Hàng loạt mặt hàng đồng thời tăng giá khiến các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam “méo mặt” vì các hợp đồng, gói thầu đã ký kết.
Giá cát tăng đột biến
Theo ghi nhận của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, thời gian gần đây mức giá vật liệu xây dựng tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc,... có chiều hướng tăng cao, đặc biệt là giá cát. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu thi công vì các hợp đồng đã ký kết, phần lớn các đơn vị đều “than” lỗ vì giá nhập đã cao hơn 40% so với năm trước.
Về giá cát, nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đại lý thông báo mức giá trên 600.000 đồng-700.000 đồng/m3, đất san lấp 300.000 đồng/m3,... Với cát xây dựng, đây là mức giá cao kỷ lục, hơn nhiều so với năm 2024 là từ 400.000-450.000 đồng. Và năm 2024 các doanh nghiệp đã có nhiều phản ứng về mức giá leo thang này.
Ông Diệp Đình Cường – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Nam Thành Quân cho biết giá cát xây dựng đã bắt đầu tăng từ những tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, theo vị này mức giá đỉnh điểm là vào giai đoạn giữa tháng 5 và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
“Với mức giá như vậy thì các công trình dân dụng như xây dựng nhà dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Tương tự, các nhà thầu như chúng tôi cũng “méo mặt” vì những hợp đồng đã ký kết. Trong thời gian tới có nhiều khả năng cát xây dựng sẽ trở nên khan hiếm, nhiều lúc có tiền cũng rất khó để mà mua”, ông Cường lo ngại.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mức giá tăng cao bắt nguồn từ việc thiếu nguồn cung trên thị trường. Từ đây, nhiều chủ mỏ, đại lý vật liệu xây dựng tự ý tăng giá, vượt mức giá công bố của địa phương.
Cụ thể như hiện nay trên địa bàn huyện Đại Lộc có 2 mỏ cát được cấp phép nhưng chỉ có 1 mỏ hoạt động, 1 mỏ đang tạm dừng vì lý do của doanh nghiệp. Còn lại, nhiều mỏ cát có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác, có mỏ đã đưa ra đấu giá nhưng bất thành vì có hiện tượng phá cuộc đấu giá,...
“Vì giá cát tăng quá cao bãi tập kết của tôi đành chấp nhận “thất nghiệp”, tạm dừng hoạt động. Bởi lẽ nhiều nhà thầu cũng rất khó để chấp nhận việc thi công phải chịu lỗ quá nhiều. Nếu như thời gian tới giá cát ổn định trở lại chúng tôi sẽ tiếp tục kinh doanh”, đại diện một bãi tập kết cát ở huyện Duy Xuyên cho hay.
Với hiện tượng khan hiếm nguồn cung như trên, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã chủ động tìm phương án thay thế như mua vật liệu từ địa phương khác về. Tuy nhiên, vì khoảng cách địa lý xa nên kinh phí vận chuyển cũng khiến mức giá tăng cao. Và vì giá cát tăng cao, các vật liệu khách như đá xây dựng, bê tông thương phẩm cũng tăng lên đáng kể.
Theo tìm hiểu của phóng viên, theo bảng công bố bổ sung giá vật liệu xây dựng quý I năm 2025 và cập nhật giá vật liệu xây dựng đối với loại vật liệu có biến động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được Sở Xây dựng tiếp nhận thì mức giá cát được báo cáo là gần 250.000 (tại huyện Tiên Phước). Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mức giá thực mà các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn đang phải trả.
Đại diện Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết, mức giá công bố dựa trên báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp cung cấp. Từ đây, Sở Xây dựng công bố để các doanh nghiệp năm thông tin để triển khai thi công, kinh doanh.
Liệu có bình ổn được thị trường?
Trước hiện trạng giá cát, đất tăng “phi mã”, ông Lê Tự Tâm - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn đã ký gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, đánh giá và có giải pháp tháo gỡ tình trạng vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng liên tục. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng như các địa phương khác đã làm, chỉ đạo chủ đầu tư các dự án đầu tư công xem xét có điều chỉnh các “hợp đồng trọn gói” đã ký thành “hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh” để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng.
“Thúc đẩy cấp phép khai thác vật liệu hợp pháp, mở rộng nguồn cung từ các mỏ đủ điều kiện và giảm thủ tục hành chính trong khai thác”, phía Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn kiến nghị.
Các doanh nghiệp dẫn ra nghịch lý rằng, trên địa bàn Quảng Nam có trữ lượng cát rất lớn, hàng chục mỏ nằm trong quy hoạch thế nhưng lại không đủ nguông cung để sản xuất, thi công công trình. Nếu hiện tượng này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án cũng như đời sống, an sinh của người lao động,....
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thẩm định, tham mưu UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khai thác khoáng sản phải quy định cụ thể công suất và thời hạn hoạt động của dự án trong Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đặc biệt là giải quyết các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo không làm gián đoạn việc thực hiện dự án nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu, vật liệu cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn.
“Sở Nông nghiệp và Môi trường, các Sở, ngành liên quan căn cứ các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã ban hành để khẩn trương giải quyết thủ tục về bảo vệ môi trường, thẩm định thiết kế, cấp phép khai thác, cho thuê đất đối với các dự án trước đây UBND tỉnh quy định công suất khai thác và thời hạn hoạt động của dự án thực hiện theo quy định tại Giấy phép khai thác khoáng sản”, ông Lê Văn Dũng chỉ đạo.
Sắp tới đây, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề năm 2025 về công tác quản lý thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Mục đích là để phát hiện những vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý hoạt động thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khắc phục.
Cùng với đó, Quảng Nam cũng muốn phát hiện những hạn chế, khuyến điểm trong công tác quản lý, hoạt động khoáng sản vật liệu xây dựng để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có). Qua thanh tra, địa phương sẽ kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác quản lý, hoạt động khoáng sản vật liệu xây dựng.
Nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi, liệu việc thanh tra có giúp thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn bình ổn? Nếu giá cả vẫn leo thang, hàng loạt dự án từ đầu tư công đến đầu tư tư, dân sinh đều có nguy cơ bị gián đoạn.