Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Sóng cả không ngã tay chèo
Theo doanh nhân Đặng Thành Tâm, cuộc đời kinh doanh là những thách đố, đầy rẫy niềm vui và cũng không ít nỗi buồn mà con người phải đánh đu.
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại đất cảng Hải Phòng, điều duy nhất mà cậu bé Tâm nhận được từ cha là lòng đam mê học hỏi không ngừng nghỉ. Đi Liên Xô (cũ) về, ai cũng vác đầy nồi áp suất, xà bông, còn cha Tâm ngày đó mang về mấy container đầy sách. Cũng không ai ngờ chính đống container đó là tài sản vô giá mà người cha truyền lại cho các con."Ba tôi nói hoài, nói mãi về sự cơ cực của gia đình và nhắc nhở 4 chị em chúng tôi cần phải học. Ba nói nhiều tới mức chúng tôi ngấm vào máu lòng khao khát học lúc nào không hay”, ông Đặng Thành Tâm chia sẻ.
"Chuyên gia" kêu gọi vốn đầu tư
Những năm 2012, sau thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp của đất nước “Mặt trời mọc” đã không còn tin xứ sở của mình là mảnh đất lành nơi họ có thể yên ổn sản xuất và kinh doanh. Hàng nghìn trận động đất lớn nhỏ diễn ra hằng năm, cộng với nguy cơ tần suất những trận động đất - sóng thần kép kinh hoàng sẽ dày hơn, khiến người Nhật buộc phải tìm những “miền đất hứa” khác, nơi họ có thể chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả việc sinh sống sang đó mỗi khi đất nước gặp thảm họa.
Đón đầu những suy nghĩ ấy của người Nhật, một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng rất quan tâm và hỏi ông Đặng Thành Tâm: Tại sao miền đất hứa ấy không phải là Việt Nam? Và mô hình “Khu kinh tế Nhật Bản ở Việt Nam” đã hình thành từ đó.
Khi đó, nơi được chọn để xây dựng đặc khu Nhật Bản đầu tiên là nơi rất thuận lợi về cảng biển, giao thông và nhân lực là Hải Phòng. Sau này, lãnh đạo Việt Nam đã làm việc với Chính phủ Nhật Bản phát triển thêm một khu nữa ở Vũng Tàu cũng có cảng biển, giao thông thuận lợi.
Trong đó, Khu kinh tế Nhật Bản rộng 1.000 ha nằm trong Khu kinh tế Tràng Cát - Đình Vũ, Hải Phòng đã được phê duyệt. Tháng 2/2012, vốn ODA của Nhật Bản được rót về Lạch Huyện để xây dựng Cảng nước sâu, và tiếp đến là ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh tế Nhật Bản theo đúng tiêu chuẩn thiết kế của người Nhật, để từ doanh nhân cho đến công nhân bậc cao ở nước này khi sang đến Việt Nam là có thể sống và làm việc thoải mái như chính trên đất nước của họ.
Nhà máy “xe cua” xây dựng ở Việt Nam có thể công suất chỉ bằng một nửa nhà máy tại nước bản địa, nhưng mỗi khi Nhật Bản gặp thiên tai, chỉ cần tăng công suất nhà máy ở Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn mà không để bị mất thị phần. Còn về phía Việt Nam, việc kéo người Nhật sang xây dựng nhà máy sản xuất công nghệ cao thời điểm đó được cho là đã giúp chúng ta tiến được 50 năm.
Đó là cách để ông Tâm thuyết phục cả hai phía thực hiện quyết định táo bạo được ông ấp ủ. Đó cũng là cách để ông đi trước người Nhật đón đầu một xu hướng đầu tư mới.
Ông Tâm bộc bạch: “Hải Phòng là quê mẹ của tôi. Đến nay tôi vẫn chưa làm được gì nhiều cho vùng đất gắn với kỷ niệm suốt thời thơ ấu ấy. Và chọn nơi đây với nhiều lợi thế thuận lợi để làm dự án này chính là dịp để tôi trả nợ quê hương”.
Khi đã chuẩn bị xong về thủ tục, nguồn vốn xây dựng hạ tầng, ông Tâm với tư cách là Chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nhật, đã sang Nhật tổ chức các hội thảo kêu gọi doanh nhân nước này đầu tư vào các Khu kinh tế Nhật Bản ở Việt Nam. Kết quả là, nhiều doanh nhân Nhật Bản đã đến Hải Phòng tham quan tìm hiểu mô hình mới này.
