Sự lựa chọn bất ngờ của Foxconn và Pegatron
Trong khi dư luận đang bàn tán về việc Foxconn đã lên kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD để mở rộng nhà máy ở Ấn Độ, nơi tập đoàn lắp ráp iPhone của Apple thì bất chợt mọi việc đang có chiều hướng khác...
Theo một nguồn tin độc quyền từ hãng thông tấn Reuters, các nhà sản xuất điện tử Foxconn và Pegatron có trụ sở tại Đài Loan đang để mắt đến các nhà máy mới ở Mexico. Mấu chốt của vấn đề được cho là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các công ty kiểm tra lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, các kế hoạch này có thể mở ra hàng tỷ đô la đầu tư mới cần thiết trong vài năm tới cho nền kinh tế lớn thứ hai của Mỹ Latinh.
Foxconn và Pegatron được biết đến là nhà thầu cho một số nhà sản xuất điện thoại trong đó có Apple. Theo hai nguồn tin, Foxconn có kế hoạch sử dụng nhà máy này để sản xuất iPhone của Apple. Tuy nhiên, một trong những nguồn tin cho biết, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Apple sẽ trực tiếp tham gia vào kế hoạch này.
Foxconn có thể sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về một nhà máy mới vào cuối năm nay và công việc sẽ bắt đầu sau đó.
Pegatron cũng đang thảo luận sớm với các bên cho vay về một cơ sở bổ sung ở Mexico, chủ yếu để lắp ráp chip và các linh kiện điện tử khác, những người giấu tên cho biết cuộc đàm phán này là bí mật.
Foxconn có 5 nhà máy ở Mexico, chủ yếu sản xuất ti vi và máy chủ. Khả năng mở rộng của công ty này sẽ nhấn mạnh sự dịch chuyển mạnh mẽ và dần dần của chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và cuộc khủng hoảng COVID-19.
Các kế hoạch này được đưa ra khi ý tưởng khuyến khích các công ty chuyển các cơ sở sản xuất từ châu Á sang Mỹ, Mỹ Latinh hay là Caribe của chính quyền Trump.
Mexico đang nắm giữ nhiều lợi thế khi đã đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới – Mỹ. Ngoài ra, Mexico cũng có địa lý, mức lương thấp và múi giờ tương tự nước Mỹ.
Foxconn đã liên lạc với chính phủ Mexico. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn đầu và các trường hợp nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở Mexico lại đang khiến tính khả thi của dự án đầu tư gặp rắc rối.Bên cạnh đó, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và những lo ngại về môi trường kinh doanh dưới thời Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cũng khiến các công ty còn đang “lăn tăn”.
Foxconn có trụ sở chính tại Đài Bắc, có tên chính thức là Hon Hai Precision Industry Co Ltd, cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động toàn cầu và sẽ là một "nhà đầu tư tích cực" ở Mexico.
Chủ tịch Foxconn - Liu Young way đã từng phát biểu tại một hội nghị nhà đầu tư ở Đài Bắc vào ngày 12 tháng 8 rằng, thế giới được chia thành hai nhóm sau những căng thẳng Trung-Mỹ và công ty của ông đang làm việc để “cung cấp hai bộ chuỗi cung ứng để phục vụ hai thị trường".
Đơn vị của Foxconn, Sharp cho biết họ đang đẩy mạnh sản xuất truyền hình ở Mexico. Năm ngoái, Sharp cho biết họ sẽ thành lập một nhà máy ở Việt Nam để chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang.
Cũng trong một diễn biến liên quan, Luxshare – công ty công nghệ của Trung Quốc cũng đang xem xét xây dựng một cơ sở ở Mexico trong năm nay để bù đắp cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hiện vẫn chưa rõ dòng sản phẩm nào đang được Luxshare xem xét. Luxshare hiện đang là nhà sản xuất Airpods hàng đầu của Apple.
Có thể nói, quy mô đầu tư của các nhà sản xuất hợp đồng điện tử châu Á và việc làm mà họ sẽ tạo ra ở Mexico, vẫn chưa rõ ràng. Những hứa hẹn đầu tư vào cơ sở sản xuất mới không phải lúc nào cũng thành hiện thực.
Còn nhớ vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Foxconn sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 10 tỷ USD sử dụng 13.000 người làm màn hình LCD ở bang Wisconsin.
Tuy nhiên, những kế hoạch đó đã thay đổi đáng kể. Năm 2019, công ty đã hạ quy mô nhà máy theo kế hoạch. Và vào tháng 4, Foxconn cho biết họ sẽ chỉ “sản xuất máy thông gió” tại nhà máy này với sự hợp tác của Medtronic.
Gần đây rộ lên các thông tin về việc Foxconn, Luxshare hay là Pegatron lựa chọn Ấn Độ thay vì Việt Nam làm điểm đặt các nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp iPhone.
Tuy nhiên, có vẻ mọi việc vẫn còn đang khá phức tạp khi lựa chọn của các công ty này vẫn còn là “sự bí ẩn”. Họ đang có những kế hoạch, những sự soi xét kỹ lưỡng các điểm đến để có thể “chọn mặt gửi vàng” với các hợp đồng hàng tỷ đô la. Rất có thể trong một ngày đẹp trời nào đó, khi các nhà hoạch định chiến lược nhìn thấy các điểm mạnh và sự ổn định của Việt Nam, họ cũng sẽ thay đổi ý định.
Có thể bạn quan tâm
Nhà sản xuất vỏ iPhone tại Đài Loan bán nhà máy cho đối thủ Trung Quốc với giá 1,4 tỷ USD
07:19, 20/08/2020
Apple không bỏ chọn Việt Nam, Samsung không bỏ sang Ấn Độ
11:34, 24/08/2020
Apple "cáo buộc" Epic đang đặt App Store vào “nguy hiểm"
05:47, 23/08/2020
Điều gì giúp Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới?
13:10, 22/08/2020
Đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Foxconn dần lộ diện?
07:19, 17/08/2020