Cú bẻ lái của cao su Phước Hòa
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành cao su, nhưng PHR đang chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận cao trong tương lai
Những năm gần đây, mảng kinh doanh chính của các doanh nghiệp trồng cao su gặp khó khăn do giá cao su tự nhiên giảm. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp ngành này đã chuyển hướng chiến lược sang phát triển khu công nghiệp, để từ đó tạo ra lợi nhuận mạnh trong trung và dài hạn. Công ty cổ phần cao su Phước Hòa (mã chứng khoán:PHR) là một trong những doanh nghiệp như vậy.
Kết quả kinh doanh kém khả quan
PHR là một trong những công ty lớn nhất trong ngành cao su của cả nước, hiện quản lý 15.000 ha cây cao su và 3 nhà máy cao su có công suất 27.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, trong hơn 2 năm qua, giá cao su giảm mạnh, dẫn đến lợi nhuận của các công ty ngành cao su sụt giảm và PHR không phải là ngoại lệ.
Trong BCTC quý III mới công bố, CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) có doanh thu thuần đạt 391 tỉ đồng, giảm 33,6% so với cùng kì năm ngoái. Doanh thu tài chính cũng giảm mạnh từ 88 tỉ đồng trong quí III năm trước về 55 tỉ đồng trong quí III năm nay.
Trong kì, giá vốn hàng bán giảm 15,7% còn 333 tỉ đồng, kéo theo lợi nhuận gộp còn 58 tỉ đồng, bằng 30% cùng kì năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt 14,8%, giảm so với con số ghi nhận cùng kì năm ngoái là 32,9%.
Theo giải trình của lãnh đạo PHR, doanh thu quí III giảm so với cùng do quí III/2019 có ghi nhận một lần doanh thu, lợi nhuận từ cho thuê đất khu công nghiệp.
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm khoảng 30,2 tỉ đồng tương ứng giảm 39% do giảm khoản thu từ cổ tức.
Lợi nhuận khác của doanh nghiệp giảm 203,6 tỉ đồng, tương ứng giảm 63% chủ yếu do trong quí III/2019 công ty ghi nhận khoản tiền đền bù đất cho dự án khu công nghiệp là 300 tỉ đồng, cao hơn số tiền thu được ở quí III/2020.
Trong quí III, doanh nghiệp cũng thu về được 25 tỉ đồng từ thanh lí cao su và nhận 100 tỉ đồng từ thu tiền bồi thường thực hiện dự án.
Sau khi trừ đi các chi phí hoạt động, PHR ghi nhận lãi ròng sau thuế công ty mẹ đạt 165 tỉ đồng, bằng 1/3 so với cùng kì năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 886 tỉ đồng, lãi sau thuế công ty mẹ đạt 701 tỉ đồng, lần lượt giảm 24% và tăng 15% so với cùng kì. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 4 quí gần nhất đạt 4.177 đồng.
Năm 2020, công ty mẹ Cao su Phước Hòa đặt kế hoạch 2.460 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế là 1.148 tỉ đồng. Như vậy sau 9 tháng đầu năm, công ty mới hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 77% lợi nhuận trước thuế.
Tính đến thời điểm kết thúc quí III, tổng tài sản của Cao su Phước Hòa là 6.108 tỉ đồng, tăng thêm 254 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Tiền, các khoản tiền gửi ngắn hạn và dài hạn là 2.041 tỉ đồng, tăng 7% và chiếm 33% cơ cấu tài sản.
Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đạt 525 tỉ đồng, giảm 29 tỉ đồng so với đầu năm, chiếm 9% cơ cấu tài sản.
