Lao động Việt Nam tại Nhật (Kỳ 3): Khó thay giấc mộng đổi đời!
Giấc mơ đổi đời bằng việc “xuất ngoại” liệu có là một giải pháp đúng đắn khi chúng ta đang “thiếu và yếu” trong việc đào tạo các kỹ năng cơ bản?
Trên thực tế, trong những năm gần đây, Nhật Bản đang trở thành thị trường xuất khẩu lao động ưa thích của Việt Nam. Dân số già cùng sự thiếu hụt lao động đang khiến đất nước mặt trời mọc cần rất nhiều nhân công nước ngoài. Thêm vào đó, với mức thu nhập vào loại cao nhất trong khu vực châu Á so với các quốc gia khác như Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng là một nguyên nhân chính khiến nước này trở thành thị trường xuất khẩu lao động mà nhiều người Việt Nam mong muốn được sang làm việc tại đây.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, năm 2020, Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có lao động nước ngoài nhiều nhất ở Nhật Bản với 443.998 người. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với 419.431 lao động và Philippines đứng ở vị trí thứ ba với 184.750 lao động.
Tuy nhiên, kiếm được đồng tiền ở xứ người cũng không dễ dàng. Đồng tiền đó đôi khi còn phải đánh đổi cả bằng máu, nước mắt và càng mặn chát hơn khi mà hiện nay, xuất khẩu lao động sang Nhật vẫn chủ yếu là những người dân nghèo ở các vùng nông thôn, cố gắng thế chấp nhà cửa hay vay mượn để "xuất ngoại", mơ sớm có cơ hội đổi đời khi làm việc ở xứ người.
Trong tâm trí của nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam, nhất là những người sống ở các vùng quê, ít tiếp xúc, đi lại, va chạm với xã hội bên ngoài. Thì đi “Tây” vẫn là một điều gì đó danh giá và cao sang.
Rõ ràng họ thấy những người đi xuất khẩu lao động thời những năm chín mươi, có những kiện hàng từ Nga, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc…. thơm nức mùi gỗ thông, đến cái đinh cũng bóng loáng, bên trong nào quần áo, đầu đĩa video, thuốc tây, rồi thì hình ảnh những người đi lao động nước ngoài về xà phòng Camay thơm nức, chạy những chiếc cúp 81 kim vàng giọt lệ, phóng xe trên đường làng với làn khói xăng xanh nhạt thơm nức nở… điều này càng khiến họ mong muốn con cái mình được thay đổi cuộc sống bằng cách xuất khẩu lao động.
Vốn dĩ giấc mộng đổi đời, giấc mộng thay đổi cuộc sống vốn có là một ước mơ rất thực và rất đáng khuyến khích. Nhưng có điều những phụ huynh này hầu như chưa từng sống thực sự ở nước ngoài. Mọi điều tốt đẹp, bao tấm gương thành công ở nước ngoài đều theo kênh thông tin của “thông tấn xã vỉa hè”. Tuy nhiên, thay vì đầu tư một cách bài bản bằng nền tảng học vấn, kiến thức, thì họ chọn cách ăn xổi, vay mượn chạy chọt để cho con cái có xuất đi Nhật đi Hàn, nơi có những căn nhà sạch đẹp như mơ, quần áo đẹp, ô tô đẹp cùng những bữa tiệc hoành tráng.
Như anh Phạm Tuấn, một người từng có thời gian học tập và làm việc trên 5 năm tại Nhật Bản chia sẻ, có một sự thật rằng hầu hết các tu nghiệp sinh khi đặt chân lên xứ người, đều “vỡ mộng” và nhận ra đây không phải là xứ thiên đường, nhưng lỡ bước chân đi, món nợ cho chi phí chuyến đi đè nặng lên vai. Thương cha thương mẹ, họ đành bán mồ hôi công sức, gửi tiền về trả nợ, trấn an gia đình là con ổn, con khỏe, công việc nhàn lắm…
Đặc biệt, trong thời gian qua, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải ngừng hoạt động, đến cả các lao động người bản xứ cũng lâm vào tình cảnh thất nghiệp và bi đát. Nhiều lao động Việt Nam ở Nhật Bản cũng rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, thất nghiệp, không có nơi ăn chỗ ở, không có tiền bạc dự trữ và bị mắc kẹt khi chờ chuyến bay về nước đang là một trong những thực tế mà các lao động và tu nghiệp sinh Nhật Bản đang phải đối diện.
Khó khăn là vậy, nhưng trên thực tế đi lao động hay tu nghiệp tại Nhật Bản có lẽ vẫn là mơ ước cháy bỏng của rất nhiều người Việt Nam. Chỉ cần search cụm từ “xuất khẩu lao động Nhật Bản” trên Google, bạn sẽ nhận được khoảng… 63 triệu kết quả trong vòng 0,56 giây. Điều này cho thấy lượng tìm kiếm và thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu lao động Nhật Bản được quan tâm đến rất nhiều trong thời gian gần đây.
Và cũng chưa bao giờ người ta lại thấy có nhiều các công ty, trung tâm tư vấn du học và xuất khẩu lao động như thời điểm này. Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng hơn 300 công ty được cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Nhưng cũng chính việc có quá nhiều các công ty, trung tâm đến vậy nên đang có một thực trạng nhức nhối của việc những cá nhân, tổ chức lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người lao động mà lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ BBC gần đây, ông Koakutsu Yasuo, Giám đốc Nghiệp vụ Nghiệp đoàn Eco Lead, trụ sở tại Ibaraki, Nhật Bản cho rằng: “Chúng tôi mong muốn các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam phải tăng cường đào tạo tiếng Nhật. Việc ít giao tiếp giữa tu nghiệp sinh và người sử dụng lao động sẽ gây ảnh hưởng lớn khi hai bên không hiểu nhau”.
Rõ ràng, thị trường đào tạo xuất khẩu lao động của Việt Nam đang có rất nhiều nhưng lại “thiếu và yếu” cùng việc được kiểm soát một cách “bát nháo”, mạnh ai nấy làm mà không có một sự sâu sát, chặt chẽ và có trách nhiệm từ các cơ quan chức năng. Hơn bao giờ hết, nền giáo dục đào tạo nước ta cần để ý đến những khóa học, khóa đào tạo một cách cẩn thận, kỹ càng cho những người đang có ý định và mong muốn xuất khẩu lao động.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần một chính sách xuất khẩu lao động có chọn lọc, có đào tạo, có quyền lựa chọn ngành mình sẽ phục vụ với mức thu nhập hợp lý và không phải quá mặc cảm… Người lao động, nhất là các Tu nghiệp sinh cần phải được trang bị những kỹ năng, tính khoa học, tính kỷ luật và tâm thế đương đầu khó khăn khi sang làm việc tại nước ngoài. Để đến một ngày, chúng ta có thể sẽ xuất khẩu lao động theo dạng chuyên gia, chứ không phải là những công nhân, những y tá, hộ lý, làm những công việc chân tay trong các nhà máy của Nhật Bản.
Cần và mong lắm những chính sách hỗ trợ hợp lý!
Còn tiếp...
Có thể bạn quan tâm