Sự trở lại của Vimeo (Kỳ II): "Quả ngọt" đầu tiên
Năm 2017, Levin thông báo với Sud rằng Vimeo sẽ khai tử mảng dịch vụ trả tiền để tập trung vào phần mềm, đồng thời bổ nhiệm cô làm Giám đốc Điều hành Vimeo.
Nền tảng quảng cáo phổ biến
Từ đây, Vimeo cung cấp cho các đối tác doanh nghiệp những gói dịch vụ trả phí với nhiều mức giá từ 7 USD/tháng với gói cơ bản đến 20.000 USD/tháng với gói đặc biệt cho các tập đoàn lớn. Nội dung trên Vimeo hoạt động đa nền tảng và phi thương mại, các doanh nghiệp tùy ý đăng tải ở Facebook hay Twitter, hay rao bán trên Amazon hay Etsy cũng vẫn hiệu quả.
Chưa hết, nội dung trên Vimeo hoàn toàn không kèm quảng cáo, các doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm nội dung của họ sẽ không bị “cắt vụn” bởi những mẩu quảng cáo từ các doanh nghiệp khác (hoặc tệ hơn là từ chính đối thủ của họ).
Hiện tại, một số tập đoàn toàn cầu như hãng tư vấn tài chính Deloitte, hãng đồ nội thất Pottery Barn, chuỗi cửa hàng dược phẩm Rite Aid hay công ty truyền thông Forbes đều đang tận dụng phần mềm của Vimeo để đăng tải các nội dung tập huấn và làm quen doanh nghiệp, cũng như phát trực tiếp các hoạt động nội bộ cho nhân viên trên toàn thế giới.
Cùng lúc đó, hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng dùng Vimeo để phân phối quảng cáo, ra mắt sản phẩm và hướng dẫn khách hàng.
Mặc dù Vimeo đã thất bại với dịch vụ xem trực tuyến trả phí của chính mình, nhưng rất nhiều cá nhân đã dùng nội dung phát triển trên Vimeo để quảng cáo trên các nền tảng xem trực tuyến trả phí khác như Apple TV của Apple, Fire TV của Amazon, hay Xbox của Microsoft.
Quả ngọt và tương lai phát triển
Với độ phủ sóng tăng lên, tình hình kinh doanh cũng khả quan hơn cho Vimeo: trước khi dịch COVID-19 hoành hành, lợi nhuận công ty tăng 27% trong quý IV năm 2019, và rồi nhu cầu của thế giới tăng vọt trong mùa dịch khi hầu như mọi doanh nghiệp đều cần đến nền tảng trực tuyến để duy trì quảng bá và kinh doanh. Vimeo nhờ thế được hưởng lợi khi tăng cường đội ngũ nhân viên, đồng thời mở rộng công nghệ cùng các dịch vụ khách hàng.
Quý IV năm 2020, doanh thu nội dung trên Vimeo đạt 84 triệu đô - tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng đơn vị đăng ký dịch vụ đạt 1,5 triệu - tăng 25%, còn lợi nhuận thì gần chạm mức 300 triệu đô. Tháng 11 năm đó, Vimeo huy động 150 triệu đô từ hãng đầu tư Thrive Capital (Mỹ), 2,8 tỉ đô từ GIC (một quỹ đầu tư quốc gia của Singapore).
Đến đầu năm 2021, Vimeo lại nhận thêm 300 triệu đô từ các hãng đầu tư T. Rowe Price và Oberndorf Enterprises, nâng tổng giá trị công ty lên gần 6 tỉ đô. Cùng thời điểm này, tập đoàn IAC đang có kế hoạch biến Vimeo thành công ty độc lập với trị giá 10 tỉ đô (theo định giá của ngân hàng Bank of America).
Về phần mình, nữ giám đốc điều hành Sud vẫn đang tập trung xây dựng môi trường làm việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến giữa bối cảnh dịch bệnh: các sự kiện và hội nghị ảo được thiết kế trực quan, tương tác và gần gũi hơn, hay trí thông minh nhân tạo (AI) được ứng dụng để biến đoạn phim thô thành những nội dung quảng cáo hấp dẫn đối với các ngành như nhà hàng và bất động sản.
Ngoài ra, Sud tin rằng khi Vimeo trở nên độc lập, công ty sẽ dễ dàng thu hút nhân tài, mua lại các công ty khác, quảng bá thương hiệu và cung cấp dịch vụ cho nhiều đối tác doanh nghiệp lớn hơn.
Vị CEO 37 tuổi bộc bạch về chặng đường lên làm nữ tướng chỉ sau bốn năm gia nhập Vimeo như sau: “Tôi khá độc đáo trong thế giới này khi vừa là một người phụ nữ, một người mẹ, vừa là một giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ, nhưng tôi rất phấn khích khi đóng góp quan điểm và phong cách của mình vào ngành này, và mọi thứ chắc chắn sẽ rất thú vị.”
Có thể bạn quan tâm