Coteccons phát triển ra sao dưới thời ông Nguyễn Bá Dương?

KHÁNH HÀ 07/10/2020 11:00

Từ bộ phận xây lắp thuộc công ty nhà nước, Coteccons đã được ông Nguyễn Bá Dương dẫn dắt thành doanh nghiệp đầu ngành xây dựng.

Ông Nguyễn Bá Dương vừa thông báo từ chức Chủ tịch và từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons từ ngày 2/10 vì lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Quyết định này đặt dấu chấm hết cho 17 năm đương nhiệm của ông Dương với tư cách "kiến trúc sư trưởng" và linh hồn của Coteccons.

Đưa doanh nghiệp xây dựng "từ số 0 lên số 1"

Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959 tại Nam Định, làm việc 5 năm tại Bộ Xây dựng và 12 năm tại công ty Công nghiệp nhẹ số 2 (Descon) trước khi rẽ lối sang làm việc cho Coteccons vào năm 2002.

Theo lời của chính vị cựu chủ tịch Coteccons kể lại, tại thời điểm đó, nhiều người của Descon đặt câu hỏi về sự ra đi này khi doanh nghiệp đã sẵn thương hiệu trong ngành xây dựng. Ông Dương khẳng định chỉ mất 2 năm để Coteccons vươn lên hàng đầu Sài Gòn. Người đàn ông 43 tuổi khi ấy tự tin vào uy tín bản thân. "Các công ty tư vấn nước ngoài nhìn mặt, tin tôi và giao việc. Các nhà cung cấp tin tôi, có thể cho nợ tiền". Ông Dương quan niệm làm sao để khách hàng nhớ đến mình như một dạng "hữu xạ tự thiên hương". Nhờ đó, các công trình tìm đến Coteccons chứ doanh nghiệp tự đi tìm không nhiều.

Dưới sự chèo lái của ông Dương, Coteccons từ một doanh nghiệp non trẻ đã nhanh chóng phát triển và bùng nổ, vượt mặt luôn cả những đàn anh như Hoà Bình, Fecon, UDIC, Vina Conex… để trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong ngành xây dựng Việt Nam.

Trong gần 20 năm qua, Coteccons hiện diện hầu khắp mọi dự án lớn kéo dài từ bắc đến nam.

Năm 2002, Coteccons chỉ là doanh nghiệp nhỏ trong ngành xây dựng nhưng đã được giao cho công trình lớn đầu tiên ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 với giá trị một trăm mấy chục tỷ đồng. Chủ đầu tư sẵn sàng ứng 15% vốn, ngân hàng cho vay 10 tỷ đồng không cần thế chấp.

Landmark 81 - biểu tượng mới của TP.HCM được xây dựng bởi Coteccons

Landmark 81 - biểu tượng mới của TP.HCM được xây dựng bởi Coteccons

Dấu mốc thứ 2 vào năm 2004, khi Cotecons được Bitexco giao làm dự án The Manor trên vùng đầm lầy ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Một doanh nghiệp chưa từng làm công trình cao tầng, nay được giao cho tòa nhà 33 tầng trên một vùng đất yếu mà không nhà thầu nào dám làm. Sự đột phá này, theo ông Dương, chính là dấu mốc để Coteccons tiến vào miền Trung, làm hàng loạt các khách sạn, resort 5-6 sao tại Đà Nẵng như Intercontinental, The Nam Hải… Những dấu ấn đầu tiên đó là tiền đề để Coteccons có được vị thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam từ năm 2013, theo Vietnam Report.

Nổi bật nhất gần đây, công ty đã vượt mặt 2 nhà thầu nước ngoài là Lotte và SsangYong để trở thành nhà thầu chính của toà tháp Landmark81 cao thứ 10 thế giới và cao nhất Việt Nam (461,2 m). Với thành quả này, Coteccons lọt vào danh sách rất ít nhà thầu trên thế giới đủ khả năng thực hiện các công trình siêu cao tầng.

"Thần tốc" là từ để mô tả tiến độ thi công của Coteccons. Tổ hợp VinFast (335 ha) lập kỷ lục thế giới về tiến độ với 21 tháng, Casino Nam Hội An (1.000 ha) cũng chỉ mất 19 tháng...

Bên cạnh các dự án đình đám trong nước, những năm qua Coteccons cũng đã từng bước đặt chân đến những thị trường lân cận như Campuchia hay Lào.

Để theo đuổi những tầm cao mới, ông Dương từng cho rằng có 3 mô hình mà Coteccons muốn làm. Một là chuyên nghiệp như các nhà thầu của Mỹ, hai là chân thành và tỷ mỷ từng chi tiết như nhà thầu Nhật và thứ 3 là lòng tin theo kiểu kinh doanh của người Hoa.

Thăng trầm trong kết quả kinh doanh

Coteccons đã trải qua một thập kỉ kinh doanh với các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 2010 - 2012, tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) với doanh thu là 16% nhưng lợi nhuận âm 5%. Từ sau khi có sự xuất hiện của Kusto Group (năm 2012, nắm 25% cổ phần), kết quả kinh doanh Coteccons bứt tốc nhờ nguồn vốn lưu động lớn từ cổ đông ngoại mà không phải phụ thuộc vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ CAGR giai đoạn 2012 - 2017 về doanh thu đạt 43% còn lợi nhuận là 50%.

Kết quả kinh doanh của Coteccons từ 2010 đến nay. Đơn vị: tỷ đồng

Kết quả kinh doanh của Coteccons từ 2010 đến nay. Đơn vị: tỷ đồng

Từ 2013-2017 có thể nói giai đoạn hoàng kim của Coteccons. Cụ thể, doanh thu Coteccons ghi nhận đà tăng trưởng nhanh, từ trên 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2011-2012 lên tới hơn 27.000 tỷ đồng vào năm 2017, gấp 6 lần sau 5 năm.

Tăng trưởng doanh thu trung bình của Coteccons giai đoạn 2013-2017 cũng lên tới 45%/năm. Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm giai đoạn này là 54%/năm. Trong đó, lợi nhuận đã tăng đột biến vào năm 2015-2016 với mức tăng gấp đôi mỗi năm.

Lợi nhuận của Coteccons đạt đỉnh vào năm 2017 khi mang về tới 1.653 tỷ đồng lãi ròng.

Trên thị trường chứng khoán, năm 2015 cũng khởi đầu giai đoạn hoàng kim của cổ phiếu CTD khi tăng một mạch từ vùng giá dưới 50.000 đồng/cổ phiếu lên trên 200.000 đồng. Có thời điểm, cổ phiếu này tăng gấp 4 lần trong chưa đầy 1 năm và lọt top những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của nhà thầu xây dựng Coteccons bắt đầu suy giảm từ năm 2018 khi doanh thu chỉ tăng 5% và lợi nhuận giảm 9%. Số liệu càng xấu hơn trong năm 2019 khi doanh thu sụt giảm 17% còn lợi nhuận giảm tới 53% về mức thấp nhất 5 năm.

Trong quý I/2020, dù biên lợi nhuận được cải thiện, nhưng lợi nhuận của Coteccons cũng đã giảm về mức thấp nhất 5 năm, dòng tiền kinh doanh âm thêm 427 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.

Năm 2020 Coteccons đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 16.000 tỷ đồng, giảm 32,6% so với doanh thu thực hiện năm 2019. Chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất cũng giảm 15,5% xuống còn 600 tỷ đồng.

Cùng với kết quả kinh doanh đi xuống, cổ phiếu CTD của Coteccons đã sụt giảm mạnh từ mốc đỉnh 233.000 đồng/cổ phiếu (tháng 11/2017) xuống còn 67.000 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 5/10/2020.

Và cả "cuộc chiến vương quyền"

Mặc dù có nhiều nhen nhóm nảy sinh giữa nhóm cổ đông ngoại mà đại diện là Kusto Group với ban lãnh đạo Coteccons từ những lần họp ĐHĐCĐ 2018 – 2019 nhưng vào năm nay đã được đẩy lên đỉnh điểm. Ngay trước thềm Đại hội, nhóm cổ đông ngoại này nhiều lần đưa ra các cáo buộc về xung đột lợi ích của Coteccons với các công ty liên quan, trong đó có Ricons.

Nhóm cổ đông ngoại yêu cầu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công từ chức. "Một cuộc chiến" trên truyền thông nổ ra. Lãnh đạo Coteccons sau đó đã tuyên bố sẵn sàng chuyển giao vị trí cho ứng viên xứng đáng. Hai thành viên HĐQT từ nhiệm là ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quyết Thắng.

Đại diện của Kusto Việt Nam và Th8th được bầu thay thế. Trong đó, ông Bolat Duisenov, Tổng giám đốc Kusto Việt Nam trở thành một trong 2 người đại diện pháp luật của Coteccons (người còn lại là ông Nguyễn Bá Dương). Mọi mâu thuẫn tưởng chừng được hoá giải khi 2 bên cùng tuyên bố trong kỳ họp thường niên 2020 rằng đã tìm được tiếng nói chung và đi đến thống nhất trong việc xây dựng Coteccons tiếp tục phát triển trên con đường mới.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng về một trang mới, Coteccons xảy ra một loạt sự thay đổi về nhân sự. Kế toán trưởng, các thành viên Ban thư ký được thay thế, ông Bolat Duisenov tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng Tiểu ban chiến lược.

Trước khi rời Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương lần lượt từ nhiệm Thành viên HĐQT Ricons, Thành viên HĐQT độc lập tại Vinamilk. 

Coteccons, trong hồ sơ năng lực công bố đầu năm nay, đặt kỳ vọng kiến thiết doanh nghiệp trở thành tập đoàn xây dựng đẳng cấp quốc tế, đồng thời là một tập đoàn kinh tế tiêu biểu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi "kiến trúc sư trưởng" rời đi, tính khả thi của công trình đồ sộ này đang trở thành dấu hỏi lớn hơn cả sự hoài nghi về sự hòa hợp của ông Dương và Kustocem trước đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Ông Lý Xuân Hải xuất hiện ở Coteccons với vai trò gì?

    Ông Lý Xuân Hải xuất hiện ở Coteccons với vai trò gì?

    11:53, 06/10/2020

  • Đại gia Nguyễn Bá Dương từ nhiệm, Coteccons sẽ sang trang mới?

    Đại gia Nguyễn Bá Dương từ nhiệm, Coteccons sẽ sang trang mới?

    11:00, 06/10/2020

  • Chủ tịch Coteccons ngày càng

    Chủ tịch Coteccons ngày càng "cô đơn"

    11:00, 12/08/2020

  • "Cuộc chiến vương quyền" ở Coteccons đã đi đến hồi kết?

    03:40, 01/07/2020

  • Lãnh đạo Coteccons cản trở hoạt động của Ban kiểm soát?

    Lãnh đạo Coteccons cản trở hoạt động của Ban kiểm soát?

    13:00, 12/06/2020

  • Coteccons lại đặt câu hỏi về nhóm cổ đông Kusto, The8th

    Coteccons lại đặt câu hỏi về nhóm cổ đông Kusto, The8th

    14:46, 10/06/2020

  • Thêm một nhà đầu tư

    Thêm một nhà đầu tư "tố" Ban lãnh đạo Coteccons vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp

    15:51, 09/06/2020

KHÁNH HÀ