Chiến lược hay sự tụt hậu của Nikon?
Tập đoàn Nikon thông báo họ sẽ kết thúc việc sản xuất máy ảnh kỹ thuật số phản xạ ống kính đơn trong nước vào đầu năm sau. Liệu đây có phải là bước lùi cần thiết cho “gã khổng lồ” Nhật Bản?
Cùng với Canon, Sony hay Fujifilm, “gã khổng lồ” máy ảnh kỹ thuật số Nikon đã từng có thời điểm dẫn đầu ngành. Song, quá khứ "vàng son" đã lùi vào dĩ vãng khi những năm gần đây, họ đang gặp nhiều khó khăn trước nhu cầu bởi sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh và các mẫu máy ảnh không gương lật(Mirrorless) nhỏ gọn của các đối thủ.
Theo Hiệp hội Máy ảnh & Sản phẩm Hình ảnh Nhật Bản cho biết, mối quan tâm đến thị trường máy ảnh kỹ thuật số cũng đang giảm đi rõ rệt. Các lô hàng trong và ngoài Nhật Bản đã giảm từ 1,4681 nghìn tỷ Yên (13,43 tỷ USD) vào năm 2012 xuống còn 420,1 tỷ Yên(3,9 tỷ USD) vào năm 2020.
Đặc biệt, doanh số bán máy ảnh phản xạ ống kính đơn (Digital single lens reflex – DLSR) cũng không còn phổ biến như trước đây. Các chuyên gia cho rằng, những tiến bộ ngày càng tăng trong công nghệ máy ảnh điện thoại thông minh đã làm suy yếu nghiêm trọng sự phổ biến toàn cầu của các loại máy ảnh sản xuất tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng là một “cú đấm bồi” với các nhà sản xuất máy ảnh kỹ thuật số của Nhật Bản trong thời điểm thị trường đang thu hẹp dần.
Nikon đã báo cáo doanh số bán hàng năm giảm 23,9% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2021 với doanh thu hàng năm chỉ là 450 tỷ yên. Khoản lỗ hoạt động lên tới 65 tỷ yên, trong khi lợi nhuận hoạt động là 6,7 tỷ yên đã được ghi nhận trong năm trước.
Có lẽ điều này đã tác động mạnh đến bước đi chiến lược của Nikon. Giờ đây, họ cho biết sẽ ngừng sản xuất dòng máy ảnh DSLR tại Nhật Bản và dòng D6 dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sẽ được chuyển từ tỉnh Miyagi ở đông bắc nước này đến cơ sở sản xuất cốt lõi của công ty ở Thái Lan.
“Chúng tôi có một hệ thống để đảm bảo chất lượng vượt trội cho dù sản phẩm được sản xuất ở bất cứ đâu”, đại diện Nikon cho biết.
Có thể coi động thái này sẽ đánh dấu sự kết thúc việc sản xuất dòng máy ảnh DSLR của Nikon tại Nhật Bản, kể từ những năm 1948. Tuy nhiên, hãng sẽ tiếp tục sản xuất các bộ phận liên quan và ống kính dự phòng tại Nhật Bản.
Ichiro Michikoshi, nhà phân tích, giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu BCN cho rằng, rõ ràng Nikon đã tụt hậu so với Sony và Canon trong lĩnh vực máy ảnh không gương lật(Mirrorless), mặc dù Nikon cùng với Canon từ lâu đã trở thành hai nhà cung cấp hàng đầu về các mẫu máy hiệu suất cao trên toàn thế giới.
“Ấn tượng của tôi là Nikon đã tụt hậu một cách khủng khiếp, Sony đã nhanh chóng tăng cường sự hiện diện của mình với các sản phẩm được trang bị cảm biến hình ảnh lớn. Trong khi đó, các mẫu đầu tiên do Nikon và Canon phát hành chủ yếu là các sản phẩm được thiết kế để phục vụ cho các nhiếp ảnh gia mới tập tành”, Ichiro Michikoshi cho biết.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, sự đi xuống của Nikon gắn liền với sự chậm trễ trong việc sản xuất máy ảnh không gương lật, cho phép đặt các cảm biến có độ phân giải cao bên trong các máy ảnh nhỏ hơn, nhẹ hơn.
Tuy vậy, Ikegami Hiroyuki giám đốc điều hành của Nikon vẫn rất lạc quan vào sự hồi phục của Nikon, với bằng chứng là sự nổi tiếng của dòng máy ảnh Z-series.
"Thị trường máy ảnh Mirrorless vẫn đang có những bước phát triển mặc dù thị trường chung đang thu nhỏ lại. Tại Nikon, các sản phẩm tạo nên cốt lõi của hoạt động kinh doanh đang phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của thị trường và hãng cũng đã chuyển hướng để phục vụ những người dùng cao cấp, hiểu về giá trị của sản phẩm”.
Có thể nói, việc đóng cửa là một phần trong kế hoạch tái thiết của Nikon nhằm giảm chi phí hoạt động tổng thể xuống 59%. Và với việc Nikon phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ và một thị trường đang thu hẹp tổng thể, không có gì ngạc nhiên khi Nikon đã đưa ra quyết định đáng tiếc này.
Mặc dù ban đầu đây có thể là một tin xấu đối với cả công ty và toàn ngành, nhưng đây cũng là một động thái tốt cho Nikon. Bằng cách hợp lý hóa hoạt động kinh doanh của mình, Nikon hy vọng sẽ đảm bảo vị thế của mình trong tương lai.
Trong quá khứ, nhiếp ảnh chuyên nghiệp đã có từ rất lâu đời ở một số quốc gia phát triển. Và các loại máy ảnh phản xạ ống kính đơn của Nikon, được đánh giá rất chắc chắn và là mẫu máy ảnh được các nhiếp ảnh gia chiến trường lựa chọn trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới, đặc biệt nổi tiếng trong các cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, phong trào nhiếp ảnh đã được hội nhập từ nước ngoài, thậm chí trước cả thế chiến thứ hai, dưới chế độ Pháp thuộc. Tuy nhiên, phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật vẫn chưa thực sự được chú ý cho đến khi cố nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng Võ An Ninh cho xuất bản bộ ảnh "Nạn Đói 1945", tạo tiền đề cho sự phát triển nền nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam bởi tính mới mẻ và tinh thần phản ánh hiện thực sâu sắc.
Có thể bạn quan tâm
Ai sản xuất được máy ảnh nhiệt, kẻ đó "hốt bạc"!
05:00, 11/04/2020
Một thập kỷ camera điện thoại rút ngắn khoảng cách với máy ảnh chuyên nghiệp
07:00, 22/02/2020
Amazon gặp lỗi, bán máy ảnh và ống kính trị giá hơn 13.000 USD ở mức 100 USD
09:46, 19/07/2019
Chuyện chưa kể về người đứng sau "ông trùm" phân phối Canon tại Việt Nam
03:00, 28/12/2020