10 năm qua, chủ trương huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào vận tải đường sắt đã có, nhưng việc thu hút vẫn rất hạn hẹp.
Vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tại hai Công ty vận tải Hà Nội và Sài Gòn có thể mất hoàn toàn. Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, năm 2020, sản lượng đạt 6.828,6 tỷ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ. Năm 2020, doanh thu của VNR đạt 6.565 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2019 và tổng công ty lỗ hơn 1.300 tỷ đồng năm 2020.
Đánh giá về những thua lỗ của VNR trong năm 2020, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng, mức lỗ của VNR là tương đối cao. Vì thế, đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt cho giai đoạn tới cần làm kỹ càng để có các chính sách hút vốn tư nhân.
Bình luận về việc VNR cảm thấy áp lực từ sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé... theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, có lẽ bản thân ngành đường sắt đã quen với tư duy bao cấp, "một mình, một chợ", không phải chịu sức ép liên quan tới sản xuất kinh doanh. Không chịu đổi mới, chỉ ngồi chờ hành khách đến tận nhà ga mua vé nhưng khi thua lỗ lại xin tăng giá, hỗ trợ, khi có cơ hội thì tăng giá.
“Giải pháp thay đổi ngành đường sắt có rất nhiều, nhưng cần thiết phải học bài học từ ngành vận tải ô tô và ngành hàng không để thực hiện cải cách phương thức hoạt động, kinh doanh cho hiệu quả”, ông Đào thẳng thắn.
Có thể bạn quan tâm