Cần chú trọng nhân tố con người trong trạng thái bình thường mới

DIỄM NGỌC 12/11/2020 11:29

Mặc dù mỗi quốc gia mỗi doanh nghiệp theo đuổi thành quả và văn hóa khác nhau nhưng đều giống nhau ở việc coi trọng nhân tố con người.

Tại hội thảo "Năng lực lãnh đạo trong trạng thái bình thường mới", Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Quang Vinh chỉ ra rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới biến đổi nhanh, đại dịch COVID-19 cũng chính là phép thử cho các thể chế, đặc biệt là các doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đầu tháng 3, VCCI đã làm một nghiên cứu về sự chống chọi với đại dịch và kết thúc vào tháng 6. Một vài điểm nổi bật của nghiên cứu cho thấy, thứ nhất, doanh nghiệp nào đã tiên phong chống dịch, có trách nhiệm với môi trường, xã hội là những doanh nghiệp có sự phát triển, kết quả thông qua doanh số và đảm bảo việc làm cho người lao động. Thứ hai, không có gì là không thể thay đổi, chính vì vậy trạng thái bình thường mới sẽ thể hiện năng lực lãnh đạo của chủ doanh nghiệp về vốn kinh tế, vốn xã hội, môi trường, quản trị... 

Bối cảnh mới đòi hỏi tư duy mới, điển hình như Samsung là một doanh nghiệp đã làm được điều đó khi từ công ty nhỏ trở thành một thương hiệu lớn bởi những đóng góp không chỉ về kinh tế, mà là sự phát triển bền vững, khi tạo ra giá trị kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp xã hội. 

“Ngoài ra, thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cũng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều lợi nhuận, phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường và có trách nhiệm xã hội cần được quan tâm, lan toả”, Tổng Thư ký Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Ông Sung Geun Park, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thương mại Việt Nam đang dần đáp ứng với "trạng thái bình thường mới" sau bùng phát đại dịch COVID-19. Việc các nhà quản trị doanh nghiệp cần tiếp tục có chiến lược duy trì cắt giảm chi phí hiệu quả, chuyển hướng đầu tư sang những giá trị giúp tăng trưởng và phát triển nguồn nhân lực theo những phương pháp mới trong thời đại 4.0 được coi là những bước đi quan trọng trong giai đoạn này. Chính vì vậy, năng lực lãnh đạo trong trạng thái bình thường mới cũng là chủ đề được các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Quan điểm về lãnh đạo thời COVID và VUCA, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện MVV cho biết, khi xảy ra COVID-19 hay doanh nghiệp rơi vào tình trạng biến động thì việc xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục là điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện, trong đó tập trung vào các hoạt động như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên; thay đổi hình thức tổ chức đào tạo, kế hoạch chăm sóc khách hàng; kế hoạch cắt giảm chi phí; củng cố lại sản phẩm dịch vụ lên kế hoạch cho giai đoạn phục hồi.

Chúng tôi xây dựng và hành động như đang trong tình huống xấu nhất, để đảm bảo công việc cho khách hàng, sử dụng công nghệ, xây dựng quy trình làm việc từ xa hay xây dựng những sản phẩm dành riêng cho giai đoạn Covid-19 để đảm bảo tiến độ công việc vẫn chạy tốt”, ông Sơn chia sẻ.

Không chỉ vậy, COVID-19 còn là cơ hội cho mọi người nhìn lại và thay đổi, bởi nếu không thay đổi thì sẽ không phù hợp với tổ chức. Mọi người phải tự hỏi mình, chúng ta đã tạo ra giá trị gì cho tổ chức, nếu không có chúng ta, doanh nghiệp có bị ảnh hưởng gì hay không?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng, trong COVID-19 nói riêng và thế giới VUCA nói chung, chúng ta cần vạch hướng đi cụ thể và thực hiện chúng, đồng thời có những thành công nhanh để tạo động lực cho đội ngũ. Trong nguy luôn có cơ, thế nên cần nhìn lại tổ chức để thay đổi theo hướng linh hoạt và tinh gọn.

