Gia nhập thị trường bán lẻ, Kido tham vọng gì?
Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) vừa ký thoả thuận với đối tác nhằm triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi cửa hàng.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, ngày 27/5, CTCP Tập đoàn KIDO (mã: KDC) đã ký thoả thuận với đối tác kinh doanh và chính thức công bố triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi cửa hàng.
Tổng số vốn đầu tư ban đầu của dự án dự kiến 100 tỷ đồng. Trong đó, KIDO sẽ tham gia với 61% vốn để nắm quyền chi phối hệ thống cửa hàng bán lẻ này. Nhiều khả năng, các cửa hàng của KIDO sẽ kinh doanh các sản phẩm do KIDO nghiên cứu từ trước đến nay như đồ uống, thực phẩm, kem,...
Doanh nghiệp cho biết vì dịch bệnh nên chưa công bố thông tin chi tiết.
KDC xuất thân là công ty trong ngành hàng thực phẩm, lợi thế hiện nay của Tập đoàn là công đoạn R&D sản phẩm, đón đầu được xu thế, khẩu vị tiêu dùng của giới trẻ. Năm 2020, KDC đã có một công cuộc tái cấu trúc toàn bộ Công ty, đưa hết những thành viên sáp nhập vào Tập đoàn. Ngoài ra, KDC cũng bắt tay với Vinamilk cùng ra mắt thương hiệu nước Vibev.
Thông tin trên không mấy bất ngờ, bởi đây có thể xem là bước đi tiếp theo cụ thể hoá kế hoạch KIDO đã từng tiết lộ trong Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6 năm ngoái.
Tại đại hội, cùng với kế hoạch quay trở mảng bánh kẹo sau 5 năm đứng ngoài cuộc chơi như thoả thuận đã ký với Mondelez, công ty cho biết sẽ tham gia vào ngành hàng tiềm năng là đồ uống qua cái bắt tay với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM).
Trước đó không lâu, một liên doanh giữa KIDO và Vinamilk đã được thành lập, trong đó tỷ lệ góp vốn lần lượt là 49% và 51%, tổng mức đầu tư không được tiết lộ.
Hai bên sẽ liên doanh sản xuất kinh doanh nước giải khát (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khỏe, trà, trà sữa... không bao gồm các loại nước có gas), sản xuất kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.
Đại diện KIDO khi ấy cho biết, liên doanh được thành lập có thể khai thác trên một triệu điểm bán, năng lực R&D, năng lực sản xuất, nguồn lực tài chính, thị trường xuất khẩu, logistics,…
Được biết, thị trường bán lẻ theo chuỗi là cuộc chơi của loạt tay lớn ngoại nội hiện nay. Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, giá trị thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam hiện đạt 1 tỷ USD mỗi năm. Các thương hiệu lớn hiện nay phải kể đến The Coffee House, Highland, Starbucks… đều đang trong cuộc đua "đốt tiền" và chưa có tín hiệu sẽ dừng tăng tốc.
Trong động thái mới nhất, Công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng chính thức đánh tiếng tham gia, trong đó Công ty TNHH The Sherpa - thành viên của Tập đoàn Masan – đã mua lại 20% cổ phần thương hiệu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam.
Trước đó không lâu, Nova Consumer - thành viên Tập đoàn No Va (Novaland) của ông Bùi Thành Nhơn - cũng thâu tóm PhinDeli. Điều đặc biệt, trước Nova Consumer, PhinDeli đã từng định bán mình cho Kinh Đô khi tập đoàn này muốn hợp tác để bước chân vào thị trường cà phê, khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, hợp tác này sau đó không trở thành hiện thực, nguyên nhân do Kinh Đô đang bận triển khai thương vụ với Mondelēz, do đó PhinDeli không còn là ưu tiên.
Hay thương hiệu ngoại, Café Amazon – ông lớn Thái Lan – đầu năm nay chính thức gia nhập và tuyên bố sẽ phủ khắp từ năm 2021.
Trong tầm nhìn dài hạn, quy mô dân số Việt Nam tăng 2% mỗi năm, dự báo đạt 106 triệu dân vào năm 2050 sẽ là dấu hiệu tốt cho các nhà bán lẻ khi thị trường được mở rộng. Nhìn vào những tiềm năng của thị trường bán lẻ, giới chuyên gia nhận định Việt Nam đang là "miền đất hứa" cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm
KIDO và chiến lược “bọc lót” cà phê
16:30, 04/03/2021
Bản tin 60s ngày 14/01: Kido Foods bán kem lãi 13 tỷ mỗi tháng
11:00, 14/01/2021
Kido Foods thêm "vị ngọt" nhờ mảng kem
02:51, 12/08/2020
TIKI – SENDO sáp nhập, VINAMILK – KIDO hợp tác: Những cái bắt tay để đấu với đối thủ ngoại?
14:39, 16/06/2020