Thúc đẩy kinh tế tư nhân (Kỳ 1): Hướng tới môi trường bình đẳng
Nâng cao chất lượng môi trường thể chế, phát triển kinh tế theo quy luật của thị trường là 1 trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành 1 trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
LTS: Suốt 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân với hàng loạt doanh nghiệp ngày một lớn mạnh nhưng chưa thực sự xứng với tiềm năng. Vì thế Chính phủ đang xây dựng Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế với những chính sách mạnh mẽ thích hợp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trên bình diện quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Nhiều điểm nghẽn
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường kinh doanh còn chưa thực sự thuận lợi, an toàn và thúc đẩy cạnh tranh; chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh chưa cao, còn hạn chế, đặc biệt là sự không tương thích giữa các văn bản pháp luật; các yếu tố thị trường và các loại thị trường vẫn chưa được hình thành đầy đủ và phát triển đồng bộ.
Đáng chú ý, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật chưa được cải thiện mạnh mẽ. Theo Dữ liệu Chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, chỉ số hiệu lực hoạt động của chính quyền của Việt Nam ở mức khá thấp, đạt 53,85%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Mục tiêu chính của Đề án là để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Chúng tôi xác định rõ những vấn đề mà quản lý nhà nước phải thay đổi, phải ngồi đúng vị trí để trả không gian phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách”, ông Hiếu giải thích.
Trả dư địa lại cho thị trường
Để cải thiện tình hình, Đề án đã đưa ra 5 nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ, phân loại theo các chức năng cơ bản của quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Cụ thể, nhóm giải pháp về vai trò định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế, quản lý nhà nước sẽ tập trung vào các giải pháp nhằm: nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, điều tiết vĩ mô, phát triển các doanh nghiệp vừa và lớn trong việc dẫn dắt các ngành kinh tế...
Trong nhóm giải pháp về vai trò tạo lập khung khổ chính sách, pháp luật, mục tiêu của quản lý nhà nước là nâng cao chất lượng môi trường thể chế, gỡ bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế theo quy luật của thị trường; xây dựng khung khổ thể chế, pháp luật để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số doanh nghiệp...
Nhóm giải pháp về vai trò can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế sẽ thực hiện giải pháp xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, hình thành chuỗi giá trị để thúc đẩy cạnh tranh và sự phát triển bao trùm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động khu vực doanh nghiệp nhà nước, hướng đến hình thành doanh nghiệp nhà nước đầu tàu, dẫn dắt trong nền kinh tế...
Hai nhóm còn lại là giải pháp về vai trò quản lý thị trường, thanh kiểm tra và giám sát hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức, thực thi chính sách, pháp luật.
Cần phải nhắc lại, mục tiêu tổng quát của Đề án khá tham vọng. Đó là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.
Điều này có nghĩa là các giải pháp sẽ phải được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành.
Bộ KH và ĐT vừa trình Chính phủ Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Đề án nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 10 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận Đề án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí đưa các nội dung của Đề án vào chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Có thể bạn quan tâm
Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 5): Khẳng định vị thế “sếu đầu đàn”
04:00, 18/02/2021
Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 4): 4.0, Chiến tranh thương mại, Dịch bệnh và định hướng cho nền kinh tế tư nhân
06:28, 17/02/2021
Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 3): “Vai chính” của nền kinh tế
05:00, 16/02/2021
Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 2): Bệ đỡ từ chính sách
04:00, 15/02/2021
Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 1): Xóa rào cản, bỏ định kiến
11:00, 13/02/2021