Đường sắt Việt Nam được "tiếp sức"

KHÁNH HÀ 21/02/2021 11:00

Mới đây, Quốc hội đã phê duyệt 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án ngành đường sắt. Đây được xem là sự tiếp sức cho ngành đường sắt.

Có lợi thế chạy dọc theo chiều dài đất nước, nhưng nhiều năm qua, xếp hạng năng lực vận tải của ngành đường sắt luôn đứng sau cùng, nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng quá cũ, không đồng bộ và mất an toàn.

Việc nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại sẽ giúp có thêm dư địa phát triển cho ngành.

Việc nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại sẽ giúp có thêm dư địa phát triển cho ngành.

7.000 tỷ đồng sẽ được phân thành 4 dự án, gồm: Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM (Dự án 1) với tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỉ đồng; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (Dự án 2), tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (Dự án 3), tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỉ đồng; Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (Dự án 4). Thời hạn hoàn thành dự án là hết năm 2021. Trong đó, BQL DAĐS được giao làm chủ đầu tư 3 dự án 1, 2 và 3.

Đến nay, cả 3 dự án đã được triển khai toàn bộ các gói thầu xây lắp, trong đó có một số gói thầu cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình chính như: Gói thầu XL-HNV-02 Dự án 2, Gói thầu số 15 Dự án 3, Gói thầu 01 Dự án 1 và dự kiến nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng gói thầu đầu tiên trong tháng 3-2021. BQL Dự án 85 được giao làm chủ đầu tư Dự án 4 với tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng. Theo Bộ GTVT, 4 dự án này có quy mô rất lớn với xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200 km đường sắt; gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến… Theo kế hoạch, các dự án sẽ hoàn thành trong năm nay.

Bốn dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31-7-2018 về phương án sử dụng 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

"Trong năm 2021, hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu. Đến nay, công tác triển khai thi công đã hoàn thành được 30%", ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.

Sau khi hoàn thành, các đoạn được nâng cấp sẽ cho phép tầu chạy 70km/h đối với vận tải hành khách và 50km/h với vận tải hàng hóa, đồng thời tăng công suất khai thác chạy tàu trên toàn tuyến.

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, cho biết trước đây vốn nhà nước cấp cho đường sắt rất ít nên chỉ ưu tiên nâng cấp, thay những vị trí xung yếu, đe dọa mất an toàn trước nên đoạn mới, đoạn cũ xen lẫn theo kiểu xôi đỗ, không bảo đảm dải tốc độ cả khu đoạn dài. Vì thế, tốc độ tàu cũng không nâng lên được. Khi các dự án gói 7.000 tỉ đồng hoàn thành, có thể nâng đồng nhất tốc độ chạy tàu lên 80 km/giờ.

Ông Mai Minh Việt cho biết việc thực hiện 4 dự án cấp thiết thuộc gói 7.000 tỉ đồng về cơ bản sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu. Đồng thời, từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m, tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm. Bên cạnh đó, trên trục đường sắt Bắc - Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến sẽ tăng 1,3 - 1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần. Tốc độ tàu khách tăng lên bình quân 80 km/giờ, tàu hàng là 50 km/giờ.

Chia sẻ về những mong đợi khi toàn gói 7.000 tỉ đồng hoàn thành, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết dự án sẽ tháo gỡ cơ bản những nút thắt vận tải, chủ yếu như những ga không đủ chiều dài đường đón, gửi tàu, những ga chỉ có 2 đường. Trong một khu đoạn có 10 ga thì 9 ga đón được đoàn tàu 19 toa, 1 ga chỉ đón được đoàn tàu 14 toa do đường ga ngắn nhưng khi lập tàu buộc phải lập đoàn tàu 14 toa. Điều này làm hạn chế, giảm năng lực vận tải. Với những ga chỉ có 2 đường đón gửi, khi cần tránh nhau, tàu không thể dừng tránh ở ga này, buộc phải đến ga có 3 đường. Việc chờ đợi quá lâu dẫn đến năng lực thông qua thấp, hạn chế số lượng đôi tàu thông qua trên tuyến trong ngày. "Tăng chiều dài, tải trọng đoàn tàu sẽ tăng số lượng đoàn tàu trong ngày. Ngành vận tải sẽ có cơ hội tăng sản lượng, doanh thu, trong khi vẫn tận dụng, khai thác hết công suất đầu máy, chi phí sức kéo" - ông Mạnh nói và kỳ vọng sang năm 2021, dự án sẽ được đẩy nhanh, hoàn thành đúng tiến độ để tháo gỡ khó khăn cho vận tải đường sắt trên tuyến Bắc - Nam.

Các nhà thầu tập trung nhân lực để thực hiện gói thầu cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh

Các nhà thầu tập trung nhân lực để thực hiện gói thầu cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh

Hiện toàn tuyến đường sắt tồn tại hang trăm vị trí có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt có nhiều đoạn phải chuyển tải hàng hóa, làm giảm hiệu quả khai thác của ngành.

"Trong kế hoạch trung hạn 2020 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải vẫn tiếp tục đề nghị nâng cấp cải tạo cho các điểm thiết yếu còn lại của tuyến đường sắt Bắc - Nam và làm các tuyến đường sắt kết nối với các cảng ở khu vực phía Bắc, phía Nam", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Trong khi chờ một dự án đường sắt tốc độ cao, việc nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại sẽ giúp có thêm dư địa phát triển cho ngành, nhất là về thời gian chuyên chở, tính an toàn, thuận tiện, bởi hơn 100 năm qua, hệ thống đường sắt Việt Nam chưa có những thay đổi lớn để đáp ứng xu thế phát triển chung.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết năm 2021, ngành giao thông vận tải triển khai nhiều công trình trọng điểm với tổng số vốn được giao trên 46.000 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều so với năm 2020.

Đây là một thách thức rất lớn với ngành giao thông vận tải và đòi hỏi tất cả đơn vị trong toàn ngành, nhà thầu tham gia dự án trong năm 2021 thực hiện đúng mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Đông đánh giá cao quyết tâm của các ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam để cơ bản hoàn thành trong năm 2021.

Theo ông Đông, đây là dự án hết sức đặc biệt, lâu rồi mới có nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt có tính chất tập trung như dự án này để nâng cấp hạ tầng đường sắt.

Đây là dự án kỳ vọng của cán bộ, công nhân đường sắt trong nhiều năm qua nhằm có hạ tầng khai thác vận tải đường sắt tốt hơn.

Do vậy, ông Đông đề nghị các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn thực hiện các dự án với nỗ lực cao, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để đảm bảo an toàn trong bối cảnh vừa thi công vừa chạy tàu.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục nâng cấp, cải tạo đường ngang qua đường sắt

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục nâng cấp, cải tạo đường ngang qua đường sắt

    20:14, 05/02/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

    20:12, 05/02/2021

  • Khi nào khai thác thương mại được đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

    Khi nào khai thác thương mại được đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

    00:11, 03/02/2021

  • Dự thảo Thông tư về phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt: Còn quy định cần được làm rõ

    Dự thảo Thông tư về phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt: Còn quy định cần được làm rõ

    04:30, 23/01/2021

  • “Trải thảm” mời tư nhân đầu tư đường sắt

    “Trải thảm” mời tư nhân đầu tư đường sắt

    17:48, 16/01/2021

KHÁNH HÀ