Viettel Money “song kiếm hợp bích”
Sau khi được cấp phép thử nghiệm tiền di động Mobile Money (MM), Viettel nhanh chóng ra mắt thương hiệu Viettel Money (VM) đồng thời gộp luôn mảng ví điện tử Viettel Pay (VP) vào thương hiệu này.
>>>Giấc mơ Viettel Post
Với cả tiền di động và ví điện tử trong tay, Viettel Money như đang hai tay hai súng tấn công được thị trường thanh toán điện tử cả thành thị lẫn nông thôn.
Thâm nhập nông thôn
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo người dân Việt Nam có đến 70% không có tài khoản ngân hàng. Chính vì vậy, để triển khai một công cụ thanh toán không tiền mặt như ví điện tử chẳng hạn, thì khá phức tạp và khó khăn.
Khu vực này tuy ít người sử dụng thẻ ngân hàng, nhưng gần như ai cũng có điện thoại di động với chức năng cơ bản nghe gọi hoặc điện thoại thông minh giá rẻ.
Mảng tiền di động Mobile Money lại có các tính chất rất thích hợp với các khu vực này vì người dân chỉ cần điện thoại di động, đăng ký với nhà mạng là có thể sử dụng tiền di động được luôn.
Chính vì thế, trước khi xuất hiện ở Việt nam, tiền di động đã triển khai thành công ở nông thôn thuộc hơn 95 quốc gia với 372 triệu thuê bao trên toàn thế giới (theo Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu GSMA).
Tại lĩnh vực này, Viettel đang sở hữu ưu thế lớn khi họ có tới gần 70 triệu thuê bao đồng thời vùng phủ sóng lên tới 99% lãnh thổ Việt Nam. Số lượng thuê bao tại nông thôn, vùng sâu vùng xa, Viettel chiếm đa số.
Thành thử, Viettel Money với tiền di động có khả năng trở thành một công cụ sắc bén để tấn công mạnh mẽ vào thị trường thanh toán không tiền mặt đang bỏ ngỏ ở khu vực nông thôn khi thừa hưởng lợi thế của công ty mẹ: có nhiều thuê bao sử dụng nhất Việt Nam, nắm trong tay thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Không quên thành thị
Tiền di động rất thích hợp với khu vực nông thôn nhưng không hẳn có lợi thế ở thị trường thành thị. Tại đây, tiền di động với các tính chất hiện tại thì khá khó khăn khi cạnh tranh với các ví điện tử và các công cụ thanh toán của ngân hàng.
- Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
- Viettel: Công bố ra mắt hệ sinh thái tài chính số Viettel Money
Tại thành thị, hầu như mỗi người đều có tài khoản ngân hàng, nhiều loại thẻ thanh toán, cùng với nhiều loại ví điện tử. Hạn mức của các hình thức thanh toán này lại tương đối cao hơn so với hạn mức 10 triệu của tiền di động. Thành thử, tiền di động chưa đủ hấp dẫn để khiến người tiêu dùng chuyển từ các hình thức thanh toán không tiền mặt đang có, vốn đang rất thuận lợi, sang tiền di động.
Lúc này, ví điện tử của Viettel Money sẽ phát huy sức mạnh. Mặc dù ra đời khá muộn (2018), nhưng ví VP đã được Viettel chú trọng đầu tư để nhanh chóng vươn lên thứ 2 thị trường, chỉ sau Momo với 15 triệu người sử dụng (theo Appota). Ví điện tử của Viettel ở đây đang thể hiện vai trò giữ chặt, “chiếm đóng” mảng thị trường này cho Viettel Money.
Thế nên, ngay khi họ được phép triển khai thử nghiệm tiền điện tử, họ đã tạo ra một thương hiệu mới, Viettel Money, và gom cả ví điện tử lẫn tiền di động vào thành một. Một đơn vị chiến đấu chia hai đường đánh hai chiến trường khác nhau, một “chiếm đóng” thành thị, một “tấn công” nông thôn.
Chính Phó Tổng Giám đốc Viettel Trương Quang Việt cũng có ý như vậy khi nói: “Việc ra mắt Viettel Money không phải là sự thay đổi đơn thuần về mặt tên gọi thương hiệu từ Viettel Pay”.
Có thể thấy, với công cụ tiền di động tấn công thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa, cùng với ví điện tử “chiếm đóng” thị trường thành thị, Viettel Money dường như đang nổi bật lên với “một công một thủ”, thâm nhập nông thôn đồng thời giữ chặt thành thị ở mảng thị trường thanh toán không tiền mặt.
Có thể bạn quan tâm
Hành trình đi lên và sụp đổ của đại gia thủy sản Phương Nam
11:11, 18/02/2022
Chỉ định nhà thầu cao tốc Bắc – Nam phía đông: Cần “chọn mặt gửi vàng”
00:26, 18/02/2022
Giảm thuế VAT về 8%: Doanh nghiệp “bối rối"
16:42, 17/02/2022
Doanh nghiệp vận tải biển sẽ thiết lập nền lợi nhuận mới
16:00, 17/02/2022