Quy hoạch điện từ góc nhìn doanh nghiệp: Gỡ vòng “luẩn quẩn” cho điện sạch
Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và đầu tư Đại Sơn chia sẻ với DĐDN chia sẻ về những khó khăn, thách thức và cơ hội trong phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.
>>Lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách
LTS: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây đã có yêu cầu Bộ Công Thương triển khai rà soát một cách toàn diện, công tâm, khoa học, khách quan trong xây dựng Quy hoạch điện VIII với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiết kiệm chi phí đầu tư xã hội.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đây là một quy hoạch khó, vì phải giải bài toán tổng hợp các yếu tố: đặt nguồn điện ở đâu, vừa tính toán lượng hao hụt khi phải truyền tải điện đi xa, vừa phải bảo đảm phụ tải, bảo đảm giá thành hợp lý, đồng thời phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
- Thưa ông, ở góc độ doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ những “rào cản” khó vượt qua khi “soi chiếu” vào quy hoạch điện VIII?
Trong 3 năm qua, các doanh nghiệp thực hiện các dự án năng lượng điện gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, hàng loạt dự án không kịp vận hành để hưởng các ưu đãi. Bởi trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát với mức độ vô cùng nghiêm trọng tại Việt Nam, các công ty đầu tư trong lĩnh vực năng lượng điện mặt trời và điện gió dù có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể triển khai. Cũng đã có một số dự án đấu nối được nhưng không có giá điện nên vẫn phải để ‘treo” và có thể bị cắt không cho đấu nối vào đường truyền tải điện quốc gia.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu để xây dựng dự án thì cũng là tiền huy động của người dân. Khi các dự án không khai thác được thì việc doanh nghiệp rơi vào tình cảnh phá sản là điều nhìn thấy trước, do lãi suất vay ngân hàng vẫn phải trả. Và quan trọng hơn, niềm tin của thị trường và người mua trái phiếu không còn. Đây là bài toán kinh tế “luẩn quẩn” mà nếu chúng ta không giải quyết được sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ.
- Ở góc độ doanh nghiệp, bài toán kinh tế “luẩn quẩn” này nên được giải quyết bằng cách nào, thưa ông?
Các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học đã có hàng trăm văn bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng. Tuy nhiên, công việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đó là, quy hoạch điện VIII đến ngày hôm nay vẫn chưa xong dù quy hoạch điện VII hết hiệu lực từ rất lâu. Giá điện mới cũng chưa xong vì “mỗi lần trình một giá”.
Bên cạnh đó, về đường truyền tải điện, luật đã cho phép thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công-tư), vậy tại sao chúng ta không làm? EVN cũng đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, châu Âu đã đầu tư 80 triệu euro không lấy lãi suất để làm truyền tải. Việc chia lợi nhuận trên đường truyền tải là do các cơ quan chức năng và nhà đầu tư bàn thảo để tìm ra giải pháp hợp lý nhất. Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư FDI yêu cầu điện thương phẩm cùng có lợi là giải pháp không có gì khó khăn.
Tôi cho rằng, điều tiết hay không điều tiết, phát triển hay không phát triển cũng là do chính chúng ta. Do đó, cần hài hòa lợi ích quốc gia, nhà đầu tư, người dân.
>>Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giảm nhiệt điện, tăng điện gió
So với các phương án đã trình trước đây, dự thảo quy hoạch điện VIII lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, tiết kiệm đầu tư đường dây khoảng 13 tỷ USD.
(Nguồn: Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- So với các phương án đã trình trước đây, Quy hoạch điện VIII lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Đây sẽ mở đường cho xu thế đầu tư năng lượng tái tạo, thưa ông?
Có hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, là tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng.
Thứ hai, đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh); Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ tại Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030.
Việc giảm điện hoá thạch là xu hướng của toàn thế giới, trong khi Việt Nam cũng đang hội nhập sâu. Chúng ta cần biết rằng, các nhà đầu tư FDI cũng yêu cầu phải sử dụng điện thương phẩm, tức là điện năng lượng tái tạo để không gây ô nhiễm môi trường, dù có phải trả giá cao hơn họ vẫn chấp nhận. Bởi vì chúng ta đang bảo vệ một hệ hành tinh xanh, bảo đảm một nền kinh tế tuần hoàn.
Cho nên tôi thấy rằng, doanh nghiệp và quốc gia đang cần một quy hoạch điện VIII với tinh thần tích cực, đẩy mạnh năng lượng tái tạo, tận dụng được những lợi thế “trời cho” để phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII trước ngày 25/4
Trước ngày 25/4, Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức họp để hoàn thiện nội dung Quy hoạch điện VIII. Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
So với phương án Bộ Công Thương trình vào tháng 3/2021 thì tổng công suất nguồn điện giảm khoảng 35.000 MW, khối lượng đường dây 500 kV, 220 kV giảm khoảng 2.000 km; qua đó giảm nhu cầu vốn đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000MW với cơ cấu các loại nguồn điện như báo cáo của Bộ Công thương. Quy mô này đáp ứng đầy đủ nhu cầu công suất phụ tải điện cực đại dự báo đến năm 2030 vào khoảng 93.300MW, có mức độ dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền.
Về dài hạn đến năm 2045, Hội nghị thống nhất cơ bản quyết tâm chung thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; Ngành điện sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện khoảng 400.000MW.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 20/04: Quy hoạch điện từ góc nhìn doanh nghiệp
05:25, 20/04/2022
Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giảm nhiệt điện, tăng điện gió
03:00, 28/02/2022
Ba vấn đề cần quan tâm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII
10:00, 02/01/2022
Quy hoạch điện 8: "Ưu ái" điện than là không phù hợp với xu thế
15:09, 04/11/2021
Quy hoạch điện VIII: Điện gió ngoài khơi ở đâu?
08:00, 04/10/2021