Ông Tâm khi đó tự tin: “350 năm trước, người Nhật từng sang Việt Nam xây dựng cả một thành phố sầm uất ở Hội An. Ngày xưa còn khó khăn mà họ đã làm được như thế, huống hồ bây giờ, khả năng thành lập Khu kinh tế Nhật Bản ở Việt Nam ở địa điểm thuận lợi hơn là điều hoàn toàn có thể”.
Có người bảo ông có tài hút đầu tư nước ngoài, vì ông nói tiếng Anh như gió, lại là một trong ít doanh nhân Việt được gia nhập vào Diễn đàn Kinh tế thế giới chuyên tư vấn chính sách kinh tế cho các chính phủ.
Thổ lộ về tham vọng làm giàu, ông Tâm bảo, khi ít tiền thì phải nghĩ mưu, càng ít tiền thì càng phải nghĩ nhiều mưu. Nhưng những mưu ấy ông không “ủ” cho riêng mình. Ông kể về hai bí kíp kiếm tiền: “Đếm được tiền trong túi người khác nhưng không cần phải thò tay móc túi”, rồi dựa vào “hơi” tiền của họ để kiếm tiền cho mình, và “biến đồng tiền tương lai thành hiện tại”. Cách thứ nhất dễ bị xem là lưu manh, lừa đảo, vì thế ông ưa cách thứ hai hơn. Thế là ông vắt óc nghĩ ra những đề án rồi kéo đối tác, ngân hàng vào cuộc, và thay vì phải mấy năm sau mới kiếm được tiền thì ông đã có được tiền ngay trong năm.
Nghiệm ra, mưu này đã giúp ông thành công khá nhiều lần. Đó là năm 1996, khi ông viết đề án xây dựng Khu công nghiệp Tân Tạo với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng thì trong tay ông chỉ có một tỷ đồng. Vậy mà ba năm sau, mô hình này đã được đánh giá là thành công nhất tại TP Hồ Chí Minh. Rồi năm 2002, ông đã biến Quế Võ từ một vùng đất cằn năng suất thấp thành một khu công nghiệp xanh nổi tiếng Kinh Bắc. Còn năm 2012, ông trông đợi cả vào Khu kinh tế Nhật Bản, nơi ông áng chừng có thể thu hút cả tỷ đô trong vài ba năm tiếp sau.
Chao đảo trước sóng lớn
Ông Đặng Thành Tâm được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và giàu thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010. Ông là chủ tịch hội đồng quản trị của các công ty: Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn. Năm 2013, ông Tâm xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng 200 người giàu nhất Thị trường chứng khoán Việt Nam, với tổng tài sản 1239 tỷ đồng..
Tuy nhiên, qua những ngày huy hoàng thì cuộc đời của đại gia này từng trải qua những ngày tháng truân chuyên khi chị gái Đặng Hoàng Yến bị tước tư cách Đại biểu quốc hội, đối mặt hàng loạt tin đồn rồi “biến mất”. Năm 2013, ông Tâm cùng các doanh nghiệp của mình chìm trong khối nợ khổng lồ.
Nặng gánh với khoản nợ trái phiếu 1.000 tỷ đồng, người giàu nhất sàn chứng khoán một thời phải xin Ngân hàng Nhà nước cho lùi thời hạn thanh toán trong bối cảnh không thể vay thêm tiền ngân hàng suốt hai năm 2012 -2013. Giai đoạn này, ông gây choáng khi xuất hiện với bộ dạng râu tóc không được cạo và sau này có lên tiếng nói rằng để râu tóc như vậy vì đang chữa bệnh.
“Nếu nhìn thẳng vào thực tế và gạt bỏ mọi nỗi xấu hổ, doanh nghiệp của tôi có đơn vị đang rất khó khăn và cũng giống như hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam khác phải vật lộn sống còn để tồn tại, phát triển. Hai năm nay tôi không vay được vốn từ các ngân hàng thương mại và cũng không hiểu tại sao.
Trước kia vẫn có một số đơn vị cho tôi vay khá dễ dàng, ngay cả khi chẳng có gì để thế chấp, vẫn được họ giúp. Hiện giờ các khu công nghiệp của tôi có lãi và tài sản thế chấp, nhưng để vay lại không dễ. Tôi nghĩ có nhiều lý do, chẳng hạn những ngân hàng này không còn muốn liên quan tới tôi hoặc có khả năng cạnh tranh không lành mạnh.” – Ông Tâm nói.
Là đại biểu quốc hội nhưng từng có kỳ họp ông Tâm từng phải xin nghỉ với lý do sức khỏe không tốt. Trong những ngày sóng gió nhất với ông và chị gái (cũng là đại biểu Quốc hội), ông ước ao được trở về như ngày xưa. Tại kỳ họp hồi tháng 5/2013, ông xuất hiện trở lại với tuyên bố chỉ muốn “Xin 2 chữ bình yên”.
Sau một thời hoành tráng ròi bầm dập trong sóng gió, điều đơn giản mà ông cảm thấy vui là DN của ông đã thoát chết, ông cũng qua những ngày đau ốm để đủ sức xoay xở làm ăn và đủ trả lương thưởng, lãi vay, thậm chí trả được khá nhiều khoản nợ nhờ vào việc thoái vốn khỏi đa ngành, bán đi những cổ phiếu, những khoản đầu tư ngoài ngành…
Điều ông tâm đắc hơn cả là, khi khủng hoảng kinh tế khiến hơn 50 nghìn doanh nghiệp Việt Nam phá sản trong năm 2011, thì “con tàu” đồ sộ với chục nghìn nhân sự mà ông Đặng Thành Tâm là người lèo lái vẫn trụ được. Bằng những nguồn thu qua cho thuê nhà xưởng mà ông ví như “những giọt nước giữa sa mạc”, và hoạt động nhà máy chế biến hàng xuất khẩu sang Nhật Bản..., ông đã trang trải hàng trăm tỷ đồng tiền lương mỗi tháng cho nh ân viên. Gánh nặng đè trĩu vai hơn khi chính ông đưa ra quyết định sẽ không vì khủng hoảng mà sa thải họ.
Sau cơn mưa trời lại sáng...
Hiện tại, ông Tâm sở hữu tỷ lệ lớn bốn công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Kinh Bắc City (KBC), Navibank (NVB), Saigontel (SGT) và Khoáng sản Sài Gòn – Bình Định (SQC). Trong đó có hai công ty do ông Tâm trực tiếp điều hành là Công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và CTCP Công Nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SGT).
Có vẻ như thời của ông Đặng Thành Tâm đang trở lại. Trong vài năm gần đây, lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt. Quỹ đất ở các tỉnh thành có vị trí thuận lợi như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… đều đã cạn kiệt. Các doanh nghiệp ồ ạt tấn công sang các tỉnh thành khác, trong đó có cả những tỉnh trung du miền núi như Bắc Giang… Nhiều doanh nghiệp cao su cũng đồng loạt phát triển hoặc hợp tác phát triển quỹ đất của mình, chuyển sang bất động sản công nghiệp để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc cuộc chiến thương mại năm 2018-2019 với một thỏa thuận vào đầu năm 2020 nhưng một cuộc chiến mới có thể sẽ sớm bùng lên và tiếp tục khiến một lượng tiền không nhỏ sẽ rút khỏi Trung Quốc và sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
KBC của ông Đặng Thành Tâm là một doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp từ rất sớm và cho đến nay vẫn là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong khoảng 7-8 năm vừa qua, sức mạnh của ông Đặng Thành Tâm suy giảm và doanh nhân này tập trung vào tái cấu trúc doanh nghiệp.
Chị gái của ông Tâm – bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng có gần một thập kỷ im hơi lặng tiếng, mất bóng trên TTCK Việt Nam đầy bí ẩn, nhiều năm liền, từ 2013 cho tới nay, không có mặt trong các đại hội đồng cổ đông của ITA nhưng rồi bất ngờ xuất hiện trong ĐHCĐ mới đây của ITA qua hình thức trực tuyến.
Có thể bạn quan tâm
Chân dung ông chủ kín tiếng của Rạng Đông Group
03:00, 07/10/2020
Ông Lý Xuân Hải xuất hiện ở Coteccons với vai trò gì?
11:53, 06/10/2020
Ông Nguyễn Bá Dương rời Coteccons sau 17 năm gây dựng công ty
03:15, 06/10/2020
Hé lộ các tỷ phú đang rót tiền cho chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden
03:00, 05/10/2020
“Ông chủ” của Bigbuy24h là ai?
03:14, 02/10/2020
Doanh nhân Nguyễn Xuân Phú và lời giải cho bài toán tối ưu chi phí
03:27, 01/10/2020
Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải kể chuyện "vượt bão" COVID-19
03:19, 30/09/2020
"Cú lội ngược dòng" của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn
03:08, 29/09/2020