24h

Đề xuất mở rộng đối tượng được thành lập, quản lý doanh nghiệp

Gia Nguyễn 20/05/2025 13:30

Tham gia thảo luận, góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, nhiều đại biểu đề xuất, mở rộng đối tượng được thành lập, quản lý doanh nghiệp.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng 20/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

thao-luan-luat-doanh-nghiep-20.5.1.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham gia thảo luận Dự án Luật tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia thảo luận về sửa đổi, bổ sung về đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị, mở rộng phạm vi, cho phép cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đồng quan điểm, tham gia góp ý, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng đánh giá cao việc Dự thảo sửa đổi đã mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (cũng được trình trong kỳ họp này) lại quy định rộng hơn, bao gồm viên chức tại tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tạo ra sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.

thao-luan-luat-doanh-nghiep-20.5.2.jpg
Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận Dự án Luật tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

“Cũng cần lưu ý rằng, không phải mọi cơ sở giáo dục đại học công lập đều là tổ chức khoa học và công nghệ và ngược lại”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh

Đồng thời kiến nghị, Dự thảo luật này mở rộng đối tượng phù hợp với Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Tham gia thảo luận góp ý Dự án Luật, nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc mở rộng đối tượng được thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, nhưng đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ hơn, tránh tình trạng viên chức tư lợi cho doanh nghiệp mình làm chủ.

Liên quan đến vấn đề thành lập doanh nghiệp, tham gia thảo luận, góp ý Dự án Luật, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề xuất, giảm độ tuổi người được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp từ đủ 18 tuổi xuống đủ 16 tuổi.

Cụ thể, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, trong hệ thống pháp luật hiện nay quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, do đó, người từ đủ 16 tuổi đã không còn là trẻ em. Về độ tuổi lao động, pháp luật hiện hành cũng quy định người đủ 15 tuổi trở lên đã có quyền lao động.

Về năng lực hành vi dân sự, Bộ Luật dân sự hiện hành quy định người chưa đủ 18 tuổi là chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, cũng tại khoản 4, điều 21 Luật này, quy định người từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trừ quyền sử dụng đất và động sản phải đăng ký.

“Người từ 15 tuổi trở lên có tiền thì hoàn toàn có thể tự mình thực hiện các giao dịch dân sự. Họ có quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tiền đó thay vì họ phải gửi tiết kiệm hoặc nhờ ai cất giữ thì hoàn toàn có quyền tham gia góp vốn và thành lập doanh nghiệp”, vị đại biểu này nhấn mạnh.

Đồng thời, dẫn ví dụ một học sinh học hết cấp 2, nếu không có nhu cầu tiếp tục học, không có định hướng nghề nghiệp, không muốn học các trường cao đẳng nghề, mà muốn mở một cửa hàng bán trà sữa thì tại sao không cho họ quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp để tham gia hoạt động kinh tế.

“Do đó, việc hạ độ tuổi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp xuống 16 tuổi vẫn đảm bảo tương thích với các quy định của pháp luật”, đại biểu Phan Đức Hiếu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất mở rộng đối tượng được thành lập, quản lý doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO