Mối lo "chảy máu" nhân sự công nghệ chất lượng cao

Kim Dung - Nghiên cứu sinh Báo chí Kinh doanh tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) 22/01/2021 14:17

Công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường có thể làm bình thường hóa các văn phòng làm việc ảo liên quốc gia nhưng đặt ra yêu cầu cấp thiết giữ chân nhân tài lâu dài với các công ty công nghệ nội.

Trần Hoàng Quân là kỹ sư blockchain làm việc toàn thời gian cho một công ty công nghệ có trụ sở tại Việt Nam. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường trên toàn cầu, Quân vẫn cùng lúc nhận được ba lời mời làm việc từ xa với các nhóm phát triển sản phẩm tại Pháp, Mỹ và Ấn Độ.

“Ngoài giờ hành chính, tôi làm thêm bốn tiếng mỗi ngày cho hai đến ba dự án công nghệ khác với các công ty nước ngoài. Một vài trong số đó từng đề nghị tôi nghỉ việc tại Việt Nam để làm việc toàn thời gian cho họ", Quân chia sẻ.

Quân bàn luận về dự án fintech với nhà sáng lập của một công ty tại Mỹ

Quân thảo luận về dự án fintech với nhà sáng lập của một công ty tại Mỹ

Quân có kinh nghiệm phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính, tác động xã hội, định danh số hay tài sản số. Các kinh nghiệm này có được từ các dự án làm việc trước đây của anh với các khách hàng tại Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Không những được trả mức lương hậu hĩnh hơn, thông qua làm việc với các công ty quốc tế, Quân còn được trau dồi các kỹ năng và kiến thức công nghệ mới nhất của thế giới.

“Hành lang pháp lý của Việt Nam vẫn chưa mở hoàn toàn cho các ứng dụng công nghệ blockchain, đa số mới chỉ được thực hiện ở các dự án thí điểm hoặc sản phẩm mẫu. Trong khi đó, rất nhiều các công ty nước ngoài đang phát triển sản phẩm và dịch vụ ứng dụng công nghệ này nhằm giải quyết các bài toán thực tế về bảo mật và an ninh tài sản, do đó tôi có cơ hội để giải quyết các vấn đề kỹ thuật mới nhất cũng như nâng cao khả năng xử lý vấn đề và quản lý rủi ro trong ứng dụng công nghệ", Quân chia sẻ.

Một nghiên cứu mới đây với 400.000 nhân sự công nghệ thông tin trên nền tảng tuyển dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo JobHopin có trụ sở tại Việt Nam cũng cho thấy một kết quả tương tự. Gần một nửa người tham gia khảo sát (43,2%) trả lời rằng họ sẽ chuyển việc nếu công việc mới tạo điều kiện cho họ phát triển kỹ năng chuyên môn tiên tiến nhất trong các công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), Blockchain, hoặc Computer vision (thị giác máy tính).

Thực tế, theo đánh giá tại chỉ số dịch vụ toàn cầu của A.T. Kearney (Global Services Location Index - GSLI), Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia hay Việt Nam từ lâu đã được biết biết đến là nơi cung cấp nhân sự phát triển các giải pháp công nghệ thông tin thuê ngoài (outsourcing) lớn nhất cho các công ty quốc tế.

“Ngay cả trước đại dịch COVID-19, các công ty có trụ sở tại các khu vực có giá nhân công cao, ví dụ tại Úc hay Mỹ, đã sớm tận dụng nhân sự từ xa cho các công việc không trọng tâm (non-core tasks), hoặc thậm chí thiết lập các văn phòng làm việc ở những nơi có giá nhân công thấp hơn,” ông Christopher Lee, trưởng phòng cao cấp cho dịch vụ tư vấn nguồn nhân lực và tổ chức tại công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers Việt Nam phối hợp với PwC Việt Nam, cho biết đồng thời cho rằng COVID-19 chỉ đang thúc đẩy nhanh hơn quá trình này.

Bởi sự thúc đẩy này, các công việc từ xa như kỹ sư dữ liệu (data engineer), kỹ sư phần mềm (software engineer), kỹ sư giải pháp (solution architect), đã tăng vọt số lượng người ứng tuyển toàn cầu trong Quý 2 năm 2020 trên nền tảng mạng xã hội kết nối việc làm lớn nhất thế giới Linkedin.

“Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhân sự công nghệ của Việt Nam không chỉ tham gia vào gia công phần mềm thuần túy nữa, mà là gia công phần mềm tích hợp công nghệ tiên phong,” ông Tùng Nguyễn, CEO của JobHopin, cho biết.

Theo ông, nhân sự tại Đông Nam Á đang ngày càng có thể đáp ứng các yêu cầu năng lực với mức chi phí thấp hơn nhiều so với kỹ sư tại nước sở tại. Nguyên nhân chính là do chi phí sinh hoạt thấp hơn mà tốc độc người trẻ bắt kịp công nghệ với thế giới lại rất cao.

Công nghệ thực tế ảo (Virtual reality - VR) và thực tế ảo tăng cường (Augmented reality – AR) cũng có thể làm “bình thường hóa” các văn phòng làm việc ảo liên quốc gia và có thể sẽ được đẩy mạnh thông qua COVID-19.

Trước bối cảnh này, việc phát triển một môi trường và văn hóa làm việc lành mạnh tại các công ty công nghệ nội địa là yêu cầu cấp thiết để giữ nhân tài lâu dài.

Với kinh nghiệm làm việc với nhiều công ty công nghệ Việt Nam thông qua PwC, ông Lee nhấn mạnh đến các yếu tố như văn hóa làm việc mở, đề cao việc học hỏi, sáng tạo và thử nghiệm, quan hệ đồng nghiệp lành mạnh, quan hệ thứ bậc thấp, cấu trúc chức năng gọn nhẹ, và đặc biệt là bản thân các dự án công nghệ cần phục vụ những mục tiêu tạo tác động có ý nghĩa lớn.

“Các công ty thường tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội mà mọi người có thể tự hào khi được làm việc trong đó,” ông Lee chia sẻ.

Về lâu dài, ông cho biết xu hướng làm việc từ xa xuyên quốc gia có thể đem lại nhiều lợi ích hơn là thách thức, đặc biệt là khả năng tạo ra “hiệu ứng thẩm thấu” (osmosis effect), tức đẩy mạnh quá trình chuyển giao tri thức giữa các nước phát triển và đang phát triển.

“Quá trình này giúp tạo ra nền tảng nhân tài có thể thúc đẩy sự phát triển ở các nước hiện đang có giá nhân công thấp hơn so với thế giới,” ông Lee nhấn mạnh.

Quân, anh chàng kỹ sư blockchain đang làm việc cho các dự án từ xa với nước ngoài, cũng chia sẻ góc nhìn tương tự khi cho biết anh muốn ứng dụng các kỹ năng và kiến thức nhận được vào công ty trong nước mà anh đang làm việc.

“Tôi chưa có dự định sẽ làm việc từ xa toàn thời gian và dài hạn cho các công ty nước ngoài. Là một người Việt Nam, tôi cảm thấy thích thú hơn khi tạo ra những sản phẩm có đẳng cấp thế giới do người Việt Nam làm ra và phục vụ lợi ích của người Việt Nam", Quân nói. 

Có thể bạn quan tâm

  • Giáo dục đáp ứngp/nhu cầu xã hội

    Giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội

    16:32, 19/11/2020

  • Cần chú trọng nhân tố con người trong trạng thái bình thường mới

    Cần chú trọng nhân tố con người trong trạng thái bình thường mới

    11:29, 12/11/2020

  • Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

    Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

    05:00, 01/11/2020

  • Chuẩn hóa lực lượng lao động để hội nhập quốc tế

    Chuẩn hóa lực lượng lao động để hội nhập quốc tế

    00:00, 01/11/2020

  • Nâng tầm kỹ năng lao động tránh lãng phí nguồn lực xã hội

    Nâng tầm kỹ năng lao động tránh lãng phí nguồn lực xã hội

    04:17, 31/10/2020

  • Ngành dệt may sẽ

    Ngành dệt may sẽ "khát" nhân sự trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tới

    16:35, 22/10/2020

Kim Dung - Nghiên cứu sinh Báo chí Kinh doanh tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc)