Khi SMIC nằm trong “tầm ngắm” của Mỹ!

NGUYỄN CHUẨN 07/09/2020 05:01

Nếu SMIC - Công ty sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào trong "danh sách đen" thì hậu quả đối với nền công nghệ của Trung Quốc sẽ nghiêm trọng đến mức nào?

Lời đe dọa mới nhất của chính quyền Trump đối với SMIC, nhà sản xuất chip silicon lớn nhất Trung Quốc, đã được đưa ra vào hôm thứ sáu vừa qua. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã chia sẻ với Reuters.

SMIC - Semiconductor Manufacturing International Corporation, một công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đang bị Mỹ đưa vào tầm ngắm.

SMIC - Semiconductor Manufacturing International Corporation, công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đang bị Mỹ đưa vào tầm ngắm.

Trong “danh sách đen” của chính quyền Trump hiện bao gồm hơn 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc, chủ yếu là các công ty thuộc vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc, từ những gã khổng lồ về thiết bị viễn thông Huawei và ZTE, cho đến nhà sản xuất camera Hikvision...

Trong thời gian tới, do đang là nhà sản xuất chip của Huawei, SMIC sẽ phải đối mặt với những hạn chế từ Bộ Thương mại Mỹ về việc xin giấy phép của Mỹ trước khi sản xuất chip cho gã khổng lồ viễn thông này. Bên cạnh đó, một số công ty của Mỹ như là Lam Research, KLA và Applied Materials, chuyên cung cấp thiết bị sản xuất chip quan trọng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những hạn chế trên.

Hiện tại, Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất với 13 trong số 38 khách hàng lớn nhất của SMIC, chiếm 34% tổng số, tính đến ngày 14 tháng 8.

Trong khi đó, quan chức của Lầu Năm Góc không nêu lý do của động thái này. Chỉ ngắn gọn rằng, mối quan hệ của SMIC với quân đội Trung Quốc đang được giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, rất dễ dàng có thể nhận ra, lý do Mỹ đe dọa và nhắm vào nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc được cho là một động thái “làm chậm nỗ lực phát triển công nghệ quan trọng” của Bắc Kinh.

Các nhà phân tích cho biết việc hạn chế quyền tiếp cận của SMIC đối với các nhà cung cấp của Mỹ có thể làm “gián đoạn nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển các ngành công nghiệp phần mềm và vi mạch tích hợp trong nước”, vốn dĩ sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến trạm phát sóng 5G và hệ thống dẫn đường tên lửa.

Eric Tseng, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu bán dẫn Isaiah Capital có trụ sở tại Đài Loan cho biết: “Một hạn chế thương mại tiềm năng của Mỹ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng của SMIC, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cảm biến CMOS, sản phẩm vân tay trên điện thoại thông minh và các sản phẩm liên quan đến mạch tích hợp quản lý điện năng”.

SMIC hiện đang là nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc, đứng thứ hai thế giới sau TSMC của Đài Loan. Họ đang tìm cách xây dựng các xưởng đúc để sản xuất chip máy tính có thể cạnh tranh với TSMC.

Được thành lập vào năm 2000, SMIC đã huy động được 46,3 tỷ nhân dân tệ (6,8 tỷ USD) trong đợt IPO tại Thượng Hải vào tháng 7 - cao hơn gấp đôi so với mục tiêu ban đầu, dự kiến sẽ là đợt chào bán lớn nhất của Trung Quốc trong 10 năm.

SMIC hiện đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền công nghiệp sản xuất phần mềm và vi mạch tích hợp trong nước

SMIC hiện đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền công nghiệp sản xuất phần mềm và vi mạch tích hợp Trung Quốc.

Hiện tại, SMIC và Huahong có trụ sở tại Thượng Hải, là hai xưởng đúc duy nhất ở Trung Quốc có thể sản xuất chip xử lý 28 nanomet, một trong những loại tiên tiến nhất hiện có ở Trung Quốc.

Tháng trước, Quốc vụ viện Trung Quốc, đã ban hành các chính sách mới để hỗ trợ lĩnh vực này, bao gồm miễn thuế, quy trình xem xét hợp lý để niêm yết công ty và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là một "chính sách dành cho tương lai" khi mà cuộc chiến công nghệ với Mỹ đang cho thấy sự hụt hơi của các công ty Trung Quốc.

Stewart Randall, giám đốc hoạt động của thiết bị điện tử và phần mềm nhúng tại Intralink, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, khi SMIC có nguy cơ lọt vào "danh sách đen" có nghĩa là bất kỳ công ty Trung Quốc nào có quy mô tương tự “sẽ nằm trong tầm ngắm của Mỹ”, điều đó có nghĩa là Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài để cố gắng bằng cách nào đó phát triển tất cả các thiết bị ở Trung Quốc để có một hệ thống khép kín.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung dường như đã được Mỹ chính thức khơi mào sau hàng loạt sự “gây hấn” mạnh mẽ. Mới tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã kêu gọi một “Mạng sạch để bảo vệ tài sản của Mỹ” chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc xâm nhập và hình thành một “con đường liên lạc đầu cuối không sử dụng bất kỳ thiết bị truyền dẫn, điều khiển, máy tính hoặc lưu trữ nào từ các nhà cung cấp CNTT không đáng tin cậy, chẳng hạn như Huawei và ZTE ”.

Cameron Johnson, giảng viên trợ giảng tại Đại học New York, cho biết nếu Mỹ hạn chế đối với SMIC có thể sẽ gây ra những “cơn sóng ngầm trên các chuỗi cung ứng và doanh nghiệp toàn cầu”.

SMIC cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng họ "hoàn toàn bị sốc" trước tin tức này nhưng sẵn sàng liên lạc với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ với hy vọng giải quyết mọi hiểu lầm.

SMIC cho rằng, với tư cách là một thành viên quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu kể từ khi thành lập, có khách hàng ở khắp nơi trên  toàn thế giới như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đại lục. Sản phẩm và dịch vụ của công ty đều dùng cho dân dụng và thương mại, không hề có hành vi nào liên quan đến ứng dụng quân sự và không có quan hệ gì với quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hiện vẫn đang điều tra mối liên hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc. Trước đó, Mỹ đã đưa 31 công ty Trung Quốc trong đó có China Mobile, Huawei, China Telecom, CRRC, Hikvision...vào một danh sách các công ty “thực sự do quân đội Trung Quốc kiểm soát”. Đây có thể là tiền đề cho các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • “Sự cố” của Huawei và cơ hội cho Samsung

    “Sự cố” của Huawei và cơ hội cho Samsung

    05:15, 04/09/2020

  • Huawei - “Người khổng lồ chân đất sét”!

    Huawei - “Người khổng lồ chân đất sét”!

    05:22, 31/08/2020

  • WeChat – “giọt nước tràn ly” trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung?

    WeChat – “giọt nước tràn ly” trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung?

    05:46, 12/08/2020

  • Trung Quốc - “mất bò mới lo làm chuồng”!

    Trung Quốc - “mất bò mới lo làm chuồng”!

    06:40, 04/09/2020

NGUYỄN CHUẨN