Chỉ thị 24 quy định rõ: Các bộ, ngành, địa phương tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
LTS: Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết.
Theo báo cáo đánh giá xu hướng lao động và xã hội Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố, đến cuối năm 2019, mới có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021.
Tình trạng “khát” lao động đang diễn ra phổ biến ở các địa phương. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 50% doanh nghiệp cho rằng khó tuyển dụng lao động chất lượng cao, 85% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự cấp cao, kỹ sư hàng đầu... Chất lượng nguồn nhân lực đang là điểm nghẽn lớn nhất để Việt Nam tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 24 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.
Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu về lao động có kỹ năng nghề vẫn rất lớn và thiếu hụt nguồn cung. Bà Hồ Thị Hằng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina (Hải Phòng) cho biết: Trước đây, người lao động phải đáp ứng tiêu chí như: tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp nghề hoặc có kinh nghiệm từ 2-3 năm mới đủ điều kiện ứng tuyển. Nhưng do số lượng hồ sơ ứng tuyển rất ít, hiện công ty không đưa ra các yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm thậm chí, công ty chấp nhận tuyển dụng theo diện “vừa học vừa làm”. Sau nhiều tháng, công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng 70 lao động.
Tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp trở thành yêu cầu cấp thiết. Chính phủ, khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động…
Thực tế cho thấy, EVFTA có thể giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỉ lệ nghèo 0,7%. Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất. Đặc biệt, việc tham gia các hiệp định này dự kiến sẽ có tác động trực tiếp, gián tiếp đến việc tạo việc làm và thu nhập của người lao động. Trong ngắn hạn, trung bình mỗi năm sẽ tạo thêm 26.000-66.000 việc làm, tập trung vào các ngành như dệt may, da giày…
Chính vì vậy cùng với tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp, đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; triển khai khung trình độ quốc gia về giáo dục nghề nghiệp; xây dựng và triển khai chương trình chuyên gia quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. Đây sẽ là những thước đo, cơ sở quan trọng để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 03/06/2020
23:59, 26/12/2019
11:00, 26/12/2019
11:00, 23/12/2019
06:45, 15/12/2019
23:15, 12/12/2019
06:53, 12/12/2019