Tham vọng của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn với IPP Air Cargo
Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh sự phát triển của thương mại điện tử, khiến nhu cầu vận chuyển hàng không tăng cao. Đó có lẽ là động lực để ông Johnathan Hạnh Nguyễn toan tính với IPP Air Cargo.
>>>Vận tải hàng không nỗ lực phục hồi sau “bão dịch”
Khởi đầu mới
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi nhà đầu tư về việc thẩm định hồ sơ lập IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Theo Cục Hàng không cho biết, thành phần hồ sơ đề nghị thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo về cơ bản hợp lệ.
Và trong tuần từ ngày 14-18/2/2022, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có buổi làm việc với Công ty Cổ phần IPP Air Cargo để thẩm định hồ sơ cấp giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không của doanh nghiệp. Sau đó, Cục Hàng không sẽ báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải kết quả cuộc họp thẩm định trong thời hạn 20 ngày làm việc.
Trên thực tế, từ năm 2021 tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đã có quyết tâm và tham vọng thực hiện dự án hãng bay IPP Air Cargo, một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế.
Công ty Cổ phần IPP Air Cargo đề xuất thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
- Hàng không Việt Nam năm 2022: Ánh sáng nơi cuối đường hầm
- Hàng không giá rẻ Mỹ muốn "mượn gió" để vươn xa
Tận dụng tiềm năng
Trên thực tế, vận tải hàng không là một trong những thành phần của nhiều mạng lưới hậu cần quốc tế, quản lý và kiểm soát luồng hàng hóa, năng lượng, thông tin và các nguồn lực khác như sản phẩm, dịch vụ và con người, từ nguồn sản xuất đến thị trường.
Trong đó, vận tải hàng hóa hàng không là một ngành quan trọng giúp duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động cho các nguyên liệu phụ thuộc vào thời gian. Kể từ khi chuyến bay vận chuyển hàng không đầu tiên diễn ra vào năm 1910, ngành công nghiệp này đã phát triển bất chấp nhiều thách thức trong suốt những năm qua.
Hiện tại, trên thế giới đang có rất nhiều hãng hàng không chuyên biệt chở hàng nổi tiếng. Thí dụ như FedEx Express với lịch sử 50 năm trong tư cách là nhà điều hành hàng hóa bằng đường hàng không, cung cấp các gói hàng và hàng hóa đến hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ngày nay, hãng hàng không có trụ sở tại Hoa Kỳ là hãng hàng không vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới về quy mô đội bay với tổng cộng 684 máy bay.
Hay như United Parcels Service (UPS), công ty chuyển phát nhanh của Mỹ hãng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lớn thứ hai thế giới về số lượng vận chuyển hàng hóa đang hoạt động, phục vụ hơn 220 quốc gia sử dụng kết hợp hơn 500 UPS và máy bay thuê bao.
Đứng thứ ba thế giới hiện tại đang là DHL Aviation, một công ty con của tập đoàn chuyển phát nhanh khổng lồ DHL Express, bắt đầu hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vào năm 1969.
Ngày nay, gã khổng lồ chuyển phát của Đức có tổng cộng 191 máy bay chuyên chở hàng hóa với độ tuổi trung bình của các máy bay trong đội là 22. Phần lớn là các chuyên cơ vận tải do Boeing sản xuất.
Và toan tính của ông Johnathan Hạnh Nguyễn
Đó là trên thế giới, còn ở Việt Nam, hiện tại gần như không có hãng hàng không chở hàng hóa chuyên biệt, mà chỉ có một số hãng hàng không chở hàng là một bộ phận hoặc công ty con của các hãng hàng không chở khách lớn hơn như là Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways…
Nếu như trước đại dịch COVID-19, các hãng hàng không Việt Nam hầu hết đều không mặn mà gì với việc vận chuyển hàng hóa. Nhưng, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều hãng bay suy kiệt, vận tải hàng hóa lại trở thành một cứu cánh để bù đắp một phần doanh thu. Các hãng đều quay sang thực hiện các chuyến bay chở hàng hóa, nhằm tăng thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại.
Tuy nhiên, do không phải là các máy bay chuyên dụng trong vận chuyển hàng hóa, việc tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hóa chỉ là một giải pháp mang tính nhất thời, không có hiệu quả lâu dài.
Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy, việc hầu hết các quốc gia nới lỏng các lệnh cấm vận bắt đầu từ tháng 5 năm 2021, cùng với sự tăng trưởng thương mại điện tử và sức mạnh của hoạt động sản xuất đã giúp hàng hóa bằng đường hàng không phục hồi nhanh chóng theo tiến độ của năm.
Ở thời điểm hiện tại, không chỉ nhu cầu vận tải hàng không trên thế giới tăng cao, mà cả ở Việt Nam cũng đang ở mức cầu vượt quá cung. Chính điều này đã khiến cho các hãng hàng không vận tải hàng hóa quốc tế đang chiếm lĩnh hẩu hết thị phần của Việt Nam.
Có lẽ trên thực tế, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã nhìn thấy một cơ hội thực sự và ông ngay lập tức bắt tay và thực hiện khi đề xuất thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, chuyên biệt về chở hàng hóa nội địa và quốc tế.
Về lý thuyết, việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo sẽ góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam cũng như góp phần bình ổn giá cước vận chuyển hàng hóa, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế. Nhưng, trên thực tế đây có thể được coi là một bước đi chiến lược, hợp lý và đúng thời điểm của vị tỷ phú này.
Ban đầu, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị IPP Air Cargo cho biết, họ đã đạt thỏa thuận mua 10 chiếc Boeing 777 Freighter trị giá 3,5 tỷ USD để lập hãng bay chở hàng sau dịch. Số máy bay này là đặt hàng trước và khi được cơ quan chức năng cấp phép, IPP Air Cargo sẽ có sẵn đội bay hùng hậu để triển khai kinh doanh, đồng thời đưa hãng bay này thành hãng hàng không vận tải hàng hóa lớn bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Có thể bạn quan tâm
Hàng không giá rẻ Mỹ muốn "mượn gió" để vươn xa
03:08, 10/02/2022
Hàng không Việt Nam năm 2022: Ánh sáng nơi cuối đường hầm
02:49, 02/02/2022
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Mua trước trả sau "lan" sang hàng không
04:08, 30/01/2022
Vận tải hàng không nỗ lực phục hồi sau “bão dịch”
03:30, 30/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phục vụ Tết Nguyên đán tại sân bay Nội Bài
22:11, 25/01/2022
Ngân hàng không nghỉ Tết
08:00, 24/01/2022
Nhu cầu tăng mạnh, hàng không mạnh mẽ tăng tốc cuối năm
16:44, 17/01/2022