Điều gì ngăn cản Grab và Gojek hợp nhất?
Hai “siêu ứng dụng” Đông Nam Á được cho là liên tục thảo luận về khả năng kết hợp kinh doanh của họ. Tuy nhiên, mọi việc không phải dễ dàng cho hai gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe.
Theo Bloomberg đưa tin, tỷ phú Masayoshi Son của SoftBank - nhà đầu tư của cả Grab và Gojek đang liên tục gây thêm áp lực thúc đẩy việc sáp nhập giữa hai “siêu ứng dụng” Đông Nam Á này. Theo báo cáo mới nhất, hai gã khổng lồ công nghệ hiện đang tham gia vào các cuộc gọi thường xuyên để thảo luận về một thỏa thuận khả thi.
Vướng mắc từ lợi ích đôi bên
Tuy nhiên, điểm mấu chốt quan trọng đang còn “lăn tăn” giữa hai gã khổng lồ là việc liệu cả hai có kết hợp tất cả các hoạt động hay là Grab sẽ thâu tóm các hoạt động của Gojek tại Indonesia?
Giám đốc điều hành Grab, Anthony Tan có lẽ sẽ thích việc Grab sẽ “nuốt chửng” Gojek hơn là sự kết hợp kinh doanh. Đơn giản vì nó sẽ trao cho Tan quyền “sinh sát” doanh nghiệp Indonesia với tư cách là một công ty con của Grab. Và tất nhiên, các cổ đông của Gojek không muốn điều đó xảy ra.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, Anthony Tan thèm muốn Gojek từ lâu vì mặc dù hai công ty dường như có những chiến lược hơi khác nhau nhưng lại có thể bổ sung cho nhau một cách hợp lý.
Về cơ bản, Grab tập trung nhiều vào vận tải. Trong khi đó, Gojek lại tích cực đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ của mình hơn trong vòng hai năm qua. Đơn cử như việc Gojek có các dịch vụ giải trí như GoPlay và GoGames, những thứ đó hiện đang thiếu trên nền tảng của Grab.
Và ngoài ra, Gojek cũng đang cập nhật các dịch vụ tài chính của mình bằng cách tung ra sản phẩm đầu tư vàng GoInvestasi vào đầu năm nay. Trong khi thế mạnh của Grab là các dịch vụ vận chuyển độc đáo như cho thuê xe hơi và xe điện có thể nâng cao dịch vụ của Gojek.
Hiện tại, Grab đang được định giá 14 tỷ USD và có các hoạt động tại 8 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi Gojek, có giá khoảng 10 tỷ USD và chỉ có mặt tại Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cả hai đều có tham vọng tạo ra một "siêu ứng dụng" tại Đông Nam Á với việc mở rộng từ dịch vụ gọi xe trực tuyến sang giao đồ ăn, thanh toán điện tử...
Vướng mắc từ các cơ quan quản lý
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc sáp nhập có thể đặt ra câu hỏi về sự độc quyền của thị trường. Người ta đang lo ngại về tính cạnh tranh lành mạnh khi cả hai hợp nhất, điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và việc cung cấp dịch vụ của siêu ứng dụng duy nhất.
KPPU - Ủy ban giám sát cạnh tranh của Indonesia vẫn chưa đưa ra thông báo cụ thể. Tuy nhiên, dựa trên điều luật số 5 năm 1999, KPPU có thẩm quyền đánh giá các vụ sáp nhập được thực hiện bởi các tác nhân kinh doanh đáp ứng số tiền ngưỡng từ ít nhất 2,5 nghìn tỷ IDR (169 triệu USD) hoặc tổng giá trị bán hàng ít nhất 5 nghìn tỷ IDR (338,6 triệu USD). Quy định áp dụng cho tất cả các ngành, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó, Tulus Abadi, người đứng đầu Tổ chức Người tiêu dùng Indonesia YLKI, cho rằng, nếu vụ sáp nhập xảy ra, một công ty khổng lồ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến sẽ ra đời và việc họ có thể xác định giá một cách tùy tiện và gây khó khăn hơn cho những người chơi mới tham gia vào ngành là điều dễ thấy nhất.
Trong vài năm qua, Grab đã liên tục gặp một số vấn đề với các cơ quan giám sát cạnh tranh tại các thị trường mà họ hoạt động.
Tại Singapore, Grab và Uber đã bị phạt tổng cộng lên đến 9,5 triệu USD vì thương vụ sáp nhập “nhiều uẩn khúc” của họ vào năm 2018. Cơ quan giám sát cạnh tranh nước này cũng yêu cầu Uber phải bán xe từ hoạt động kinh doanh cho thuê tại địa phương của mình cho bất kỳ đối thủ nào đưa ra mức đề nghị hợp lý.
Và trong năm ngoái, cơ quan quản lý cạnh tranh của Malaysia cũng đã đề xuất mức phạt 20 triệu USD với Grab vì phạm luật khi áp đặt các điều khoản hạn chế đối với tài xế của họ. Gần đây hơn, KPPU của Indonesia cáo buộc Grab cung cấp ưu đãi cho tài xế trong chương trình cho thuê của mình, nhưng vụ việc đã bị tòa án quận Nam Jakarta lật lại.
Có thể bạn quan tâm
SoftBank “hối thúc” một cuộc M&A giữa Grab và Gojek?
20:53, 15/10/2020
Lý do nào thúc đẩy Alibaba muốn 'rót' 3 tỷ USD vào Grab?
16:19, 24/09/2020
DOANH NHÂN - DOANH NGHIỆP TUẦN TỪ 7-12/9: Tham vọng trở thành “siêu ứng dụng” của Grab và Gojek
11:00, 13/09/2020
Lộ trình trở thành “siêu ứng dụng” Đông Nam Á của Grab và Gojek (Kỳ 2): Thiết lập nền tảng thanh toán điện tử
13:30, 11/09/2020
Tham vọng trở thành “siêu ứng dụng” của Grab và Gojek (Kỳ I): Theo bước chân WeChat?
05:05, 10/09/2020
Grab và nỗ lực chuyển mình thành “siêu ứng dụng Đông Nam Á”
04:21, 09/09/2020
Grab và Gojek sẽ "về chung một nhà"?
05:37, 05/09/2020