Chuyển hướng để...tìm lợi nhuận
Công ty chứng khoán Phú Hưng nhận định, năm 2020 - 2021 sẽ là giai đoạn khó khăn cho ngành cao su. Dù giá cao su đang tăng trở lại nhờ vào các chính sách chống COVID-19 đã được nới lỏng dần song đây vẫn chỉ là sự phục hồi ngắn hạn do vẫn còn một số yếu tố rủi ro có thể khiến cho thị trường hàng hóa nói chung và cao su nói riêng khủng hoảng trở lại, như đại dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới suy thoái toàn cầu; sự chậm trễ trong việc phát triển vắc-xin COVID-19...
Ngành cao su gặp khó, trong khi nhu cầu khu công nghiệp ngày càng tăng cao là động lực giúp PHR tận dụng lợi thế quỹ đất “sạch” và lớn có sẵn để chuyển đổi sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Được biết, PHR là một trong những công ty sản xuất cao su tự nhiên niêm yết lớn nhất trên sàn HOSE. Hiện doanh nghiệp này có hơn 15.900 ha quỹ đất tại tỉnh Bình Dương và 7.664 ha trồng cao su tại Campuchia.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, theo quy hoạch 2021 - 2025, diện tích thu hoạch cao su của Phước Hòa tại Việt Nam sẽ giảm xuống chỉ còn 5.000 ha, đồng nghĩa với việc 10.000 ha cao su còn lại sẽ được chuyển đổi công năng.
Trong tổng số 10.000 ha đất cao su được chuyển đổi công năng, một nửa sẽ được quy hoạch trở thành khu công nghiệp để phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đổ mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng cao.
Sở hữu vị trí đắc địa gần trung tâm công nghiệp Bình Dương, quỹ đất của PHR từ lâu đã được chính quyền địa phương hỗ trợ có thể mở rộng đất công nghiệp. Từ năm 2006 - 2019, công ty chuyển đổi khoảng 1.100 ha cao su để thành lập hai khu công nghiệp Nam Tân Uyên giai đoạn II và Tân Bình giai đoạn 1.
Theo kế hoạch của Hội đồng quản trị công ty, với quỹ đất tiềm năng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ trong tương lai, PHR sẽ chuyển nhượng 346 ha cho Dự án Nam Tân Uyên và 691 ha cho Dự án bất động sản công nghiệp VSIP III trong giai đoạn 2020 - 2021.
Mảng khu công nghiệp đang ngày càng đóng góp lớn trong cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, năm 2018 và năm 2019, mảng khu công nghiệp lần lượt đóng góp 20% và 57% tổng lợi nhuận gộp của PHR.
Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC đánh giá câu chuyện đầu tư đối với PHR là còn nhiều tiềm năng xét trong trung và dài hạn; trong đó, công ty đang xin đầu tư 3 - 4 dự án khu công nghiệp với tổng quy mô 3.000 - 3.600ha trên diện tích trồng cao su mà công ty đang quản lý.
Nếu các dự án này thông qua, PHR sẽ trở thành một doanh nghiệp khu công nghiệp có vị thế và quỹ đất sạch lớn ở khu vực phía Nam. Đây chính là điểm nhấn đầu tư lớn và quan trọng nhất của PHR nhìn trong trung và dài hạn.
Ngoài ra, xét trong ngắn hạn, công ty cũng có những tín hiệu khả quan như lợi nhuận 2020-2021 ở mức cao; tình hình tài chính tốt; lợi suất cổ tức hấp dẫn 7-9%/năm; triển vọng chung khả quan từ việc phát triển khu công nghiệp.
Có thể thấy, PHR có cơ sở để “đặt cược” kế hoạch lợi nhuận 2020 vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, rủi ro mà PHR có thể đối mặt. Trong đó, rủi ro lớn nhất đến từ vấn đề pháp lý của việc chuyển nhượng. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản công nghiệp.
“Với dự báo giá cao su tiếp tục giảm trong thời gian tới do nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm, PHR cần nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động hoạt động thu hoạch và bán hàng trong nửa đầu năm, nhằm tránh giá giảm mạnh trong nửa cuối năm”, ông Hoàng khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm