Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực giai đoạn hậu Covid-19

ThS. Phan Lê Mỹ Hạnh, Phó TGĐ Tập đoàn CEO 26/06/2020 09:52

Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường lao động Việt Nam “chao đảo”, buộc lực lượng lao động, các nhà quản trị và các nhà nghiên cứu phải thích nghi và sớm có những giải pháp nâng cao nguồn nhân lực.

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, lực lượng lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập. Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động được ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên.

Tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn nhiều do ảnh hưởng của dịch (Theo Báo cáo tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục thống kê). Nhiều doanh nghiệp buộc phải lựa chọn các phương án cắt giảm chi phí và nhân sự để duy trì hoạt động.

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2020, hơn 77.000 người đã đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019.

 Kết quả khảo sát tỉ lệ cắt giảm theo loại hình lao động trên tổng số lao động bị cắt giảm 4 tháng đầu năm 2020 

Cũng chỉ trong quý I/2020, có khoảng 35.000 doanh nghiệp đã phải giải thể. Các chuyên gia dự báo nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, ước tính 50% số doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại, đồng nghĩa số lượng lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ lên đến con số hàng triệu người. Đó là còn chưa kể tới các lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng,…

Ngoài ra, các doanh nghiệp có quy mô lớn với phương án “ngủ đông” thường lựa chọn giải pháp giảm chi phí nhân sự bằng cách giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc cho người lao động nghỉ không lương để đảm bảo lực lượng lao động sẵn sàng ngay khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, từ các số liệu của thống kê cho thấy, trong thời kỳ dịch bệnh, các nhóm lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi, lao động cao tuổi và lao động làm công việc giản đơn dễ bị tổn thương nhất.

Thói quen trong vận hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có thay đổi lớn khi các hệ thống CNTT được ứng dụng cao, từ hệ thống làm việc trực tuyến, giao việc, quản lý công việc, báo cáo và quản lý giờ giấc làm việc của nhân viên từ xa. Các ứng dụng sử dụng được trên các thiết bị smart tăng mạnh, gần 88% các doanh nghiệp được khảo sát đều có sử dụng trang thiết bị, máy móc công nghệ trong công việc.

Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực

Nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế và thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch, có thể thấy cơ hội phục hồi là có nhưng sẽ sự tăng trưởng dường như sẽ chậm hơn và có nhiều thay đổi. Do vậy, làm thế nào để nguồn nhân lực của Việt Nam bắt kịp xu thế hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch là bài toán cần sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và chính người lao động ngay lúc này.

Đầu tiên, cần bổ sung, nâng cao kỹ năng, kiến thức về CNTT cho lực lượng lao động bởi khi tất cả DN có xu hướng chuyển đổi sang làm việc gián tiếp để phòng, chống dịch bệnh thì yêu cầu về trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của đội ngũ nhân sự trở thành điều kiện tiên quyết giúp DN bắt kịp thời cuộc và đảm bảo duy trì SXKD.

Khi đại dịch đi qua, dự báo thị trường sẽ có sự thay đổi lớn trong cách vận hành với việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI)… đòi hỏi nguồn nhân lực cũng phải tương thích.

Để làm tốt điều này, bên cạnh việc đầu tư cho hệ thống, nền tảng ứng dụng và các giải pháp, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nội tại để có thể vận hành hệ thống đó thông qua các cách làm như tự đào tạo, mời các đơn vị đào tạo hoặc tuyển dụng nguồn nhân lực mới trình độ cao…

Về phía Chính phủ, ngoài các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời kỳ Covid-19, nên nghiên cứu các chính sách dành cho đào tạo, cho các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm đưa ứng dụng CNTT thành các chương trình đào tạo bắt buộc cho lực lượng lao động trẻ sẽ tham gia thị trường lao động trong thời gian tới.

Còn đối với người lao động, đặc biệt là các đối tượng lao động dễ bị tổn thương trong thời kỳ dịch bệnh cần nhận thức rõ xu hướng thị trường lao động, tận dụng năng lực bản thân, đầu tư thời gian và nguồn lực, chủ động tham gia vào quá trình đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng cao.

Thứ hai, cần đa dạng hoá công việc cho lực lượng lao động. Đây là phương pháp đã được áp dụng từ lâu, có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào chỉ duy nhất một lĩnh vực.

Sau đại dịch, các doanh nghiệp càng nên linh hoạt ứng dụng phương pháp này để bố trí phân công lao động có thể làm việc được tại các vị trí khác nhau thông qua cách luân chuyển vị trí, luân chuyển cán bộ. Từ đó đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng, có kinh nghiệm để thích ứng ngay với sự thay đổi của doanh nghiệp về chiến lược, định hướng kinh doanh.

Trong khi đó, về phía Chính phủ, nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến pháp luật lao động về thời gian làm việc, nguồn lực, chính sách đào tạo để người lao động có thể đồng thời được làm việc tại các đơn vị, ngành nghề khác nhau.

Từ phía người lao động, đây cũng là dịp để nghiên cứu, trang bị các kiến thức về luật pháp, ngoài chuyên môn chính cần chủ động tham gia một cách tích cực tại các vị trí làm việc khác nhau và chủ động tìm kiếm các cơ hội tạo việc làm, thu nhập song song.

Thứ ba, cần lập quỹ dự phòng, quỹ đầu tư đối với các hoạt động trong đời sống cũng như trong hoạt động quản lý, kinh doanh.

Thực trạng hiện nay cho thấy, quỹ dự phòng cho lực lượng lao động trong các trường hợp không có việc làm, thu nhập không ổn định, hay khi chờ thị trường phục hồi, thay đổi còn nhiều hạn chế, các chính sách nhà nước và các gói hỗ trợ chỉ có tính tạm thời hoặc cho từng trường hợp cụ thể mà chưa có tính dài hạn, ổn định. Các hình thức trợ cấp như bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp khó khăn còn đang nhiều thủ tục vướng mắc.

Do vậy, các doanh nghiệp cũng như người người lao động nên tính đến giải pháp tự tạo quỹ bằng cách trích lập hàng tháng một khoản chi phí hoặc tạo quỹ đầu tư thông qua bên thứ 3 như các đơn vị tài chính, ngân hàng hoặc các đơn vị có chức năng đầu tư được đảm bảo bởi Nhà nước nhằm tạo ra một nguồn thu nhập ổn định dự phòng cho trường hợp xấu.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đề xuất Chính phủ xem xét tính toán lại các mức chi phí trích lập quy định đối với người lao động và DN, tạo điều kiện cho bên thứ 3 hoặc các đơn vị, tổ chức có kinh doanh, có thu có thể sử dụng hiệu quả nguồn trích lập và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động định kỳ thay vì chi trả một lần khi xảy ra biến cố như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Giáo dục nghề và năng lực cạnh tranh quốc gia: Xây dựng “thước đo” nhân lực có kỹ năng nghề

    Giáo dục nghề và năng lực cạnh tranh quốc gia: Xây dựng “thước đo” nhân lực có kỹ năng nghề

    11:00, 05/06/2020

  • Vì sao dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chưa tuyển được nhân lực vận hành?

    Vì sao dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chưa tuyển được nhân lực vận hành?

    05:04, 04/06/2020

  • NHÂN LỰC 4.0: Tư duy lạip/để… xốc tới

    NHÂN LỰC 4.0: Tư duy lại để… xốc tới

    11:00, 01/06/2020

  • Nguồn nhân lực Việt Nam sẽ thay đổi ra sao sau COVID-19

    Nguồn nhân lực Việt Nam sẽ thay đổi ra sao sau COVID-19

    17:00, 31/05/2020

ThS. Phan Lê Mỹ Hạnh, Phó TGĐ Tập đoàn CEO