện TTF đã được UBCKNN chấp thuận gia hạn báo cáo tài chính soát xét cho năm tài chính 2019 đến 31/03/2020, đóng phiên giao dịch ngày 31/01/2020, TTF giảm 6,4% xuống còn 2.480 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [VANG BÓNG MỘT THỜI] Cú ngã quỵ của Gỗ Trường Thành tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714149485 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714149485 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10