Cơn "đau đầu" của các doanh nghiệp FDI (Kỳ 2): “Gồng mình” trong dịch bệnh
Mặc dù đã đi qua các làn sóng dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp FDI hiện tại vẫn đang “đau đầu” vì các khoản chi phí phát sinh trong và ngoài sản xuất kinh doanh.
- Cơn "đau đầu" của các doanh nghiệp FDI (Kỳ 1): “Đỏ mắt” tìm nhân lực
Doanh nghiệp “loay hoay” trong dịch bệnh
Vào thời điểm quý III của năm 2021, khi nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam đồng loạt giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã gặp những thách thức không nhỏ, trong đó các doanh nghiệp FDI cũng là những người thiệt hại nặng nề.
Theo một khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đã có tới 18% số đơn hàng của doanh nghiệp thành viên phải dịch chuyển sang các thị trường khác, 1/3 số thành viên của Hiệp hội phải tìm mọi cách để đa dạng chuỗi cung ứng, hoặc tìm hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Riêng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc hầu như không hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu giãn cách “ba tại chỗ”, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ cũng bị tác động bởi việc kiểm soát hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Thời điểm đó, việc áp dụng chính sách “ba tại chỗ” do Chính phủ ban hành đã tiêu tốn một khoản chi phí lớn của doanh nghiệp để đảm bảo việc thực thi đáp ứng đủ các yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề ăn, ở, sinh hoạt và xét nghiệm thường xuyên cho nhân viên.
Các doanh nghiệp nhỏ không thể đáp ứng được buộc phải tạm dừng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp lớn hơn, đông người lao động hơn lại càng phải chi trả một khoản rất lớn nhưng chỉ sản xuất cầm chừng và kinh doanh không mấy hiệu quả.
Chia sẻ trong talkshow Nguy – Cơ do VnExpress thực hiện, bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, khi làn sóng thứ tư ập tới, không chỉ các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn mà các công ty FDI cũng gặp nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp đã không thể duy trì hoạt động, hoặc nếu có cũng chỉ cầm chừng.
Còn theo ông Jonathan Moreno, Tổng giám đốc Diversatek Việt Nam cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi phải chi ra gấp đôi số tiền chỉ để sản xuất 50% sản lượng. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác còn không hề sản xuất mà chỉ làm việc để đảm bảo tinh thần nhân viên khi phải ở lại công ty 24/24".
- Hải Dương: Bùng phát ổ dịch mới tại doanh nghiệp FDI
- Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Mỹ
Và thách thức vẫn còn trước mắt
Song, kể cả cho đến thời điểm hiện tại, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp FDI nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động vẫn đang “gồng mình” thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Theo chia sẻ của Trưởng bộ phận hành chính nhân sự của một doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp có đến hàng nghìn công nhân, những chi phí phát sinh và thiệt hại do dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.
“Doanh nghiệp chúng tôi vừa phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho linh hoạt để đảm bảo đáp ứng đơn hàng của khách hàng, vừa phải làm tồn kho an toàn để tránh việc dừng dây chuyền sản xuất do các công ty vệ tinh cung cấp phụ kiện bị dịch bệnh làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung cấp”, ông Trưởng bộ phận hành chính nhân sự cho biết.
Ông chia sẻ thêm, trong khi doanh nghiệp vẫn đang phải “gồng mình” với hàng loạt các chi phí phát sinh để ứng phó với dịch bệnh, vừa để đảm bảo an toàn cho nhà máy và vừa thực hiện theo các yêu cầu chỉ đạo của chính quyền. Việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc liên tục hàng ngày đã “ngốn” một khoản tiền không hề nhỏ.
Thêm vào đó, số tiền lương phải chi trả cho các nhân viên phải thực hiện cách ly do tiếp xúc và nhiễm bệnh, trong khi sản xuất thì cầm chừng. Và kể cả có tiếp tục sản xuất được thì việc điều chỉnh thay thế nhân sự bị động cũng ảnh hưởng đáng kể tới năng suất, chất lượng của sản phẩm dẫn đến việc chi phí tăng lên.
Ngoài ra, số tiền chi phí cho việc duy trì khoảng cách và khử khuẩn cũng không hề ít, việc phải chia giãn các ca ăn, ca làm việc, lắp vách ngăn các vị trí làm việc, mua hóa chất và nhân lực để thực hiện khử khuẩn… đã làm cho lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm trong khi khách hàng lại liên tục yêu cầu giảm giá. Chỉ riêng việc cố định tuyến và giảm bớt số người sử dụng xe bus của công ty đã là một khoản phát sinh không hề nhỏ.
Chưa hết, các biện pháp chống dịch tại các địa phương nhiều khi mang tính chất cực đoan, thà “bắt nhầm hơn bỏ sót”, gây lãng phí nguồn nhân lực, tiền lương và các chi phí phát sinh khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để giữ chân người lao động trong thời điểm này, tiền lương, thưởng trợ cấp, thưởng Tết, phúc lợi vẫn bắt buộc phải duy trì trong khi sản lượng hàng hóa của hầu hết các doanh nghiệp đều bị sụt giảm, dẫn đến gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp và có không ít đã “chùn chân, mỏi gối”.
Trên thực tế, không chỉ các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, những doanh nghiệp FDI cũng đang phải đối diện với tình trạng thua lỗ ngay trước mặt nếu không có sự hỗ trợ từ các quyết sách thiết thực của Chính Phủ.
Nhưng kể cả như vậy, những doanh nghiệp này cũng đang tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khi chi phí vận chuyển đã tăng gấp 4-5 lần so với một năm trước…
Có thể bạn quan tâm
Cơn "đau đầu" của các doanh nghiệp FDI (Kỳ 1): “Đỏ mắt” tìm nhân lực
11:00, 25/01/2022
Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 440 tỷ USD
03:30, 24/12/2021
Hải Dương: Bùng phát ổ dịch mới tại doanh nghiệp FDI
19:52, 30/11/2021
Doanh nghiệp FDI "kêu cứu": Tiền Giang mong muốn doanh nghiệp sản xuất trong sự an toàn!
13:20, 21/10/2021
Tiền Giang: 19 doanh nghiệp FDI gửi thư "cầu cứu" Thủ tướng
03:02, 21/10/2021
Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI
05:00, 20/10/2021
Hà Nội đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI
10:43, 19/10/2021
Doanh nghiệp FDI thích ứng với đại dịch và cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam
03:33, 27/09/2021