Bản dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) mà Bộ Công Thương đã trình cho Thủ tướng vẫn nặng về điện than, đây có phải là bản quy hoạch thụt lùi?
“Cường quốc” nhiệt điện than
Giữa lúc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 thì Bản dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) vẫn đang nằm trên bàn Thủ tướng chờ phê duyệt theo Tờ trình 6277/TTr-BCT của Bộ Công Thương ngày 8/10/2021. Liệu Thủ tướng có nên ký duyệt thông qua hay phải yêu cầu tiếp tục chỉnh sửa?
Dù là một bản quy hoạch ngành, nhưng QHĐ8 không chỉ liên quan đến ngành điện mà còn là tấm gương phản chiếu mô hình tăng trưởng của Việt Nam, có tính quyết định đến chất lượng môi trường, chất lượng sống và sức khỏe người dân Việt Nam ở hiện tại và tương lai. Không dừng lại ở đó, QHĐ8 còn là bằng chứng để thế giới đánh giá về những cam kết và trách nhiệm về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Trong khi phải trì hoãn mục tiêu “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thêm 10 năm tới thì Việt Nam đã bộc lộ muốn thành “cường quốc” nhiệt điện than. Dù quy mô hệ thống điện Việt Nam chỉ xếp thứ 23 thế giới, nhưng chính nhiệt điện đã đưa Việt Nam trở thành “người hùng” nhập siêu than. Vị thế như được củng cố và tăng cường nhờ việc đề xuất xây thêm 27 nhà máy điện than trong 15 năm tới theo QHĐ8.
Dịch Covid đã và đang đe dọa, gây tổn thương rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nguy cơ khủng hoảng tài chính là điều khó tránh khỏi, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vậy, nguồn vốn từ đâu để xây dựng 27 nhà máy điện than theo QHĐ8? Thực tế cho thấy, thế giới đã cấm nhiệt điện vì vấn nạn môi trường, làm tăng hiệu ứng nhà kính và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã từ chối cho vay vì họ không muốn tiếp tay cho ô nhiễm.
“Đổ tội” cho điện sạch
Trong 2 năm qua, năng lượng tái tạo (NLTT) mà điển hình là điện mặt trời (ĐMT) đã là “vị cứu tinh” để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng cho Việt Nam. Ngoài ra, ĐMT còn là giúp cho môi trường ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt, cải thiện đời sống cư dân địa phương và chuyển đổi đất đai từ “xơ xác” trở thành trù phú. ĐMT còn giúp Việt Nam ghi điểm “phát triển kinh tế xanh” trên diễn đàn chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thế nhưng điện gió và ĐMT lại đang gặp nhiều khó khăn trong vận hành, điều độ hệ thống điện, ảnh hưởng đến vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí nên phải giảm phát.
QHĐ8 đi ngược lại với toàn cầu và lộ rõ ưu ái cho điện than. Việt Nam có cả kho tài nguyên nắng - gió vô tận, không tốn tiền mua, rất thân thiện với môi trường, với con người. Chỉ cần chính sách tốt sẽ tạo đòn bẩy cho các Nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc.
Thay vì chi hàng tỷ USD nhập siêu than để hủy hoại môi trường sống của người dân thì nguồn kinh phí đó có thể tạo nên vô vàn kỳ tích: từ việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường truyền tải để “bao trọn” hết công suất năng lượng sạch. Thực tế, sản lượng điện gió và ĐMT của nước ta hiện chỉ chiếm tỷ trọng 5,4% trên toàn hệ thống, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng 9,4% của thế giới năm 2020.
Ngoài ra, hàng chục ngàn doanh nghiệp hoạt động cũng đang khát vốn để phục sinh sau đại dịch. Nguồn tiền ấy quý giá như liều vaccine, như máy trợ thở giúp họ vượt cơn khủng hoảng mà các nước trên thế giới đang làm.
Có thể bạn quan tâm
Năng lượng tái tạo - lựa chọn kinh tế thay thế cho điện than
05:05, 04/11/2021
Sản phẩm công nghệ được ưu tiên sử dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
09:00, 12/09/2021
Chính sách mới cần tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo
02:33, 04/09/2021
Bamboo Capital: Năng lượng tái tạo đã bắt đầu tạo tiền
09:02, 09/08/2021
LG “chi khủng” cho năng lượng tái tạo
04:08, 20/07/2021