Yếu tố “Con người” luôn là trọng tâm của phát triển bền vững, điều này đã được nhấn mạnh hơn nữa trong phần chia sẻ của bà Trần Thị Bảo Quế - Thành viên Ban điều hành Ngân Hàng Quân Đội - MB Bank với chủ đề “Quản trị nhân sự 4.0 - kinh nghiệm thực tế tại MB”.

"Thế giới vẫn đang thay đổi nhanh chóng với vô vàn tác động đến lực lượng lao động nhưng tại MBBank 3 vấn đề cốt lõi đã giúp tổ chức xây dựng, phát triển và duy trì được một tập thể vững mạnh đó chính là Quản trị hiệu quả động lực mềm, tính đa dạng và năng lực thực thi của đội ngũ nhân sự" - bà Quế chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Bảo Quế, thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB Bank, Yếu tố “Con người” luôn là trọng tâm của phát triển bền vững

Theo bà Trần Thị Bảo Quế, thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB Bank, yếu tố “Con người” luôn là trọng tâm của phát triển bền vững

Cùng chung nhận định trên, ông Sung Geun Park cho biết, triết lý phát triển con người tại Samsung là tạo dựng được một môi trường làm việc nơi các nhân tài hàng đầu thế giới có thể phát triển hết khả năng bản thân; dựa vào nhân tài và kĩ thuật để tạo ra sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển xã hội. Ông Park cho rằng, một nhân tài kiệt xuất có thể nuôi dưỡng hàng vạn con người.

Dẫn chứng cụ thể là những chương trình phát triển nhân tài tiêu biểu tại Samsung như: Chương trình chuyên gia khu vực, Chương trình chuyên gia thường trú, chương trình nghiên cứu nội bộ c-lab và MOSAIC- nền tảng trí tuệ tập thể nền tảng chia sẻ kiến thức với sự tham gia của 30.0000 nhân viên toàn cầu.

Ở một góc nhìn khác, ông Hoàng Minh, giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học Công nghệ nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất khó khăn trong đổi mới sáng tạo và chưa thực sự được hưởng các chính sách ưu đãi từ Chính phủ. Đơn cử như chính sách thuế hiện nay, chỉ hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sau khi đổi mới sáng tạo, trong khi trước đó, các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, thách thức và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức gồng mình đổi mới thành công.

Một vấn đề nữa đó là, chúng ta tích cực tạo ra tri thức nhưng chưa nỗ lực lan tỏa tri thức để thúc đẩy khoa học công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế và giúp các doanh nghiệp có thể hấp thụ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, công nghệ không hẳn là khoa học kỹ thuật thuần tuý mà còn là công nghệ trong quản lý, quản trị doanh nghiệp. 

Theo ông Minh, đối với công nghệ rất cần “cũ người mới ta”, Việt Nam cần học hỏi công nghệ của các nước đã thành công chứ không nhất thiết là phải chạy theo công nghệ mới. Mỗi vùng miền, khu vực sẽ cần ứng dụng một công nghệ khác nhau và phù hợp mà không thể lắp ghép từ nơi này sang nơi khác.

Như vậy, những giải pháp và bài học về việc dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng cần rất nhiều yếu tố, tuy nhiên, chú trọng vào đào tạo và quản trị nhân lực trong kỷ nguyên số là một trong những vai trò nòng cốt trong quá trình toàn cầu hóa.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế: Nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực

    Tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế: Nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực

    11:00, 19/10/2020

  • Cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics

    Cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics

    19:00, 07/09/2020

  • Lời giải nào cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam?

    Lời giải nào cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam?

    15:30, 22/07/2020

  • Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực giai đoạn hậu Covid-19

    Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực giai đoạn hậu Covid-19

    09:52, 26/06/2020

  • Nguồn nhân lực Việt Nam sẽ thay đổi ra sao sau COVID-19

    Nguồn nhân lực Việt Nam sẽ thay đổi ra sao sau COVID-19

    17:00, 31/05/2020

  • [BÀI TOÁN NHÂN SỰ HẬU COVID-19] Tương lai nguồn nhân lực Việt Nam

    [BÀI TOÁN NHÂN SỰ HẬU COVID-19] Tương lai nguồn nhân lực Việt Nam

    05:00, 01/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần chú trọng nhân tố con người trong trạng thái bình thường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO